Kinh tế toàn cầu gập ghềnh phục hồi: Kỳ 2 - Liệu các "thành trì" chống dịch có tiếp tục bình yên?

Ngọc Thoại| 18/08/2021 07:00

Trong báo cáo hồi cuối tháng 7/2021, IMF khẳng định quá trình phục hồi kinh tế sẽ không được bảo đảm cho đến khi đại dịch được đánh bại trên phạm vi toàn cầu, do mức độ sâu rộng của quá trình toàn cầu hóa khiến các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.

Kinh tế toàn cầu gập ghềnh phục hồi: Kỳ 2 - Liệu các

Báo cáo này xuất hiện trước khi có cảnh báo miễn dịch cộng đồng sẽ không thể đạt được với biến chủng Delta, cũng như hồi chuông báo động về sự xuất hiện của các biến chủng mới với khả năng lây nhiễm mạnh hơn, kháng lại các loại vaccine hiện có.

Tuy vậy, trong báo cáo, IMF vẫn dự trù sự xuất hiện của các biến chủng virus có khả năng lây nhiễm cao có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế và quét sạch tổng cộng 4,5 nghìn tỷ USD khỏi GDP toàn cầu vào năm 2025. 

"Đời không như mơ"

Hôm 14/8, Chính phủ Israel, một quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới, đã tổ chức tiêm chủng vaccine  suốt đêm tại quảng trường Dizengoff ở thành phố Tel Aviv.

Cơ quan Cấp cứu Quốc gia Israel (MDA) đã phối hợp với chính quyền Tel Aviv triển khai 2 xe cứu thương với một loạt bàn tiêm vaccine, nhằm tạo điều kiện cho thanh niên và những người tham gia tiệc tùng và các hoạt động giải trí khác có thể dễ dàng và nhanh chóng tiêm phòng ngay tại trung tâm thành phố, từ 20 giờ 00 (14/8) đến 4 giờ 00 (15/8).

tinh-hinh-lay-nhiem-covid-19-o-7022-9712

Số ca nhiễm và trở nặng ở Israel đang leo dốc từ đầu tháng 7/2021

Israel đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm trở lại do biến chủng Delta khiến Chính phủ phải tái áp đặt một loạt biện pháp hạn chế xã hội và đưa ra thêm biện pháp tiêm chủng dành cho mọi người dân từ 12 tuổi trở lên. Thông báo của MDA cho hay những người chưa tiêm lần nào hoặc đã tiêm một mũi và người từ 50 tuổi trở lên muốn tiêm liều 3 bổ sung đều có thể đăng ký‎ và tiêm ngay tại chỗ.

Hiện nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine giảm dần ở những người trên 60 tuổi. Do đó, Israel đã không đợi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đồng tình mà tiến hành tiêm mũi thứ 3 cho khoảng 2.000 người suy giảm miễn dịch vào cuối tháng 7, trước khi mở rộng cho tất cả những người trên 60 tuổi vào ngày 1/8.

Israel hiện cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm vaccine Covid-19 liều 3 cho những người từ 50 tuổi trở lên. Đến nay, đã có hơn 5,8 triệu người tại Israel tiêm vaccine Covid-19 trên tổng dân số khoảng 9,3 triệu người, trong đó gần 5,4 triệu người đã tiêm đủ 2 liều và hơn 813.000 người đã tiêm liều bổ sung thứ 3.

Tuy vậy, quốc gia Trung Đông này đang cân nhắc các biện pháp phong tỏa cũng như giãn cách xã hội, sau khi tiến hành mở cửa hồi tháng 4/2021, do số ca nhiễm mới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.

tinh-hinh-lay-nhiem-covid-19-o-9871-9605

Rủi ro cao nhất ở nhóm chưa tiêm vaccine (màu đỏ) ở hầu hết các nhóm tuổi ở Israel

Tình hình ở Israel, một quốc gia sử dụng hoàn toàn vaccine Pfizer-BioNTech, và cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong hoạt động phòng chống dịch, cho thấy độ “khó nhằn” của biến chủng Delta, phản ánh tình hình tương tự ở các nước chủ yếu dùng vaccine  Pfizer-BioNTech.

Mỹ, quốc gia tự chủ nguồn vaccine Pfizer-BioNTech/Moderna/Johnson&Johnson, hôm 14/8 ghi nhận số trẻ nhập viện vì Covid-19 cao kỷ lục với 1.900 ca, trong bối cảnh các bệnh viện ở khu vực miền Nam đang gồng mình chống lại đợt bùng phát mới do tốc độ lây lan của biến thể Delta.

Link bài viết

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, trẻ em hiện chiếm khoảng 2,4% tổng số ca nhập viện vì Covid-19 tại Mỹ. Trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện để tiêm chủng nên dễ bị nhiễm bệnh hơn, đặc biệt khi biến thể mới có khả năng lây truyền cao. 

CNN dẫn lời cựu Chủ tịch của Học viện Nhi khoa Mỹ Sally Goza: “Đợt dịch này còn tồi tệ hơn và con cái của chúng ta là những người sẽ bị ảnh hưởng. Các trường học nên áp dụng mọi chiến lược nhằm giảm thiểu lây nhiễm Covid-19, từ tiêm vaccine tới đeo khẩu trang để bảo đảm học sinh có thể tựu trường an toàn và tất cả những ai chưa tiêm phòng đều nên đi tiêm phòng”.

Tiến sĩ Anthony Fauci - Cố vấn y tế chính của Nhà Trắng, mô tả làn sóng hiện tại là "sự bùng phát ở những người chưa được tiêm chủng". Mặc dù vaccine phòng Covid-19 ở Mỹ có sẵn ở nhiều nơi và người dân được tiêm chủng miễn phí, đến nay, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thống kê: chỉ có 50,5% người dân tiêm chủng 2 liều và 59,4% đã tiêm 1 liều. 

tre-em-my-tro-lai-truong-hoc-p-4549-6626

Làn sóng dịch lần này đang tác động nhiều lên trẻ em Mỹ, khiến các em phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi quay lại trường học, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tuổi vì chưa có vaccine phòng ngừa Covid-19 cho độ tuổi này

Sự gia tăng các ca mắc bệnh, nhập viện và tử vong gần đây ở Mỹ thúc đẩy cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu Chính phủ và chính quyền tiểu bang có nên bắt buộc người dân tiêm chủng hay không. Ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ của Fauci và các quan chức ngành y tế khác.

Theo Reuters, Mỹ có khoảng 129.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, tăng gấp đôi so với hai tuần trước. Số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhập viện ở mức cao nhất trong 6 tháng và trung bình có 600 người chết mỗi ngày, gấp đôi tỷ lệ tử vong vào cuối tháng 7. Đa phần các ca nhập viện và tử vong là những trường hợp chưa tiêm vaccine.

Anh có tiếp tục hưởng những ngày nắng đẹp?

Trong khi các ca nhiễm trở nặng, phải nhập viện và tử vong ở Mỹ đa phần là những người chưa tiêm vaccine, thì một quốc gia tự chủ vaccine, "thành trì" trời Âu, có vẻ đang kiểm soát được tình hình, đó là Anh, quê hương của vaccine Oxford-AstraZenecaChương trình tiêm chủng hàng loạt của Anh bắt đầu từ tháng 12/2020, với 3 loại vaccine: AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna. 

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), tỷ lệ mắc Covid-19 tại vùng England là 1/75 người, không thay đổi so với tuần trước, tuy vậy con số này vẫn ở mức “cao” dựa trên mẫu xét nghiệm của các gia đình. Trước đó, tỷ lệ này cao hơn, 1/65 người trong tuần kết thúc vào ngày 24/7. Hồi tuần trước, tỷ lệ mắc Covid-19 ở Bắc Ireland là 1/55 người; Scotland 1/190 người, xứ Wales 1/220 người.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19 bất chấp sự lây lan của biến thể Delta. Sau khi lập đỉnh vào ngày 17/7, số ca mới tại Anh đã bắt đầu giảm. Các nhà dịch tễ học cho rằng Vòng chung kết EURO 2020 kết thúc và các trường học nghỉ hè cùng sự thận trọng của người dân là những yếu tố góp phần giảm sự lây lan của dịch bệnh.

Hồi cuối tháng 7, tài liệu Vaccine sẽ tiếp tục bảo vệ chống lại Covid trong bao lâu? của nhóm Cố vấn Khoa học của Chính phủ cho các trường hợp khẩn cấp (SAGE) công bố khả năng bảo vệ của vaccine Covid-19 có thể sẽ suy yếu theo thời gian nên vaccine cần được tiêm duy trì trong nhiều năm tới.

nang-luc-san-xuat-vaccine-o-ch-5484-2889

Anh và châu Âu có vẻ ổn vì chủ động được nguồn cung vaccine để đối phó làn sóng dịch thứ 4 do biến chủng Delta gây ra. (Hình vuông là nhà máy cung cấp nguyên liệu, hình tròn là nhà máy tổng hợp làm ra vaccine, và hình tam giác là nhà máy vô chai đóng hộp. 3 màu đỏ, xanh lá và xanh dương tương ứng 3 loại vaccine được dùng ở châu Âu)

Tài liệu kết luận: "Có khả năng sẽ có các chiến dịch tiêm phòng Covid-19 trong nhiều năm tới, nhưng hiện tại chúng tôi không biết tần suất tiêm tối ưu cần thiết là bao nhiêu để bảo vệ những người dễ bị tổn thương khỏi bệnh".

Tỷ lệ suy giảm kháng thể sẽ khác nhau đối với các nhóm tuổi khác nhau, với bằng chứng cho thấy khả năng miễn dịch "kém mạnh mẽ hơn" ở những người lớn tuổi và những người đã bị suy giảm miễn dịch. Các nhà khoa học nói các nghiên cứu xem xét thời gian tiêm chủng cần được tiếp tục trong 2 đến 5 năm để theo dõi khả năng miễn dịch dài hạn. Ngoài ra, có thể hy vọng hiệu quả của vaccine đối với bệnh nhẹ dù khả năng chống lây nhiễm có thể giảm theo thời gian.

"Kẻ ăn không hết, người lần không ra"

Để đạt được các mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hồi phục, theo IMF, ít nhất 1 tỷ liều vaccine phải được chia sẻ trong năm 2021 bởi các quốc gia có vaccine dư thừa và các nhà sản xuất nên ưu tiên phân phối đến các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. 

Điều quan trọng là phải dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối đầu vào vaccine thành phẩm và bán thành phẩm, đầu tư thêm  năng lực sản xuất vaccine trong khu vực để bảo đảm số lượng cung ứng. Bên cạnh đó, cần cung cấp khoản trợ cấp trả trước khoảng 25 tỷ USD cho chẩn đoán, điều trị và chuẩn bị vaccine cho các nước đang phát triển.

Chính vì vậy, IMF cho rằng các hoạt động đa phương là cần thiết để bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine cũng như năng lực chẩn đoán và điều trị nhanh chóng các ca lây nhiễm trên toàn thế giới. “Điều này sẽ cứu vô số mạng sống, ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện và thêm hàng nghìn tỷ USD vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu".

Theo IMF, cách thức để kết thúc đại dịch, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tán thành, là phải tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số ở mọi quốc gia vào cuối năm 2021 và ít nhất 60% trước giữa năm 2022, cùng với việc bảo đảm chẩn đoán và điều trị đầy đủ với mức chi phí 50 tỷ USD.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi đầu tháng này cũng kêu gọi các nước tạm ngừng triển khai tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19 cho người đã tiêm đủ 2 liều, ít nhất đến cuối tháng 9/2021. Đây được xem là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất của WHO nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng tiêm chủng. Ông Tedros cho biết, việc các quốc gia hoãn tiêm liều tăng cường vaccine Covid-19 là để giúp ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia có thể được tiêm.

"Tôi hiểu các chính phủ muốn bảo vệ người dân khỏi biến chủng Delta. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận việc các quốc gia đã sử dụng phần lớn nguồn cung vaccine toàn cầu lại tiếp tục sử dụng nhiều hơn, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới chưa được bảo vệ", ông Tedros nói.

Người đứng đầu WHO nói thêm rằng, cần đảo ngược xu hướng: phần lớn vaccine được chuyển tới nước có thu nhập cao thành phần lớn được chuyển tới nước có thu nhập thấp.

hang-trieu-lieu-vaccine-het-ha-5122-3673

Các lọ vaccine dã dùng hết và được bỏ đi có hạn dùng tháng 8/2021, nhưng hàng triệu liều chưa được dùng đến cũng sẽ bị đem bỏ do hết hạn trong tháng này

Tuy vậy theo Washington Post, hàng triệu liều vaccine Covid-19 trên khắp thế giới sẽ hết hạn trong vài tuần tới và sẽ sớm bị tiêu hủy trong lúc đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.

Mặc dù vaccine Covid-19 đã được phát triển, sản xuất và phân phối với tốc độ nhanh chưa từng có tiền lệ, nhưng hàng loạt các yếu tố gồm tâm lý e ngại vaccine và vấn nạn tin giả đã dẫn tới hiện tượng thừa vaccine ở một số khu vực trên thế giới. Trong khi đó, tại một số nơi, chương trình tiêm chủng diễn ra chậm chạp vì thiếu vaccine.

Theo Prashant Yadav, một chuyên gia Trung tâm Phát triển Toàn cầu, hiện thế giới chưa có hệ thống nhằm theo dõi các liều vaccine hết hạn, nên rất khó thoát được bức tranh toàn cảnh về sự "lãng phí" vaccine, giữa lúc nhiều nước đang cần vaccine để dập dịch.

Thực tế cho thấy, hàng triệu liều vaccine đã bị tiêu hủy hoặc đang đối diện với nguy cơ bị bỏ phí. Tại Israel, theo truyền thông địa phương, 80.000 liều Covid-19 hết hạn vào cuối tháng 7. Tháng trước, Chính phủ Bulgaria thông báo họ đang tìm cách tài trợ vaccine gần hết hạn sử dụng vì quốc gia này có gần 5 triệu liều nhưng chỉ sử dụng 1,8 triệu.

Tại Hà Lan, hàng trăm nghìn liều vaccine cũng sắp hết hạn trong bối cảnh một nửa dân số tại đây đã tiêm chủng. Washington Post cho biết, chính phủ các quốc gia châu Âu trước đó đã bỏ nhiều liều vaccine, viện dẫn các lý do về pháp lý và hậu cần cho việc không thể tặng số vaccine này.

Tại Mỹ, hàng triệu liều vaccine cũng bị bỏ đi. Cụ thể, bang Alabama bỏ 65.000 liều, Iowa bỏ 81.000 liều, Georgia bỏ 110.000 liều. Tại North Carolina, có khoảng 800.000 liều vaccine sẽ sớm hết hạn trong tháng này.

Trong một bối cảnh trái ngược, theo số liệu của WHO, ở châu Phi, mới có hơn 2% dân số được tiêm một liều vaccine, trong khi đó hơn 450.000 liều đã hết hạn vào đầu tháng 8.

Hiện nay, 30,7% dân số thế giới đã được tiêm 1 liều vaccine Covid-19 và 16% đã hoàn tất tiêm chủng. Mỗi ngày có khoảng 36,63 triệu mũi tiêm được thực hiện. Tuy nhiên, mới chỉ 1,2% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm 1 liều.

Kỳ 3: Nỗi lo trước nhiều yếu tố bất định

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế toàn cầu gập ghềnh phục hồi: Kỳ 2 - Liệu các "thành trì" chống dịch có tiếp tục bình yên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO