Chủ động và linh hoạt về ngân sách giúp TP.HCM phát triển nhanh

Lan Ngọc| 21/06/2023 05:00

Dự kiến ngày 24/6/2023, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM. Theo đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, khi nghị quyết mới đi vào thực tiễn sẽ giúp TP.HCM chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành ngân sách địa phương, từ đó có thể huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.

Chủ động và linh hoạt về ngân sách giúp TP.HCM phát triển nhanh

* Cơ chế chính sách vượt trội về tài chính ngân sách tại nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, khi đưa vào thực tiễn sẽ tác động thế nào đến phát triển TP.HCM, thưa ông?

- Nhóm cơ chế chính sách này sẽ giúp TP.HCM chủ động, linh hoạt điều hành ngân sách địa phương, tận dụng tối đa tiềm lực sẵn có về nguồn chi đầu tư phát triển để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19; có thể bố trí vốn đầu tư các dự án mới để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án trọng điểm nhằm tạo lợi thế nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thoát khỏi tắc nghẽn; tập trung phát triển nguồn nhân lực cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thu hút các nhà đầu tư cho các dự án lớn; thu hút nguồn vốn từ bên ngoài để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, xuất khẩu, gia tăng sản phẩm nội địa sản xuất trong nước, phát triển khoa học, công nghệ - nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Mặt khác, giúp TP.HCM giải quyết các vấn đề tắc nghẽn trong hoạt động đầu tư công đối với các lĩnh vực môi trường, giao thông đô thị, văn hóa, thể thao...

Nghị quyết mới còn cho phép TP.HCM được vay với tổng mức dư nợ vay không quá 120% số thu được hưởng theo phân cấp và bổ sung có mục tiêu tương ứng 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia, từ một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%. Chính sách này kế thừa nội dung từ Nghị quyết 54, nhưng thay đổi về quy trình nhằm tạo động lực để cho TP.HCM triển khai các biện pháp có hiệu quả trong việc thu ngân sách nhà nước và có thêm nguồn lực để giúp TP.HCM phát triển nhanh hơn. 

-9959-1687312435.jpg

Đại biểu Lê Hữu Trí - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

* Nghị quyết mới cho phép TP.HCM sử dụng ngân sách thực hiện các dự án, công trình quan trọng có tính chất vùng, liên vùng, hỗ trợ các địa phương khác trong nước và quốc tế khi cần thiết. Theo ông, chính sách này nhằm tới mục tiêu gì?

- TP.HCM và 7 tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang và Long An) tạo thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm thương mại và đổi mới sáng tạo lớn nhất, tạo ra 60% nguồn thu và thu hút 50% nguồn vốn FDI của cả nước. Trong đó, TP.HCM ở vị trí trung tâm, đóng vai trò cửa ngõ liên kết phát triển kinh tế giữa Đông Nam bộ - Tây Nam bộ - Tây Nguyên.

TP.HCM đồng thời nằm giữa trung tâm của khu vực Đông Nam Á - nơi có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, cần phải đáp ứng được nhu cầu phát triển của một tâm điểm, giao thương của khu vực Đông Nam Á, giữ vị thế, vai trò là trung tâm thương mại, tài chính, nghiên cứu khoa học dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế chất lượng cao của cả vùng kinh tế trọng điển phía Nam và cả nước...

Chính vì vậy, tại Nghị quyết 31/2022/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã nêu rõ: "Đến năm 2030, TP.HCM phải trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo... tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu kinh tế, có trách nhiệm với cả vùng Đông Nam bộ và cả nước". 

Theo tôi, nghị quyết mới cho phép TP.HCM được sử dụng ngân sách của thành phố để thực hiện các dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính của thành phố là rất cần thiết, khả thi, góp phần có thêm nguồn lực giúp các địa phương khác khó khăn, việc hỗ trợ các địa phương thuộc các quốc gia khác có liên quan khi cần thiết cũng khẳng định tính nhân văn của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong hội nhập quốc tế. 

* Nghị quyết mới cho phép TP.HCM thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo ông, thực hiện việc này trong thực tiễn như thế nào để tránh tác động ảnh hưởng đến doanh nghiệp?

- Chính sách này đã được áp dụng tại TP.HCM gần 25 năm qua. Đây là khoản tiền do chính các doanh nghiệp thuê đất trong khu công nghiệp đóng góp để tạo lập nguồn tài chính dự phòng bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, phục vụ nhu cầu hoạt động của chính các doanh nghiệp. Toàn bộ nguồn thu này sẽ được đưa vào tài khoản ngân hàng riêng, theo dõi và hạch toán riêng.

Tuy nhiên, theo tôi, để bảo đảm chặt chẽ, hợp lý khi thực thi, cần ấn định mức thu phải hợp lý, bảo đảm không làm tăng chi phí lớn đối với các doanh nghiệp, tránh trùng lặp giữa thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất với các loại phí, lệ phí khi thành phố ban hành phí, lệ phí mới. Quản lý, sử dụng, hạch toán, thanh quyết toán nguồn thu này cũng cần phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch, hiệu quả.

-4311-1687332097.jpg

* Theo quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, quận không còn là một cấp ngân sách, nghị quyết mới khi đưa vào thực tiễn giải quyết vấn đề tài chính ngân sách đối với cấp quận của TP.HCM như thế nào có hiệu quả?

- Việc thí điểm cấp quận là đơn vị dự toán ngân sách đã bộc lộ sự bất cập khi không có nguồn lực để xử lý những vấn đề phát sinh chưa được dự toán. Nghị quyết cho thí điểm sử dụng khoản dự toán kinh phí 2-4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh... và do chủ tịch UBND quận quyết định sử dụng nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, theo tôi điều này khi triển khai trong thực tiễn cần có các quy định xác định rõ trách nhiệm trong việc quyết định sử dụng và sử dụng hiệu quả ngân sách, tránh thất thoát, lãng phí. 

* Ông đánh giá thế nào thực trạng hoạt động của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) hiện nay, áp dụng cơ chế chính sách tại nghị quyết mới như thế nào để HFIC có thể trở thành một công cụ tài chính mạnh cho TP.HCM?

- HFIC hiện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, đồng thời vừa là quỹ đầu tư phát triển địa phương. Việc thực hiện chức năng nhận, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phục vụ cho đầu tư phát triển đối với doanh nghiệp là chưa phù hợp; HFIC cũng khó huy động các nguồn vốn do Luật Quản lý nợ công 2017 không quy định các quỹ đầu tư phát triển địa phương là đối tượng được vay lại vốn ODA, vay vốn ưu đãi nước ngoài của Chính phủ thực hiện cho vay lại. 

Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 54 cũng sẽ cho phép HFIC hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhằm góp phần thu hút các nhà đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển; đẩy mạnh đầu tư vào ngành, lĩnh vực thành phố khuyến khích phát triển như đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, kỹ thuật, môi trường, chỉnh trang đô thị, y tế, giáo dục, các ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, chuyển đổi số. Điều này sẽ tạo cho TP.HCM có một công cụ tài chính mạnh để huy động hiệu quả hơn các nguồn vốn để phục vụ cho phát triển.

* Nghị quyết mới cũng cho phép TP.HCM được tạo nguồn thu từ giao dịch tín chỉ carbon hình thành từ các chương trình, dự án giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính. Theo ông, chính sách này tác động thế nào đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh và phát triển bền vững của TP.HCM?

- Cơ chế, chính sách này nhằm tới mục tiêu thúc đẩy bảo vệ môi trường, góp phần làm thay đổi hành vi, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, tăng cường thêm nguồn lực cho TP.HCM thực hiện công tác bảo vệ môi trường… trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Điều này phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, trung hòa carbon, phát triển bền vững.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ động và linh hoạt về ngân sách giúp TP.HCM phát triển nhanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO