Vẽ tranh cát động rất có "tiền đồ"

XUÂN LỘC/DNSGCT| 26/10/2013 08:31

Khi hai bàn tay của nghệ sĩ Trí Đức lướt nhẹ trên mặt cát, những hạt cát đơn sắc bỗng chốc trở nên các bức tranh sống động và biến hóa liên tục. Sự kết hợp khéo léo và chuẩn xác giữa hình ảnh và âm nhạc tạo một chuyến tàu đưa khán giả lướt êm qua nhiều không gian, thời gian và tạo ra cảm xúc sâu lắng đến khó quên.

Vẽ tranh cát động rất có

Khi hai bàn tay của nghệ sĩ Trí Đức lướt nhẹ trên mặt cát, những hạt cát đơn sắc bỗng chốc trở nên các bức tranh sống động và biến hóa liên tục. Sự kết hợp khéo léo và chuẩn xác giữa hình ảnh và âm nhạc tạo một chuyến tàu đưa khán giả lướt êm qua nhiều không gian, thời gian và tạo ra cảm xúc sâu lắng đến khó quên.

Đọc E-paper

Qua tài năng của Trí Đức, những hạt cát như có thể thì thầm kể lại nhiều câu chuyện khác nhau một cách đầy ấn tượng. Nghệ sĩ Trí Đức được biết đến như là người tiên phong trong môn nghệ thuật tranh cát chuyển động (Sand Animation Art) ở Việt Nam.

Những bức tranh cát chuyển động đầu tiên anh vẽ năm 2008 và đưa vào chương trình Duyên dáng Việt Nam 21 (năm 2010) đã nhanh chóng lan truyền trên mạng internet.

Tranh:Hoàng Tường

Anh trở thành họa sĩ “độc quyền” với loại hình biểu diễn mới và được mời biểu diễn thường xuyên cho các sự kiện lớn nhỏ trên toàn quốc. Sau lần biểu diễn tác phẩm tranh cát về nữ hoàng ElizabethII ở Anh vào tháng 7/2012 và đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012, tên tuổi của anh được biết đến nhiều hơn.

Nhắc về vai diễn trong vở Âm binh đã đoạt huy chương vàng năm ngoái, Trí Đức vẫn rất xúc động:

Đó là một sự thăng hoa trong nghệ thuật mà sau này, tôi khó có thể tìm lại được. Ban đầu, đạo diễn Xuân Hồng muốn tôi tham gia thiết kế sân khấu cho vở diễn mà thôi. Thật may, khi tôi đề xuất ý tưởng sử dụng tranh cát để thể hiện những thay đổi về không gian và thời gian thì cả đoàn đều đồng ý.

Mục tiêu ban đầu của tất cả các thành viên trong đoàn, từ người biên kịch là nhà báo Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Xuân Hồng đến tất cả các thành viên khác là giành lấy giải thưởng trong liên hoan sân khấu năm đó. Đến ngày đi thi, trong chúng tôi chỉ còn niềm hưng phấn và hạnh phúc về một thành quả vượt trên cả dự tính ban đầu.

Có thể nói, chúng tôi đã “cháy” hết mình trên sân khấu. Đến khi kết thúc vở diễn, nhìn thấy khán giả xúc động đến rơi nước mắt và toàn bộ giám khảo lên sân khấu ôm lấy diễn viên để chúc mừng, chúng tôi biết mình đã có một vở diễn thành công.

* Lần đó, anh và nghệ sĩ Hoàng Yến là hai người đã nhận được huy chương vàng, hẳn anh đã có một vai diễn ấn tượng?

- Âm binh kể về câu chuyện của một cô gái sống ở giữa hai vùng giao tranh. Cô đã dùng sữa của mình để cứu sống hai người lính thuộc hai bên chiến tuyến. Sau đó là những mâu thuẫn về tình cảm và lý trí giữa ba con người diễn ra trong 30 năm.

Vai diễn của tôi là… gốc phi lao già trên cát, một câu thoại ở đầu vở, có gì ấn tượng đâu. Suốt thời gian còn lại trên sân khấu, tôi chỉ sử dụng cát để kể lại nỗi lòng của nhân vật chính và đưa khán giả đi qua mấy chục năm thăng trầm dâu bể với những đổi thay của con người và vạn vật.

* Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng anh có một bàn tay tài hoa để có thể kể chuyện bằng cát một cách độc đáo như vậy…

- Tôi chỉ có những ngón tay “quen nghề” còn tất cả những hình ảnh xuất hiện theo cử động của đôi bàn tay đều do bộ não chi phối. Lợi thế của tôi là từng học và tìm hiểu kỹ về kịch câm nên biết cách kể chuyện qua từng động tác của đôi bàn tay, nét mặt và sự chuyển động của hình thể. Ngoài ra, tôi còn tự học cách biểu cảm bằng ngón tay qua những đoạn phim ngắn của các nghệ sĩ nước ngoài trên internet.

Người xem bị tranh cát động cuốn hút vì hầu hết hình ảnh trong tranh đều khá quen thuộc với cuộc sống đời thường, được phóng tác lúc nhanh, lúc chậm theo âm nhạc. Sự phối hợp ăn ý giữa âm nhạc, hội họa và cảm xúc tạo nên những luồng cảm xúc khác nhau cho người xem.

* Cảm xúc trong biểu diễn là gì, ý anh phải chăng là tình cảm của người biểu diễn đặt vào tác phẩm nghệ thuật?

- Không đâu. Cảm xúc, so sánh một cách nôm na, là “một loại ma túy tổng hợp” mà người nghệ sĩ mang đến cho khán giả. Tác phẩm nào cũng cần có những điểm nhấn cảm xúc, trong nghệ thuật thường gọi là “trò” (cái để xem). Cảm giác choáng ngợp dù chỉ trong tích tắc nhưng sự thổn thức thì có thể đọng lại nhiều giờ sau đó.

Chẳng hạn như mới đây, trong bức tranh cát biểu diễn nhân lễ kỷ niệm của một công ty chuyên về xuất khẩu gạo, ngoài những hình ảnh quen thuộc như: đồng quê, con cò, chú bé chăn trâu thổi sáo, những đoàn tàu lớn chở gạo đi khắp thế giới… thì tôi rất chú trọng hình ảnh cây lúa từ mạ non đến khi trổ bông. Để từng bông lúa hiện ra nhịp nhàng theo điệu nhạc và khiến người xem phải choáng ngợp, tôi đã phải tập tới tập lui cả trăm lần với cát và âm nhạc.

* Có phải vì mê tranh cát động mà anh quyết định theo học Mỹ thuật ở Trường Đại học Gia Định?

Họa sĩ Trí Đức

- Trước đây, khi chưa biết đến tranh cát động, tôi luôn mơ ước trở thành một đạo diễn sân khấu. Mỹ thuật là một phần nền quan trọng mà người đạo diễn cần trang bị. Với tôi, đạo diễn là một nghề tổng hợp của nhiều nghề, am hiểu và có kinh nghiệm ở hầu hết các lĩnh vực. Những đạo diễn tài năng trên thế giới là người có khả năng làm tốt ở nhiều việc khác nhau, từ đạo diễn, sản xuất đến viết kịch bản và diễn xuất.

Quyết tâm trở thành một đạo diễn nên tôi rất xông xáo với những công việc mà tôi cho là có chút liên quan đến sân khấu để vừa học nghề, tích lũy kinh nghiệm lại vừa kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Tôi trở thành anh chàng “thợ đụng” (đụng đâu làm đó), không nề hà cả những việc bán vé, vẽ quảng cáo, treo banner…

Thật may, trong quá trình vừa học vừa làm, tôi đã gặp được những người cùng đam mê, cùng chí hướng, trong số đó có anh Huỳnh Phúc Điền. Anh ấy tập hợp một nhóm làm sự kiện, cùng thực hiện nhiều chương trình, thường xuyên nhất là các chương trình Duyên dáng Việt Nam. Được làm việc trong nhóm của anh Huỳnh Phúc Điền là một cơ hội tốt cho tôi để phát triển về ý tưởng và nhiều vai trò khác trong mỗi sự kiện.

* Sau đó, anh Huỳnh Phúc Điền đã trở thành một đạo diễn rất nổi tiếng, còn anh vì sao lại không tiếp tục với đam mê của mình?

- Để trở thành một đạo diễn nổi tiếng như anh Điền thì cần nhiều yếu tố ngoài tài năng, không thể không kể đến sự may mắn và tinh thần “dám nghĩ dám làm”. Tôi không trở thành một đạo diễn sân khấu, nhưng hiện tại tôi đang là đạo diễn cho chính mình.

Một tác phẩm tranh cát động là một tổng hòa của nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật biểu diễn. Người vẽ tranh cát như tôi phải làm nhiều việc hơn là một đạo diễn, đó là phải xây dựng ý tưởng, sáng tạo kịch bản, lựa chọn và sắp xếp tổng thể âm nhạc, ánh sáng… Ngoài ra, tôi cũng từng đạo diễn một số chương trình múa rối tại Trung tâm múa rối Baby, tiền thân là đội rối của Nhà Thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh.

* Anh tham gia đội múa rối này cũng trong quá trình làm “thợ đụng”?

- Tôi tham gia đội rối của Nhà Thiếu nhi Thành phố từ nhỏ. Những năm tháng chưa buộc đời mình vào tranh cát động, tôi từng mơ ước được xây dựng một nhà hát rối của Việt Nam theo mô hình nhà hát rối của Jim Henson, nghệ sĩ múa rối nổi tiếng nhất nước Mỹ.

Trong đó, một chương trình múa rối là một kinh nghiệm sân khấu hoàn chỉnh và trong tay người nghệ sĩ, con rối sẽ không còn là một vật vô tri vô giác mà trở thành một công cụ chuyển tải linh hồn của người biểu diễn.

Giữa diễn viên và con rối sẽ hoàn toàn đồng điệu về cảm xúc và suy nghĩ. Con rối không chỉ có chuyển động mà còn thể hiện rõ cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố… Có như vậy thì khán giả ở mọi lứa tuổi đều cảm thấy hào hứng với thế giới tưởng tượng mà sân khấu múa rối dựng lên.

Nhiều năm trước, đội rối của chúng tôi đã rất nỗ lực sáng tạo ra những vở rối thật hay theo nghệ thuật rối hàn lâm mà tôi học hỏi được từ nước ngoài. Nhưng kết quả, Trung tâm Baby vẫn không thu hút được nhiều người xem như mong đợi.

* Một số ý kiến cho rằng múa rối “ế” là do khán giả lớn tuổi chưa quan tâm đến loại hình nghệ thuật này…

- Rõ ràng không phải là do khán giả chưa quan tâm đến múa rối vì nhiều đơn vị múa rối khác tại TP. Hồ Chí Minh vẫn thu hút được đông đảo khán giả. Chúng tôi chưa thu hút người xem là vì chưa đầu tư nhiều cho việc quảng bá.

Thực tế thì “công nghệ PR” (theo cách gọi của dân tiếp thị) là cả một nghệ thuật và là khâu quan trọng trong chiến lược bán vé. Nhiều bộ phim, vở kịch bị chê nhưng vẫn bán được vé nhờ biết cách gây tò mò đối với công chúng đấy thôi.

Trung tâm Baby, vì nhiều lý do, không thể cạnh tranh với các đoàn rối khác ở các chiến lược quảng cáo rầm rộ. Mấy năm gần đây, trung tâm đang hướng đến những phân khúc thị trường riêng như: tiệc sinh nhật, lễ kỷ niệm ở các trường quốc tế… Và hướng đi này có vẻ thuận lợi và phù hợp hơn.

* Hiện nay anh có còn làm việc ở Trung tâm Baby không?

Tôi vẫn là người hoạch định chiến lược phát triển cho Trung tâm múa rối Baby. Sau một vài thành công trên lĩnh vực tranh cát động, tôi được mời biểu diễn liên tục ở các sự kiện văn hóa nghệ thuật, các buổi tiệc cưới, các sự kiện của doanh nghiệp… Nên tôi chỉ tham gia những chương trình lớn của trung tâm.

* Anh đánh giá như thế nào về nhu cầu xem biểu diễn tranh cát động hiện nay?

Phải nói là nhu cầu về tranh cát động tại các sự kiện là rất lớn. Vì sự kiện nào cũng cần có một, hai tiết mục đặc sắc để thu hút người tham dự. Tranh cát động vừa mới mẻ, thú vị, lại vừa mang tính thư giãn với âm nhạc và hội họa, rất cần cho những hội thảo khoa học khô khan.

Tôi hay đùa rằng công việc vẽ tranh cát động rất có “tiền đồ”, một nghề có triển vọng và tôi lại vừa có tiền, vừa có… đồ. Nhờ mối quan hệ lâu năm với các công ty tổ chức sự kiện nên tôi có show diễn đều đều.

Những tháng cuối năm là thời điểm sự kiện diễn ra liên tục, nhiều lúc tôi bị trùng lịch diễn hoặc bị quá tải, phải giới thiệu cho các họa sĩ khác. Vẽ tranh cát đã trở thành nguồn thu nhập chính của tôi hiện nay.

* Anh có thể chia sẻ về thu nhập của mình từ tranh cát, nếu không ngại?

Làm nghệ thuật thì khó mà có nguồn thu nhập cố định theo từng tháng. Hơn nữa, mức giá biểu diễn của tôi cũng không ổn định, có khi tôi tính toán cụ thể về chi phí ý tưởng, dựng phim, tìm kiếm tư liệu (hình ảnh, âm nhạc…), lắm lúc do cảm hứng thì tôi chỉ lấy công biểu diễn. Vì vậy, có tháng tôi kiếm được năm, bảy trăm triệu, có tháng thì thu nhập chưa đến mười triệu đồng.

Cũng như những công việc liên quan đến nghệ thuật khác, vẽ tranh cát giống như “làm dâu thiên hạ”. Trước khi làm hài lòng người xem, tôi phải làm hài lòng đơn vị đặt hàng trước. Có những khách hàng đã qua mười lần họp để duyệt ý tưởng, kha khá thời gian luyện tập mà đến thời điểm tổ chức chương trình vẫn quyết định hủy tiết mục… như thường.

* Hiện nay, số người vẽ tranh cát động trên cả nước chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay. Hẳn đây là một lợi thế cho anh trên thị trường vẽ tranh cát?

- Không như mọi người nghĩ, tôi không thích cảnh “đơn độc” trên mảnh đất tranh cát động rộng lớn. Năm 2008, khi bắt đầu vẽ tranh cát, tôi đã luôn tìm kiếm người đồng hành với mình trong bộ môn nghệ thuật này để có cơ hội chia sẻ và học hỏi.

Đến khi tìm được nghệ sĩ Phan Anh Vũ và sau đó là họa sĩ Nguyễn Thế Nhân, tôi đã rất vui mừng vì có những người bạn cùng đam mê và hứng thú phát triển bộ môn nghệ thuật này tại Việt Nam. Tôi rất hay khuyến khích mọi người học và vẽ tranh cát để loại hình nghệ thuật này ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn.

* Anh không sợ bị cạnh tranh sao?

- Tôi đã bắt đầu bị cạnh tranh rồi và không có gì đáng sợ cả. Cạnh tranh là cách để bắt mình phải sáng tạo nhiều hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn trong nghề nghiệp để khẳng định mình. Đôi khi, việc độc diễn làm cho con người dễ hài lòng với nghề nghiệp của mình, từ đó họ không còn ước muốn học
hỏi để phát triển nghề nữa.

Thật may, tôi luôn biết rằng mình chỉ mới khám phá được một phần nét đẹp của tranh cát chứ chưa thật sự hiểu hết về nó, tôi là người vẽ tranh cát chuyên nghiệp chứ chưa phải là người giỏi nhất.

Với tôi, làm nghệ thuật là một công việc cực nhọc, thậm chí là khổ luyện. Đôi khi, một bài nhạc tôi phải nghe đi nghe lại đến cả trăm lần để từ nhạc bật ra hình ảnh. Những lúc mệt quá tôi thiếp đi mặc cho âm nhạc đi vào tiềm thức. Ý tưởng có thể là sự ngẫu hứng nhưng để trình diễn thì phải trải qua một quá trình làm việc và luyện tập mất nhiều thời gian và công sức.

* Sau gần 300 tác phẩm tranh cát động với bấy nhiêu ý tưởng độc đáo, đến nay anh có bao giờ lâm vào tình trạng “bí” ý tưởng?

- Có chứ, có lẽ phải nói là thường xuyên bị “bí”. Ý tưởng thật đắt để vừa làm hài lòng khán giả lại vừa hài lòng khách hàng và lắm lúc, tôi còn phải vẽ tranh về những sản phẩm “nhạy cảm” như: thuốc điều trị ung thư tử cung, thuốc tiêu chảy…

* Với những trường hợp như vậy, anh sẽ vẽ như thế nào?

- Cũng phải cố nghĩ cho bằng được mối liên hệ giữa sản phẩm với hình ảnh, âm nhạc sao cho bức tranh cát vẫn giữ được nét tinh tế mà vẫn quảng bá được sản phẩm. Thường tôi không từ chối chương trình nào, trừ khi không có thời gian.

Tôi vốn là người cẩn thận nên luôn mất thời gian để chuẩn bị thật kỹ mỗi tiết mục trước khi biểu diễn. Dù đã luyện tập một cách nhuần nhuyễn trước đó nhưng tôi vẫn bị run trước mỗi buổi biểu diễn.

* Đã tham gia biểu diễn các show lớn nhỏ từ năm năm qua mà anh vẫn bị run sao?

- Mỗi buổi biểu diễn, tôi phải đối mặt với một thành phần khán giả khác nhau. Tôi run vì không thể biết chắc là khán giả cần gì ở tôi. Trình diễn sân khấu là nghề đòi hỏi phải đáp ứng đúng nhu cầu của khán giả, mà mình thì chỉ đoán biết thị hiếu của họ và cố gắng làm vừa lòng thị hiếu đó.

* Đến khi biểu diễn trên sân khấu, đứng trước hàng ngàn khán giả thì anh còn run không?

Cận cảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua bàn tay tài hoa của họa sĩ Trí Đức

Khi biểu diễn thì tôi không còn run nữa vì toàn bộ đầu óc và cơ thể đã tập trung hoàn toàn vào việc biểu diễn và ứng phó ngay với những sự cố ngoài ý muốn. Sự tập trung cao độ cho tác phẩm khiến tôi gần như bị rút hết năng lượng.

Vì vậy, một tiết mục dù chỉ biểu diễn trong năm, mười phút nhưng khi vừa hết tiết mục, tôi gần như kiệt sức, toàn thân rã rời. Tôi thường phải qua một, hai ngày nghỉ ngơi mới hồi phục. Còn với những tiết mục dài thì cần nghỉ ngơi nhiều hơn, như lần biểu diễn ở Anh chẳng hạn.

* Còn nhớ, buổi diễn ở Anh vào tháng 7 năm ngoái kéo dài đến 20 phút. Đây có phải là buổi biểu diễn để lại cho anh nhiều ấn tượng?

Buổi biểu diễn mà chúng ta đang nhắc đến là do những người Việt khá giả ở Anh thực hiện nhân dịp lễ đăng quang 60 năm nữ hoàng Anh Elizabeth II. Đó là buổi biểu diễn lớn nhưng không để lại cho tôi nhiều ấn tượng.

Có thể do tôi đã luyện tập quá kỹ trước đó nên không còn để lại nhiều cảm giác hưng phấn biểu diễn. Hơn nữa, phong cách của người Anh rất lịch sự và có phần…lạnh lùng. Mặc dù rất thích màn biểu diễn của tôi nhưng những người bản xứ không thể hiện sự khâm phục ra mặt.

Thú thật, tôi thích biểu diễn cho khán giả trong nước hơn. Cảm xúc được thể hiện rất rõ trong một tiệc cưới, khi tôi vẽ ra những hình ảnh ly cà phê, ổ bánh mì chia đôi, rất đông khán giả hò reo phấn khích. Hay khi tôi vẽ về sự phát triển cho doanh nghiệp, một vị trong ban lãnh đạo đến ôm tôi và nói cảm ơn. Tôi trân trọng những cảm xúc thật như thế, nhờ vậy mà tôi vẽ hăng hái hơn.

* Anh từng chia sẻ rằng mình không học vẽ tranh cát động qua trường lớp mà chỉ xem qua một đoạn phim ngắn trên internet. Điều này thật khó tin vì trông qua, bức tranh cát không dễ thực hiện…

- Thực tế thì vẽ tranh cát không khó đối với những người đã có căn bản về mỹ thuật. Cát chỉ là một chất liệu giống như sơn dầu, mực tàu… Chỉ cần một lớp cát mịn đặt trên mặt kính màu trắng đục, bên dưới có đèn chiếu sáng là đủ điều kiện hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật bằng cát.

Nguyên tắc cơ bản của loại hình nghệ thuật này là sự tương phản giữa nền sáng của mặt kính và màu đen của cát để tạo nên hình ảnh. Chính vì nguyên tắc này nên tranh cát dường như không đa dạng về màu sắc nhưng lại có được sắc độ (độ đậm nhạt), tạo được không gian xa gần của bức tranh.

* Đến lúc này, khi đã trở thành một đạo diễn như mong ước của những ngày trẻ tuổi, anh đã hài lòng với cuộc sống hiện tại chưa?

- Tôi cảm thấy hài lòng với nghề nghiệp của mình, càng vui hơn vì thiên hạ vẫn mê những bức tranh tôi vẽ. Tôi hơi lý tưởng hóa hai chữ “nghệ sĩ” nên luôn khát khao đem tài năng ra để cống hiến cho xã hội, làm đẹp cho đời.

Tranh cát động đã cho tôi cảm giác sống có ích và niềm đam mê với việc sáng tạo nghệ thuật. Nếu những ai yêu thích và muốn tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này, tôi rất sẵn lòng để chia sẻ. Mong sao tranh cát dần phát triển, trở thành một bộ môn nghệ thuật phổ biến như những thể loại nghệ thuật sân khấu khác tại Việt Nam.

*Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị trên!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẽ tranh cát động rất có "tiền đồ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO