Xuất khẩu nông, thủy sản: Gỡ khó từ chất lượng

LỮ Ý NHI| 23/10/2015 08:35

Một số mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức khi phải đối mặt với hàng từ Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Brazil... có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.

Xuất khẩu nông, thủy sản: Gỡ khó từ chất lượng

Một số mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức khi phải đối mặt với hàng từ Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Brasil... có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.

Đọc E-paper

Rào cản không chỉ từ nước nhập khẩu

Theo Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm, trong khi các ngành công nghiệp chế biến, điện tử, da giày, dệt may tiếp tục tăng trưởng thì một số mặt hàng nông, thủy sản lại suy giảm ở các thị trường trọng điểm và truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, một số nước châu Âu.

Theo số liệu thống kê, nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu gồm tôm, cá tra, cà phê, cao su, gạo..., 9 tháng qua đạt 15,14 tỷ USD, giảm 9,9 % so với cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân là do nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, đồng USD lên giá, các đối thủ gia tăng cạnh tranh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc nhiều quốc gia, trong đó có các nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Brasil... mở rộng nguồn hàng xuất khẩu, đồng loạt hạ giá đồng nội tệ đã tạo ra nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết: "Thuế giá trị gia tăng là một trong những vướng mắc lớn đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, cụ thể thời gian chờ đợi để được hoàn thuế rất lâu, đơn hàng xuất khẩu càng lớn, thủ tục hoàn thuế càng dài. Nếu DN phải vay vốn ngân hàng thì càng bị áp lực lãi suất nên giảm lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, năm nay, số DN xuất khẩu cao su sụt giảm nhiều do chuyển qua xuất khẩu tiêu, điều, cà phê”.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Ca cao - Cà phê chia sẻ: "Hiện nay, rào cản mà ngành cà phê đang phải đối mặt là tỷ giá không giảm, trong khi Brasil giảm 70% nên ồ ạt bán hàng ra.

Chính vì vậy, 9 tháng qua, ngành cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm 3% và giá cà phê giảm 21%. Điều đáng lo là thời điểm này đang chuẩn bị vụ mới nhưng vẫn tồn kho 1/3 lượng cà phê niên vụ vừa qua.

Một lý do khác là do nông dân quyết giữ giá bán ở mức 40.000 đồng/kg, khi thấy nguồn cung tràn ngập, quyết định xuống giá còn 36.000 đồng thì đã mất lợi thế cạnh tranh, dẫn đến lượng tồn kho ngày càng lớn. 

Hồ tiêu tuy tồn kho không nhiều nhưng tình trạng nhà nhà trồng tiêu thì thời gian tới sẽ có nguy cơ dư thừa".

Ông Lê Văn Quang - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch Công ty Thủy sản Minh Phú, cho biết, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/9, tôm xuất khẩu đạt 1,9 tỷ USD , giảm 28,4 % so với cùng kỳ 2014, riêng Minh Phú 9 tháng đầu năm nay giảm 29,46%, trong đó thị trường Mỹ giảm 47,9%, Nhật giảm 20%, châu Âu giảm 18,5%.

Nguyên nhân giảm mạnh là do đồng tiền Việt Nam phá giá ít hơn đồng tiền các nước. Hiện tại, đồng tiền Indonesia phá giá 42%, Malaysia phá giá 33%, Ấn Độ 20%, Thái Lan 18%, Nhật Bản 20%, trong khi đồng tiền Việt Nam phá giá chỉ 2,3% nên giá tôm Việt Nam trên thị trường thế giới đắt hơn 20% so với Indonesia và Ấn Độ.

Trong khi đó, nguồn tôm của hai nước này lại tăng trưởng đột biến và cung cao hơn cầu dẫn đến giá tôm ở các thị trường chính liên tục giảm, hiện ở mức 30% nên tôm Việt Nam bị tồn kho nhiều.

Một DN xuất khẩu tôm chia sẻ: "Mặc dù Việt Nam đã ký nhiều FTA nhưng đối tác lại thường vi phạm hiệp định. Nhiều đối tác đưa ra hàng rào kỹ thuật cao hơn hàng rào kỹ thuật nước họ đang áp dụng nên DN Việt Nam phải bỏ ra chi phí cao hơn 10%, 20% thậm chí 30% mới bán được hàng nên không thể cạnh tranh".

Gỡ từ chất lượng

Phải thừa nhận rào cản khiến nông, thủy sản Việt Nam khó xuất khẩu chính là chất lượng. "Muốn tháo rào cản cho hàng xuất khẩu thì phải gỡ từ chất lượng", ông Đỗ Hà Nam khẳng định.

Ông Nam dẫn chứng: "Hiện nay, Việt Nam đã xuất gạo vào châu Âu nhưng hạn ngạch không nhiều là do chất lượng không đồng đều. Hay như chè, hiện vẫn còn dư lượng thuốc trừ sâu.

Hồ tiêu cũng vậy, nhưng do hiện nay tiêu của Việt Nam còn giữ tỷ trọng trên 50% nên các nước nhập khẩu chưa dám làm căng".

Các DN trong ngành cao su mong các cơ quan nhà nước phải tăng cường kiểm tra, chất lượng cao su để DN tăng lợi thế cạnh tranh, đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại, giảm thiểu thời gian thông quan".

Ở lĩnh vực thủy sản, theo ông Quang, chất lượng tôm nguyên liệu của Việt Nam kém, khi luộc lên không đỏ đẹp như tôm Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ.

Vì thế, khách hàng Mỹ mua tôm Ring và Nhật mua tôm Sushi đã quay sang mua tôm Thái Lan dù giá tôm của Việt Nam rẻ hơn. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn rất yếu và thiếu.

Ví dụ, để sản xuất tôm Ring đúng chất lượng thì Việt Nam phải nhập khẩu màng co và nước sốt từ Thái Lan, còn tôm tẩm bột thì bột cũng phải nhập từ Thái Lan nên giá thành cao.

Theo chia sẻ của đại diện VASEP, để quản lý chất lượng hàng thủy sản, Chính phủ Thái Lan bắt buộc các nhà máy sản xuất thức ăn phải có chứng nhận BAP (Best Aquaculture Practices: Tiêu chuẩn đáp ứng về môi trường và trách nhiệm xã hội, quyền lợi động vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc), trong khi Việt Nam chưa có quy định tương tự, các DN phải tự bỏ tiền ra mời chuyên gia GAAP (Generally Accepted Accounting Principles: Những nguyên tắc kế toán được thừa nhận) đến thanh tra và cấp chứng nhận BAP thức ăn nên đội giá thành và phát sinh nhiều rắc rối khác.

Một rào cản chất lượng mà các DN cũng chia sẻ, đó là dư lượng thuốc kháng sinh trên tôm xuất khẩu của Việt Nam còn lớn. Kiến nghị của các DN này là cần tăng cường kiểm soát kháng sinh từ vùng nuôi, con giống đến cả thức ăn cho tôm.

>Xuất khẩu tôm vào Mỹ: Khó tiếp khó

>Mỹ áp thuế 32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam

>Xuất khẩu tôm đạt hơn 1 tỷ USD

>Cần cứu thị trường Nhật Bản cho xuất khẩu tôm Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu nông, thủy sản: Gỡ khó từ chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO