* Ông có thể nói thêm về Nghị quyết 54 mới có ý nghĩa như thế nào đối với TP.HCM cũng như các tỉnh Đông Nam bộ và cả nước?
- Nghị quyết 54 sẽ có ý nghĩa rất lớn không chỉ riêng đối với TP.HCM, bởi TP.HCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, là hạt nhân phát triển của vùng Đông Nam bộ.
Theo mục tiêu, tầm nhìn tại Nghị quyết số 31/2022/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, thì đến năm 2030 TP.HCM sẽ là một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, TP.HCM sẽ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, người dân có chất lượng cuộc sống cao, là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Cơ chế, chính sách vượt trội tại dự thảo Nghị quyết 54 mới nếu được Quốc hội thông qua, sẽ tạo ra thể chế thích hợp cho TP.HCM bứt phá, từng bước hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn Nghị quyết 31/2022/NQ-TW đã đề ra.
Khi TP.HCM phát triển mạnh mẽ, với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, là hạt nhân phát triển của vùng Đông Nam bộ sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong vùng, nhất là đối với các đô thị vùng Đông Nam bộ cũng như lan tỏa sự phát triển đến cả nước.
Đối với tỉnh Bình Thuận (một tỉnh trong vùng Đông Nam bộ), hiện nay hạ tầng giao thông đã kết nối trực tiếp với TP.HCM qua tuyến đường bộ cao tốc Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết, khi TP.HCM phát triển mạnh mẽ, tỉnh Bình Thuận sẽ có điều kiện thu hút thêm nguồn lực đầu tư và các yếu tố phát triển khác.
* Ông đánh giá thế nào về tư duy xây dựng thể chế, chính sách đặc thù của cơ quan soạn thảo Nghị quyết 54 mới?
- Nghị quyết 54 mới có hơn 40 nội dung, chia thành 4 nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm cơ chế, chính sách kế thừa Nghị quyết 54 cũ. Nhóm thứ hai là cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM cùng 8 địa phương khác. Nhóm thứ ba là cơ chế, chính sách đã đưa vào dự thảo các luật sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội trong thời gian tới, trong đó TP.HCM thí điểm trước. Nhóm thứ tư là cơ chế, chính sách mang tính vượt trội để TP.HCM giải quyết vướng mắc, bất cập do cơ chế, chính sách hiện hành, đồng thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển mà pháp luật hiện hành chưa có quy định.
Điểm khác biệt của Nghị quyết 54 mới so với cơ chế, chính sách hiện hành là ở nhóm thứ tư. Theo tôi, cách tiếp cận khi đưa ra nhóm cơ chế, chính sách này đã thể hiện tư duy dự báo, định hướng, trên cơ sở đó tạo ra hành lang pháp lý phù hợp cho đô thị đặc biệt TP.HCM tăng tính năng động, sáng tạo, chủ động huy động nguồn lực để phát triển, loại bỏ những rào cản kìm hãm sự phát triển nhanh và bền vững.
* Nếu Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 mới, theo ông, làm thế nào để những cơ chế, chính sách vượt trội ấy có tính khả thi cao?
- Cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 54 mới có thật sự khả thi trong thực tiễn hay không còn phụ thuộc vào việc hướng dẫn, cụ thể hóa các nội dung, kịp thời đưa ra những quy định cụ thể, thuận lợi, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Cơ chế đặc thù mang tính thí điểm của Nghị quyết 54 mới được thực hiện trong một giai đoạn nhất định, nếu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương không ban hành hướng dẫn kịp thời, cụ thể để TP.HCM thực hiện thì cũng rất khó để đánh giá tính khả thi của nó.
* Nhóm cơ chế, chính sách về xây dựng bộ máy chính quyền TP.HCM (bao gồm thành phố Thủ Đức) có thể giải quyết được tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sợ sai, không dám làm, sợ trách nhiệm, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm có được chỉ ra hay không, thưa ông?
- Theo tôi, khi Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết 54 mới nên cân nhắc đưa ra những quy định đủ mạnh để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, như vậy thì người ta mới mạnh dạn sáng tạo, đột phá, yên tâm cống hiến. Phải thúc đẩy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm để cấp dưới noi gương.
Tôi rất kỳ vọng Nghị quyết 54 mới sẽ được Quốc hội thông qua, cũng như hiện nay Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng nghị định về bảo vệ cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ giúp TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung giải quyết được vấn đề này.
* Theo ông, TP.HCM nên làm gì để triển khai ngay Nghị quyết 54 mới nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp đang diễn ra?
- Để triển khai Nghị quyết 54 mới vào thực tiễn, theo tôi, TP.HCM cần tăng cường công tác dự báo kinh tế, xã hội trong nước và thế giới, trên cơ sở đó vận dụng cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 54 mới để ứng phó một cách hiệu quả với những khó khăn, thách thức, khơi thông các nguồn lực phát triển, loại bỏ rào cản kìm hãm sự phát triển. TP.HCM cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 54 mới kịp thời, cụ thể, tránh bị động, lúng túng trong quá trình triển khai. Cần sớm quán triệt tinh thần của Nghị quyết 54 mới tới các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận xã hội, từ đó đưa nghị quyết đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
* Cảm ơn ông!