Quốc tế

Hội nghị lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương G20 không thể ra tuyên bố chung

NP 01/03/2024 20:23

Các lãnh đạo tài chính của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã không thể ra tuyên bố chung sau cuộc họp ở Brazil mới đây, do chia rẽ quan điểm về cuộc chiến ở Gaza và Ukraine. Điều này làm lu mờ nỗ lực tạo dựng sự đồng thuận về kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế toàn cầu.

Brazil - chủ nhà hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, đã đưa ra 1 bản tóm tắt nội dung, thay cho tuyên bố chung.

newsus.cgtn.com-news-2023-02-26-g20-finance-ministers-conclude-meeting-in-india-1hj77tqvdao-img-1e99932edbc94034ab5a3c29ba74b4b7-_1e99932edbc94034ab5a3c29ba74b4b7.jpeg
Hội nghị lãnh đạo tài chính G20 tại Brazil - Ảnh: CTGN

Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad nói với các phóng viên rằng, sự thiếu đồng thuận giữa các ngoại trưởng G20 vào tuần trước, ảnh hưởng tiêu cực đến đàm phán vấn đề tài chính tiền tệ, khiến hội nghị không thể ra tuyên bố chung.

Theo một số nguồn tin, các quan chức tài chính G20 đã tranh luận đến tận khuya, nhưng cũng không giải quyết được bất đồng giữa Nga và phương Tây.

Căng thẳng địa chính trị kéo dài suốt hai ngày cuộc họp, đe dọa làm lu mờ một số chương trình nghị sự chính thức, như thảo luận về thuế tài sản tối thiểu toàn cầu với giới siêu giàu do Brazil đề xuất.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner trước đó nói rằng, vẫn còn hy vọng về một thông cáo chung, liên quan đến rủi ro địa chính trị đối với tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Brazil Haddad nói tiếp: “Có thời điểm, sự bất đồng nhỏ đến mức chỉ liên quan đến vài từ ngữ.”

Giới chức Brazil chủ trì sự kiện này, đã cố gắng tập trung đàm phán về hợp tác kinh tế, để giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu và nghèo đói, nhưng các nước trong đó có Đức muốn tuyên bố chung đề cập tới cuộc chiến ở Ukraine và Gaza.

Bộ trưởng Tài chính Đức Lindner khẳng định, không thể có hoạt động kinh doanh như thường lệ, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine, Hamas hoành hành và tình hình nhân đạo tồi tệ ở Gaza.

Bất chấp căng thẳng bao trùm cuộc họp ở Sao Paulo, ông Achim Steiner, người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng, khởi đầu nhiệm kỳ chủ tịch G20 của Brazil năm nay thành công, vì mâu thuẫn trong các cuộc đàm phán về tài chính, cơ bản không quá nghiêm trọng.

Ông Steiner nói với Reuters: “Brazil đã đặt ra các ưu tiên rõ ràng, như đề xuất về thuế cho giới siêu giàu.”

Nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng, Brazil đã đề xuất thảo luận về thuế tài sản tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo tăng mức đóng thuế của những cá nhân siêu giàu.

Brazil đặt mục tiêu đưa ra 1 tuyên bố về thuế quốc tế, trước hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 7/2024. Brazil cũng đang mong đợi một báo cáo về vấn đề này từ Cơ quan thuế châu Âu - tổ chức ủng hộ đánh thuế tài sản toàn cầu với những người giàu nhất.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, bày tỏ sự ủng hộ đối với ý tưởng trên.

Đại diện Nhật Bản là Thứ trưởng Tài chính Masato Kanda, cũng ủng hộ đề xuất của Brazil, nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo – chương trình nghị sự chủ đạo của các hội nghị G20 năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hội nghị lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương G20 không thể ra tuyên bố chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO