Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm cho rằng nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là hết sức cần thiết vì TP.HCM phải trở thành đầu tàu đi trước, dẫn dắt và tiên phong thực hành, thực nghiệm những cơ chế, chính sách mang tính vượt trội, thậm chí cơ chế đặc biệt để qua đó giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những đòi hỏi xuất phát từ thực tiễn.
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực, khơi dậy tiềm năng lợi thế, tạo động lực mới cho TP.HCM nói riêng, các vùng kinh tế trong vùng và của cả nước nói chung.
Cũng đồng tình với việc cần ban hành một nghị quyết mới dành cho sự phát triển của TP.HCM, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng nhấn mạnh rằng, khi xây dựng nghị quyết mới, bên cạnh những cơ chế, chính sách về huy động nguồn lực trong giai đoạn tới thì điều quan trọng hơn là cần phải có những cơ chế, chính sách mới, đủ mạnh, vượt trội để TP.HCM phát triển đột phá. Đại biểu này cho rằng, khối lượng công việc mà TP.HCM phải làm ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp, do đó sự ra đời của một nghị quyết mới là hết sức cấp bách.
Toàn cảnh phiên họp quốc hội |
Đối với lĩnh vực y tế, đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị cần có cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân và đề xuất ban soạn thảo xem xét bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP cho cả lĩnh vực y tế không áp dụng hạn mức. Nếu được Quốc hội chấp thuận, đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị giao HĐND TP.HCM quyết định danh mục các dự án và sẽ giám sát việc thực hiện.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề xuất nghiên cứu về việc kéo dài thời gian thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để tăng tính khả thi của các chính sách này.
Bởi lẽ, theo phân tích của đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, có một số dự án, chương trình phức tạp thì cần thời gian triển khai dài hơn chứ không gói gọn trong mốc thời gian 2025. Đại biểu này cho rằng, nếu nghị quyết mới dành cho TP.HCM được thông qua trong kỳ họp này, thì cũng chỉ còn khoảng 2,5 năm để triển khai.
Do đó, một số ý kiến đại biểu cho rằng, nếu được có thể kéo dài các việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách này đến kỳ quy hoạch 2030, tầm nhìn 2045.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp trong phần thảo luận tại hội trường đã cho rằng, việc nâng cấp mở rộng đường đối với TP.HCM là cần thiết để giảm ách tắc giao thông, đầu tư kinh phí lớn nhất là giải tỏa đền bù cần có sự đóng góp của người dân, cho nên áp dụng hình thức BOT là hợp lý.
Theo tờ trình của Chính phủ, ngoài các chính sách kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14; các cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo luật đang trình Quốc hội cho ý kiến, dự thảo nghị quyết mới của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM quy định thêm 27 cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa cho thành phố.
Ngày 7/6/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo dài 35 trang gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Tổng hợp 128 ý kiến của đại biểu thảo luận tại 19 tổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hầu hết ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành và thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. |