Về dự thảo Nghị quyết cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP,HCM, hầu hết các ý kiến đại biểu Quốc hội đều ủng hộ cao và mong muốn Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV này để tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới.
Thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng dự thảo Nghị quyết với hệ thống cơ chế chính sách sẽ tháo gỡ vướng mắc, phát huy tiềm năng sẵn có của TP.HCM, từ đó thành phố phát triển đúng với vị trí, vai trò của mình, đóng góp cho cả nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại thảo luận tổ |
Không riêng cho TP.HCM, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết cũng là việc chung của cả nước trong bối hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Nếu tổ chức thực hiện các nhóm cơ chế, chính sách thành công sẽ mang lại bài học kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật và một số nội dung về sau sẽ được luật hóa. Các cơ chế, chính sách sẽ tập trung khơi thông nguồn lực, huy động nguồn lực đầu tư xã hội qua các phương thức PPP, BOT, BT hay các cơ chế giúp TP.HCM huy động nguồn lực. Nếu làm tốt, trong 5 năm nữa, TP.HCM sẽ huy động hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển.
Cũng theo lời Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, về công tác tổ chức thực hiện thì thành phố đã có kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội trước đó, và đây là cơ sở quan trọng để TP.HCM chủ động trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện ngay sau khi dự thảo Nghị quyết được Quốc hội thông qua.
"Thành phố đã tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết và phối hợp với các bộ ngành xây dựng các thông tư, hướng dẫn. Theo đó, dự thảo Nghị định là một tài liệu trong hồ sơ trình Quốc hội", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.
Vào ngày 19/5, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch phân công chuẩn bị triển khai dự thảo Nghị quyết. Trong đó, có nhóm 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý II/2023 và trình HĐND TP.HCM tại kỳ họp tháng 7/2023, với 3 đầu việc trước mắt là chuẩn bị dự thảo Nghị định Chính phủ, Chuẩn bị chỉ thị của Thành ủy TP.HCM, chuẩn bị kế hoạch toàn diện của UBND TP.HCM.
Tham gia thảo luận tại tổ chiều 30/5, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) tán thành với hầu hết các cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết, cho rằng đây là những quy định xứng đáng và nên có.
Trong số những nhóm cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TP.HCM, đại biểu Lê Thanh Vân lưu ý về vấn đề tổ chức bộ máy của TP.HCM, bởi đại biểu này cho rằng 3 nhóm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai, cho dù trao cho TP.HCM quyền tích cực hơn nhưng nếu bộ máy không đủ năng lực pháp lý, nhân sự không tương xứng thì ba nhóm kia không có ý nghĩa. Từ đó, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cần trao năng lực pháp lý để TP.HCM tự tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện của TP.HCM trên cơ sở luật tổ chức chính quyền địa phương quy định.
Thống nhất cao với việc sửa đổi, thay thế Nghị quyết 54/2014/QH14, đại biểu Vũ Ngọc Long - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM sẽ giúp thành phố thực sự là đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, văn hóa, khoa học - công nghệ lớn nhất cả nước.
Đại biểu Quốc hội Vũ Ngọc Long tham gia thảo luận tại tổ |
Tuy nhiên, về sự cần thiết, Tờ trình của Chính phủ có nêu sự phát triển của TP.HCM có dấu hiệu chững lại, đại biểu Vũ Ngọc Long nhận định rằng sự chững lại không hoàn toàn do Nghị quyết 54/2014/QH14 mà còn do sự triển khai trên thực tế. Đại biểu Vũ Ngọc Long cho rằng, sự chững lại trên cũng do chưa có sự liên kết vùng, chưa có định hướng tốt để TP.HCM để thực sự trở thành đầu tàu của vùng và cả nước. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo đề chỉnh lại về sự cấn thiết ban hành Nghị quyết để các vị đại biểu Quốc hội thuyết phục được cử tri; đồng thời nhận được sự đồng thuận cao khi Quốc hội thông qua Nghị quyết.
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trao đổi bên lề phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng thì cần chú trọng đến tốc độ triển khai Nghị quyết; đồng thời cần có tầm nhìn dài hạn và đột phá hơn đối với thành phố mang tên Bác. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết. Về căn cứ chính trị, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định rõ “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM”. Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng, cần chú trọng đến tốc độ triển khai Nghị quyết. Cách làm và xây dựng Nghị quyết phải khác đi, thậm chí phải chi tiết, cụ thể hơn để giảm thiểu tối đa các văn bản hướng dẫn; đẩy nhanh quá trình tổ chức triển khai, đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống. Ngoài ra, cần chú ý tới nguyên tắc “trọng tâm và trọng điểm”. Như vậy, nguồn lực và cơ chế cũng phải tập trung để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng, giúp thúc đẩy phát triển thành phố, không nên quá dàn trải. Nếu nguồn lực bị phân tán thì năng lực hấp thụ cũng bị phân tán, khiến các giải pháp trở nên không hiệu quả. Các giải pháp phải hướng đến những “địa chỉ” cụ thể, tránh nêu chung chung, chẳng hạn như xác định rõ sẽ tập trung cho khu vực nào, công trình nào; thời gian dự kiến bao lâu; quy mô nguồn lực là bao nhiêu. Đại biểu cũng cho rằng nên có giải pháp mở rộng khai thác không gian mới và các vùng lân cận thay vì chỉ chỉnh trang không gian cũ. Đồng thời, nên hạn chế huy động nguồn lực trực tiếp từ người dân và doanh nghiệp. Mặc dù là giải pháp có mục tiêu tốt nhưng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp và người dân cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đối với cơ chế huy động nguồn lực con người, bên cạnh thu hút nhân tài mới thì cần thúc đẩy những người đang làm việc trong bộ máy của thành phố phát huy hết khả năng, tạo cơ hội cho họ đóng góp tối đa năng lực chuyên môn. Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, cơ chế ưu đãi đầu tư phải thiết kế hết sức khoa học, tránh những cơ chế tương tự như các địa phương khác; tính đến những chính sách toàn cầu mới, như thuế tối thiểu toàn cầu và chuyển đổi xanh, nâng cao tính sáng tạo. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán đến cơ chế bền vững, như chuyển giao công nghệ, đào tạo người lao động. Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, TP.HCM vốn năng động, có tốc độ phát triển khá tốt nhưng tăng trưởng vừa qua ở cuối bảng trong các tỉnh, thành phố trên cả nước. Điều này không phải hoàn toàn do năng lực của thành phố, mà có nguyên nhân do TP.HCM bị bó buộc bởi cơ chế, chính sách. Do đó, việc phải có một cơ chế cởi mở để "cởi trói" cho TP.HCM là cần thiết. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá. Nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách cản trở sự phát triển của thành phố cũng được đưa ra thảo luận trong quá trình sửa đổi các luật liên quan và chưa được Quốc hội thông qua. Trong khi đó, TP.HCM là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27% ngân sách. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước. Trong dự thảo Nghị quyết trình về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.Hồ Chí Minh trình Quốc hội tại kỳ họp lần này bao gồm các cơ chế, chính sách đang được triển khai theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, cũng như một số chính sách đã được cho áp dụng với các tỉnh, thành phố gần đây. Đồng thời, cũng có một số chính sách đang được đưa ra trong quá trình sửa đổi các dự án luật liên quan. Nói cách khác, trong dự thảo Nghị quyết lần này không phải cơ chế, chính sách đặc thù nữa mà là một khung khổ pháp luật để thành phố “đi trước, hành động trước”. Như vậy, TP.HCM là địa phương được đi trước, trải nghiệm trước các quy định pháp luật này, góp phần tháo gỡ các vướng mắc, rào cản cho bản thân thành phố. Tuy đây chưa thực sự là những “viên thuốc” đặc hiệu để phát huy tối đa tiềm năng của TP.HCM, nhưng sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển của thành phố. Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, nên cho phép TP.HCM thực hiện những cơ chế tương tự như Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã cho phép Chính phủ được chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; biện pháp nào trái với quy định pháp luật hiện hành sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý. Để được như vậy, dự thảo Nghị quyết lần này cần có tầm nhìn dài hạn và đột phá hơn cho TP.HCM. |