Nợ xấu vẫn tăng

LINH CHI| 20/08/2014 09:44

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% mà ngành ngân hàng (NH) đặt ra cho năm nay tuy không cao nhưng cũng là thách thức lớn khi sức hấp thu vốn yếu. Thêm một gánh nặng lớn hơn là nợ xấu không ngừng tăng.

Nợ xấu vẫn tăng

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% mà ngành ngân hàng (NH) đặt ra cho năm nay tuy không cao nhưng cũng là thách thức lớn khi sức hấp thu vốn yếu. Thêm một gánh nặng lớn hơn là nợ xấu không ngừng tăng.

Đọc E-paper

Lãi suất giảm, tín dụng vẫn khó

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, cho biết lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực điều chỉnh giảm. Đến ngày 24/7, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,5% tổng dư nợ cho vay VND, dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,9% tổng dư nợ cho vay bằng VND.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, tỷ lệ cho vay với mức lãi suất từ 12%/năm trở xuống của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tính đến cuối tháng 7, chiếm đến 86% trên tổng dư nợ của các ngân hàng (NH) trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, mức lãi suất cho vay dưới 8%/năm chiếm khoảng 42%.

Mức lãi suất bình quân 9-12%/năm là khoảng 44%. Phần còn lại, lãi suất trên 13%/năm chủ yếu là lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Còn đối với doanh nghiệp (DN), mức lãi suất cho vay trên 13%/năm hầu như không còn, có chăng chỉ là các khoản nợ quá hạn, nợ xấu, trừ lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Riêng đối với tín dụng cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ) của NH trên địa bàn TP.HCM tính đến ngày 20/7 đạt 136.000 tỷ đồng so với mức của đầu năm 2014 là 125.000 tỷ đồng, lãi suất không quá 8%/năm.

Thế nhưng, số liệu vừa được đưa ra từ NHNN cho biết, đến ngày 31/7, tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống tăng 7,36%, huy động vốn tăng 6,98%, tăng trưởng tín dụng 3,68%. Trên địa bàn TP.HCM, 7 tháng đầu năm nay, tín dụng ước tăng 3,3% so với đầu năm 2014.

Để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, NHNN cho biết, trên cơ sở theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của từng TCTD và toàn hệ thống, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cho một số TCTD.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức, triển khai chính sách tín dụng như: cho vay hỗ trợ nhà ở gói 30.000 tỷ đồng, chương trình liên kết "bốn nhà” trong lĩnh vực xây dựng, chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn theo mô hình chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm nông sản xuất khẩu cũng như mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, mô hình cánh đồng mẫu lớn...

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, mục tiêu của ngành trong nửa cuối năm là tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%.

Nếu tín dụng không đạt được mục tiêu ấy cũng phải tăng trên 10% mới thúc đẩy được nền kinh tế. Vì thế, NHNN sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất từ nay đến hết năm để DN dễ dàng vay vốn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, trước sức mua thị trường và tồn kho chưa mấy cải thiện, để đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện nay vẫn được xem là một thách thức lớn đối với mục tiêu này.

Chính sách lãi suất cho vay được một lãnh đạo cấp cao ngành NH nhận định, sẽ tiếp tục xu hướng đi xuống, nhưng tăng trưởng tín dụng không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lãi suất mà còn phụ thuộc vào chính sách tăng trưởng dư nợ của các NHTM.

Bên cạnh đó, môi trường sản xuất, kinh doanh cũng là yếu tố quyết định việc tăng trưởng tín dụng. "Nếu nền kinh tế trên đà hồi phục, DN sẽ sẵn sàng vay vốn đầu tư, sản xuất và kinh doanh. Nhưng trước tình trạng ngưng trệ hiện nay, vay vốn không biết để làm gì”, vị này cho biết.

Nợ xấu lại theo xu hướng tăng

Ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay, nợ xấu vẫn phát sinh từ các khoản vay mới và nhất là khoản cũ trước đây khi DN không bán được hàng để trả nợ vay.

Từ đầu năm đến nay, các NHTM trên địa bàn TP.HCM đã nỗ lực xử lý nợ xấu khoảng 8.000 tỷ đồng, song tổng số nợ xấu tính đến thời điểm này vẫn còn trên 47.000 tỷ đồng, cho dù đã nỗ lực hy sinh lợi nhuận trích lập dự phòng, bán nợ xấu cho VAMC, xử lý thu hồi bằng tiền và phát mãi tài sản.

Tuy nhiên, với xử lý nợ thu hồi tiền mặt và phát mãi tài sản lại chiếm tỷ lệ rất ít, trong đó xử lý thu hồi bằng tiền mặt từ đầu năm đến nay khu vực TP.HCM chỉ đạt vài trăm tỷ đồng. Còn phát mãi tài sản dường như vẫn là bài toán khó đối với các NH.

Nợ quá hạn của PGBank cuối quý II/2014 là 1.723 tỷ đồng, chiếm đến 12,16% trên tổng dư nợ, cho dù trước đó nợ xấu của NH này được kéo giảm về 4% cuối quý I/2014.

Tỷ lệ nợ xấu của PVcomBank đến 30/6 là 5,2%, tăng nhẹ so với mức 5,08% đầu năm nay. Tổng số dư nợ xấu của ACB vừa được công bố cũng cho thấy, tính đến cuối quý II/2014 là 4.037 tỷ đồng, tức tỷ lệ nợ xấu là 3,6%...

Việc xử lý nợ xấu của các NHTM hiện nay chủ yếu là trích lập dự phòng và bán cho VAMC. Tuy nhiên, việc bán nợ xấu cho VAMC hiện nay cũng không thể giải quyết tận gốc nợ xấu, NH phải trích 20% dự phòng, nhưng nếu sau 5 năm, các khoản nợ xấu đó chưa được xử lý thì NH sẽ phải nhận lại.

Vì thực tế, để xử lý được nợ xấu, VAMC cần phải có thị trường mua - bán nợ và có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, việc mua, bán nợ đằng sau nó thực chất là bất động sản, nhưng Luật Đất đai không cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản thì với thị trường mua - bán nợ rất khó có thể hình thành như kỳ vọng.

Vì thế, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, chắc chắn tín dụng năm nay sẽ khó đạt mục tiêu. Còn nếu cố chạy đua mục tiêu và tăng rất nhanh vào cuối năm chắc chắn dư nợ tín dụng sẽ dồn cục và khó tránh được việc tín dụng tăng "ảo" cuối năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Cao Sỹ Kiêm, các NH sẽ vẫn đẩy mạnh vốn cho vay vào những tháng cuối năm để tăng tín dụng, nhưng có thể nguồn vốn đó sẽ được dùng để phát triển trong năm sau, thay vì cuối năm 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nợ xấu vẫn tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO