Ngành logistics: Doanh nghiệp Việt tìm thị trường ngách

THIÊN YẾT| 30/07/2017 01:36

Để thâm nhập sâu hơn vào thị trường cung ứng dịch vụ logistics, doanh nghiệp Việt phải chọn hướng đi phù hợp.

Ngành logistics: Doanh nghiệp Việt tìm thị trường ngách

Năm qua, trong buổi gặp gỡ giới truyền thông nhân ra mắt một trung tâm thương mại tại TP.HCM, đại diện Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cho biết, ngoài việc phát triển trung tâm thương mại ở Việt Nam, Lotte đồng thời nhắm đến mảng logistics để đón đầu cơ hội giao thương hàng hóa giữa DN hai nước từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc.

Gần đây, vài DN Nhật Bản cũng đã tham gia vào ngành logistics Việt Nam để thực hiện các hợp đồng cung cấp dịch vụ thuê ngoài trọn gói (3PL - Third Party Logistics). Dịch vụ này giúp các nhà sản xuất đạt được những mục tiêu về dịch vụ, chi phí, quản lý được hàng tồn kho, bảo quản, phân phối hiệu quả hàng hóa cho nhà sản xuất, DN của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Hàn Quốc và Nhật Bản luôn nằm trong top 3 nhà đầu tư dẫn đầu về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Họ cũng đang tiến hành đàm phán mua lại hoặc thuê dài hạn một số kho bãi tại khu vực phía Nam và ở những địa điểm gần các KCN phía Bắc.

Do tốc độ tăng trưởng của dịch vụ 3PL ở Việt Nam khá cao, theo phân tích của LienVietPostBank là 20 - 25%/năm, nên cạnh tranh trong khu vực này đòi hỏi các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics phải có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, hệ thống "chân rết" rộng khắp, vì thế, "cứ địa" này thường là "cuộc chơi" của các "ông lớn" về logistics vốn đã quen mặt với thị trường Việt Nam như DKSH, APL Logistics, Maersk Logistics, NYKL. 

Ngược lại, với DN nội, gần đây, một vài nhà cung ứng dịch vụ logistics lớn như Gemadept, Vinafco, Transimex đã bước đầu tham gia vào mảng dịch vụ 3PL thông qua việc tăng cường đầu tư vào trung tâm phân phối, hệ thống kho bãi. Trong khi những công ty có quy mô khiêm tốn thì tìm "ngách" để đi riêng hoặc trở thành nhà cung ứng dịch vụ cấp 2, 3 cho những công ty logistics lớn (cung cấp dịch vụ vệ tinh).

Ông Lương Quang Thi - Tổng giám đốc Công ty ABA Cooltrans chia sẻ, hiện thị trường logistics khá phân mảnh nên mức độ cạnh tranh, dù là khu vực nào cũng gay gắt. Chẳng hạn, chỉ riêng chuỗi cung ứng lạnh, quy mô toàn ngành ước tính chưa tới 1 tỷ USD, dù được xác định vẫn còn dư địa để phát triển nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng phân mảnh.

Ngay như ABA Cooltrans đang thuộc top dẫn đầu các nhà cung cấp chuỗi cung ứng lạnh trong nước (khai thác thị trường nội địa) nhưng cũng chỉ chiếm từ 3 - 5% thị phần. Nguyên nhân là do "nhà nhà làm logistics" chỉ với đội xe vận chuyển vài chiếc, đó là chưa kể nhà sản xuất cũng sắm xe, đầu tư kho để tự phục vụ.

Theo đại diện ABA Cooltrans, điều này trái ngược với những công ty nước ngoài với tính chuyên môn hóa rất cao, khâu nào ra khâu đó, trong khi DN sản xuất trong nước thì ai cũng muốn tự "bao trọn" từ đầu đến cuối. Do vậy, thoạt nhìn, tiềm năng của thị trường logistics lớn nhưng giá trị mà các nhà cung cấp dịch vụ này khai thác được lại chưa tương xứng.

Nhiều nhà sản xuất trong nước đã dần lấn sang xu hướng thuê ngoài nhưng chỉ ở mức độ tương đối. Chẳng hạn như Vinamilk - đơn vị sản xuất hơn 1 triệu tấn sản phẩm mỗi năm, với 13 nhà máy, báo cáo thường niên năm 2016 cho thấy, dù đứng thứ ba sau chi phí hỗ trợ bán hàng, khuyến măi nhưng chi phí vận chuyển hàng hóa tính đến 31/12/2016 vẫn ở mức 77,4 tỷ đồng. Song, theo chia sẻ của phía Vinamilk, hiện Công ty vẫn chủ động từ 80 - 90% dịch vụ logistics, khoảng 10% còn lại là thuê ngoài.

Trong khi đó, Công ty CP Tiki (đơn vị đang quản lý, điều hành website thương mại điện tử tiki.vn) với hơn 15.000 đơn hàng cần xử lý hằng tháng, bên cạnh hệ thống kho bãi do Công ty đầu tư (ba nhà kho với diện tích hơn 10.000m2) và đội ngũ giao hàng Tiki Delivery nhưng vẫn phải kết hợp với các đối tác chuyên về giao nhận mới có thể rút ngắn đáng kể thời gian giao hàng cho khách.

Theo chia sẻ của ông Trần Ngọc Thái Sơn - Tổng giám đốc Tiki, việc nhà sản xuất hay bên sử dụng dịch vụ có nên để các nhà cung ứng dịch vụ logistics làm toàn bộ các khâu hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như lượng hàng hóa có đủ lớn để giảm tối đa chi phí nếu sử dụng dịch vụ thuê ngoài, hoặc có những khu vực DN làm tốt hơn nhà cung ứng dịch vụ, và ngược lại.

Bên cạnh những yếu tố về chi phí thì một phần nguyên do khiến nhà sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực FMCG, chưa tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ thuê ngoài là do vẫn còn lo ngại "trách nhiệm" của nhà cung ứng dịch vụ với hàng hóa (tỷ lệ hàng hóa hư hỏng xuất phát từ khâu vận chuyển không đúng cách). Thêm nữa, theo chia sẻ của đại diện một DN lớn trong ngành F&B, chi phí cho chuỗi cung ứng lạnh vẫn chưa cạnh tranh được như mong muốn của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành logistics: Doanh nghiệp Việt tìm thị trường ngách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO