Công chức làm những điều luật pháp cho phép, sẽ không đủ? (Bài 1)

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng| 28/06/2023 06:00

Trong bối cảnh còn tồn tại những văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, công chức  được làm những điều pháp luật cho phép là nguyên lý quan trọng nhưng đã đủ? Làm thế nào để công chức tự tin giải quyết nhanh chóng những thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân tại TP.HCM?

Công chức làm những điều luật pháp cho phép, sẽ không đủ? (Bài 1)

Bài 1: “Nhọc nhằn” công chức thành phố

Dù còn nhiều bất cập và lắm chuyện phiền phức, TP.HCM vẫn là địa phương đáng sống nhất Việt Nam. Không tin, thử làm cuộc thăm dò xã hội về nơi mà người Việt thích an cư nhất, đảm bảo TP.HCM được chọn lựa áp đảo…

Sài Gòn - TP.HCM được gọi vui là “hợp chủng tỉnh” Việt Nam với 52/54 tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt. Năm 1974, Hàn Quốc mới trình làng xe hơi Hyundai Pony nhưng Sài Gòn đã lắp ráp xe La Dalat từ năm 1970. Sau năm 1975, Sài Gòn mang tên Hồ Chí Minh, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, du lịch cả nước. Nhiều chỉ số của TP.HCM bỏ xa các tỉnh, thành khác. Dân số chiếm khoảng 9%, diện tích khoảng 0,63% nhưng thu ngân sách của TP.HCM chiếm hơn 27%. GRDP đầu người luôn dẫn đầu.

-9584-1687850199.jpg

Người Sài Gòn hào sảng, nặng tình nghĩa, luôn tiên phong trong hoạt động cộng đồng. Sống và làm việc ở TP.HCM là niềm tự hào, sướng hơn nơi khác vì thuận tiện đủ thứ, từ cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị cho đến thu nhập và nhịp sống, dù không ai nói ra. Tôi cũng tưởng vậy.

Sau đại dịch Covid-19, có dịp làm việc với nhiều địa phương mới biết, thực tế ở TP.HCM không phải hoàn toàn đúng như vậy. Đúng là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện, thu nhập có khá hơn so với một số tỉnh, thành, nhưng nhịp sống ở TP.HCM quay cuồng, đời sống chật vật hơn, giá cả đắt đỏ, cường độ lao động gấp đôi trở lên. Tôi dần hiểu vì sao ở nhiều địa phương, muốn làm công chức phải “chung chi” với số tiền không nhỏ.

Tổng biên chế hành chính của TP.HCM năm 2022 là 15.190 người, dân số hơn 9 triệu và khoảng 4 triệu người tạm trú, vãng lai. Tỉnh Bắc Kạn có 1.489 biên chế hành chính, dân số 323.000 người (năm 2023). Dân số TP.HCM gấp 30 lần Bắc Kạn nhưng biên chế chỉ hơn 10,2 lần. Nghĩa là công chức TP.HCM phải làm việc gấp ba lần. Vậy mà nghe đâu còn dôi dư, phải tinh gọn tiếp 5-10% trước năm 2026.

-3467-1687850199.jpg

Các dịch vụ ở TP.HCM nhiều gấp mấy lần các địa phương khác. Dân số xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh 167.000 người (năm 2021), bằng nửa dân số tỉnh Bắc Kạn, đông hơn dân số quận Hoàn Kiếm, quận Tây Hồ và 12/18 huyện của Hà Nội, nhưng chỉ có 36 biên chế hành chính. Bình quân một công chức xã Vĩnh Lộc A phục vụ 4.600 người, gấp 21,2 lần ở Bắc Kạn (217 người). Cơ cấu lương và biên chế công chức tối thiểu và tối đa chênh lệch không đáng kể. Viên chức TP.HCM cũng không khá hơn.

Về nhiều địa phương làm việc, thấy nhiều công chức nhà nước có ô tô xịn, nhà cửa khang trang, nhất là những tỉnh ít nhiều sốt đất. Công chức TP.HCM có khi cuối tuần cũng không được nghỉ ngơi trọn vẹn. Hết giờ tất bật đưa đón con cái, cơm nước, hoặc làm thêm đủ thứ nghề có tên và không tên, nếu không có “hậu phương” hỗ trợ tài chính.

Thấy cuộc sống công chức một số địa phương mà “tủi thân” cho công chức TP.HCM. Cơ ngơi làm việc nhiều tỉnh cũng “ăn đứt” TP.HCM. Tôi hiểu ra phần nào tình trạng công chức TP.HCM bỏ biên chế, ra ngoài ngày càng đông, có cả lãnh đạo cấp sở và tương đương.

Các huyện vùng sâu, vùng cao, hải đảo đi lại khó khăn, nhiều công chức xa gia đình, thiếu thốn, vất vả nhiều thứ. Công chức TP.HCM nhìn qua tưởng ngon lành nhưng vất vả kiểu khác. Với những công chức mẫn cán, yêu nghề, khối lượng công việc quá tải, luôn bị áp lực nên dễ cáu gắt và sai sót. Lâu dần hình thành tâm lý trung dung, làm nhiều sai nhiều nên thu mình lại, chờ cấp trên chỉ đạo.

Thực trạng này cần được chấn chỉnh để giải phóng sức ì, tạo tâm lý thoải mái cho công chức TP.HCM. Không thể hô hào suông mà cần có chính sách cụ thể, thiết thực. Khuyến khích sáng tạo và cách làm mới, hỗ trợ nhau và phát hiện kịp thời sai sót để chấn chỉnh. Không cào bằng năng suất lao động và suy diễn chủ quan những việc làm tiên phong nhưng chưa được thống nhất.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân: Tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của cán bộ gặp không ít rào cản
Trong đó, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công vụ gặp nhiều vướng mắc, rủi ro pháp lý. Hôm nay, cán bộ được đánh giá là gương điển hình nhưng ngày mai có thể bị xem là vi phạm. Thời gian qua, có những vụ việc, vụ án xảy ra đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của cán bộ trong việc tham mưu, thực hiện các quy định pháp luật, chứ chưa nói đến sự sáng tạo. Nhiều quy định pháp luật hiện nay chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Có những vấn đề chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Lằn ranh đúng sai rất mong manh đối với những cán bộ năng động, không ngại đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung nếu không có cơ chế khuyến khích và bảo vệ họ.

Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM: Người đứng đầu phải là tấm gương phản chiếu ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức
Hải quan TP.HCM là đơn vị hải quan lớn nhất cả nước với số thu chiếm hơn 35% số thu của toàn ngành. Để thông quan hàng hóa kịp thời, công chức hải quan ở sân bay Tân Sơn Nhất làm việc thâu đêm suốt sáng. Nếu mỗi cán bộ, công chức không chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cao thì không thể hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ và nhiều áp lực như vậy. Trong một tập thể gần 2.000 người, kỷ luật và trách nhiệm của người đứng đầu là tấm gương phản chiếu ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức hải quan TP.HCM. Người lãnh đạo, quản lý của đơn vị phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ cao, có bản lĩnh vững vàng, biết chèo lái con thuyền đi trên những con sóng lớn và truyền nhiệt huyết cho mỗi cán bộ, công chức.

Trân trọng những đóng góp của công chức TP.HCM
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM chia sẻ: “Áp lực đối với đội ngũ công chức, viên chức TP.HCM rất lớn do khối lượng công việc quá nhiều. Phải trân trọng ghi nhận những đóng góp của họ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Vừa qua, có nhiều phàn nàn về việc công chức chưa nhiệt tình, chu đáo giải quyết công việc hành chính và sợ trách nhiệm.
Nhiều năm qua, cùng với doanh nghiệp và chính quyền tham gia tháo gỡ các thủ tục hành chính cản trở kinh doanh, tôi nhận thấy nhiều vấn đề không rõ ràng trong một số quy phạm pháp luật, khiến công chức sợ trách nhiệm, do không biết mình thực hiện những văn bản ấy đúng hay sai. Có tình trạng văn bản quy phạm pháp luật, khi đọc hiểu A hoặc B cũng được. Hơn nữa, chính vì có khoảng hở trong các chính sách đó mới xảy ra những hậu quả như vừa qua. Việc đó cũng dẫn đến áp lực sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức. Để giải quyết tận gốc vấn đề thì việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải chặt chẽ, khi đó công chức mới dám mạnh dạn áp dụng và giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, người dân mà không lo bị sai. Gần đây, việc xây dựng một số chính sách kinh tế đã được cải thiện.
Là người tham gia góp ý kiến xây dựng những chính sách ảnh hưởng tới doanh nghiệp nên tôi thấy, nếu dự thảo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của những đối tượng liên quan để chỉnh sửa thì khi áp dụng có hiệu quả ngay. Tôi nghĩ cán bộ, công chức, người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, nếu thấy những chính sách khi áp dụng mà còn bất cập, nên mạnh dạn kiến nghị thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung ngay. Rất quan trọng nữa là ai ở vị trí nào thì phải hoàn thành trách nhiệm vị trí ấy, không được né tránh, sợ mà không dám làm. Bởi sợ mà không dám làm thì sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, người dân, tới đời sống xã hội.
Nhóm phóng viên thực hiện

Bài 2: Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; chung tay vì sự nghiệp phát triển đất nước

Bài 3: Tạo động lực đủ tốt, công chức sẽ cống hiến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công chức làm những điều luật pháp cho phép, sẽ không đủ? (Bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO