Lợi nhuận khổng lồ của các hãng dược nhờ vaccine Covid-19

Hồng Như| 07/08/2021 03:30

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, vaccine được xem như “át chủ bài”. Hầu hết các nước trên thế giới đều có nhu cầu tiêm vaccine cho người dân vì vậy cần có nguồn cung lớn, thúc đẩy sự tăng trưởng của các hãng dược chuyên sản xuất vaccine.

Các hãng dược đều tăng doanh thu

Trong báo cáo tài chính mới đây, công ty công nghệ sinh học Moderna cho biết tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm đạt 6,3 tỷ USD, so với 75 triệu USD trong cùng kỳ năm trước. Riêng chỉ trong 3 tháng của quý II, công ty đã đạt 4,4 tỷ USD. Kết quả có được nhờ vào 2 hoạt động: bán vaccine Covid-19, cụ thể là 302 triệu liều và nhận tài trợ từ Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Tiên tiến (BARDA) với mức 291 triệu USD. 

Stéphane Bancel - Giám đốc điều hành của Moderna chia sẻ: “Tôi tự hào về sự tiến bộ và kết quả mà tất cả thành viên của công ty đã làm được trong việc thúc đẩy doanh thu và giải quyết các vấn đề toàn cầu”.

Cuối tháng 4/2021, WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Moderna, bảo chứng hoàn toàn về an toàn và hiệu quả. Trước đó vào tháng 1, Cơ quan Dược phẩm Liên minh châu Âu (EMA) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine này tại 27 quốc gia trong khối EU. Hiện tại có hơn 50 quốc gia chấp thuận sử dụng vaccine Moderna cho các chiến dịch tiêm chủng, trong đó có Việt Nam.

Trong cuộc đua này, Moderna và Pfizer xác định sản xuất vaccine để hướng đến mục đích thương mại, còn AstraZeneca (Anh) và Johnson & Johnson (Mỹ) vì mục đích phi lợi nhuận nhiều hơn, bằng việc bán các loại vaccine với giá gốc. Tuy vậy, doanh thu của hai hãng dược này cũng tăng trưởng đáng kể.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của AstraZeneca tăng 23% lên 15,5 tỷ USD, riêng quý II tăng 31% đạt mức 8,2 tỷ USD, vượt mức kỳ vọng của thị trường. Giai đoạn này, AstraZeneca đã bán khoảng 319 triệu liều vaccine trên toàn thế giới, với tổng doanh thu khoảng 14,7 tỷ USD.

Pfizer - công ty dược phẩm của Mỹ luôn dẫn đầu về doanh thu trong ngành, nay cũng chiếm thị phần lớn về vaccine Covid-19. Doanh thu quý II của Pfizer đạt 19 tỷ USD, phản ánh mức tăng trưởng 86%. Tuy nhiên, nếu không tính đến lợi nhuận từ vaccine Covd-19, con số này chỉ ở mức 10%. 

Johnson & Johnson chỉ mới bước vào thị trường vaccine trong khoảng tháng 4 khi vaccine cùng tên được Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh và Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Mỹ khuyến nghị sử dụng. Hãng dược này cũng cam kết bán với giá gốc. Nhưng sức ảnh hưởng của hoạt động này đã “vô tình” thúc đẩy sự tăng trưởng chung của doanh thu lên 23,3 tỷ USD với mức tăng 27,1%. 

Nhìn chung tất cả các công ty, hãng dược liên quan đến vaccine Covid-19 đều ít nhiều nhận được lợi nhuận và sự tăng trưởng nhất định. Walgreens - Công ty sở hữu chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn thứ 2 của Mỹ cho biết doanh số bán hàng, trong đó có vaccine Covid-19 tăng 12,1%, lên 34 tỷ USD trong quý II.

Viện Huyết thanh Ấn Độ thuộc sở hữu của tỷ phú Cyrus Poonawalla, được xem là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới cũng dự kiến sẽ đạt được doanh thu 4 tỷ USD thông qua các hợp đồng cung cấp vaccine Covid-19 từ nay đến năm 2022.

Thị trường nhiều cạnh tranh

Dịch Covid-19 làm thay đổi và xáo trộn rất nhiều trong nền kinh tế thế giới, một số ngành hầu như không thể tồn tại nếu chưa tìm ra giải pháp thích ứng kịp thời nhưng cũng có một số ngành bỗng trở thành tâm điểm. Và sản xuất vaccine là một ngành như thế. Các chuyên gia cho rằng đây đang là “cuộc chơi” của các hãng dược thế giới. 

Vamil Diva - Nhà phân tích nghiên cứu dược phẩm sinh học cấp cao của ngân hàng đầu tư Mizuho Securities nói: “Chắc chắn với một công ty nhỏ như Moderna, vaccine là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Còn với Pfizer, đây là một cơn gió lớn, ngay cả bán vaccine ở mức thấp nhất, công ty cũng tạo ra hàng tỷ đô”.

Thực tế cho thấy, các nước trên thế giới đều có nhu cầu rất lớn về vaccine trong khi các hãng dược có thể nghiên cứu và đạt đủ các quy trình cấp phép sử dụng thì giới hạn. Thế nên trong nửa đầu năm nay và ít nhất là đến hết năm 2021, vaccine vẫn sẽ là động lực tăng trưởng của các hãng dược.

Trong báo cáo tài chính, Moderna khẳng định triển vọng ở nửa năm sau và dự kiến sẽ đạt doanh thu 20 tỷ USD trong năm 2021. Bởi với quy mô hiện tại Moderna có thể sản xuất được 800 triệu - 1 tỷ liều vaccine trong năm. Đặc biệt, công ty đã ký hợp đồng bán vaccine trị giá 12 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến có thể tăng mức sản xuất lên 2 tỷ - 3 tỷ liều trong một năm. 

Hai-lo-vaccine-phong-COVID-19-2441-2463-

Hai lọ vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer và Moderna

Trước đó, Pfizer dự báo doanh thu cả năm 2021 đạt mức 26 tỷ USD nhưng sau báo cáo quý II, công ty nâng con số đó lên mức 33,5 tỷ USD. Tuy nhiên, nhà phân tích Damien Conover, làm việc tại dịch vụ tài chính Morningstar nhận định: “Mức tăng doanh thu của Pfizer sẽ chậm lại trong 12 tháng tới do nhu cầu vaccine sẽ chuyển sang các hãng dược mới nổi với giá cả thấp hơn”. Đây là thị trường đầy cạnh tranh và sẵn sàng chào đón những tân binh. Bởi các biến thể virus gây nên dịch bệnh vẫn là ẩn số với các chuyên gia y tế. 

Michael Levesque - Phó chủ tịch cấp cao của Moody's Investors Service chia sẻ: “Có thể một số công ty gia nhập vào thị trường này sau nhưng họ hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội. Vì vậy, thực sự còn quá sớm để khẳng định ai là người thành công nhất hoặc ai sẽ bị loại trừ hoàn toàn”.

Điển hình là Johnson & Johnson, tuy gia nhập trễ nhưng đúng lúc tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp nên có những sáng tạo hơn. Với những kết quả kiểm định lâm sàng đã có, ưu điểm lớn nhất của vaccine này là phát huy tác dụng chỉ sau một liều duy nhất, khác hoàn toàn với Pfizer-BioNTech và Moderna, phải tiêm các liều nhắc lại. 

“Được ăn cả, ngã về không”

Tỷ phú Adar Poonawalla - Giám đốc điều hành của Viện Huyết thanh Ấn Độ, được mệnh danh là “Ông hoàng Vaccnine” ở Châu Á từng chia sẻ, khi dịch Covid-19 xuất hiện, ông từng nghĩ: Hoặc là không làm gì để mọi thứ tự nhiên diễn ra hoặc là chấp nhận rủi ro và trở thành người đi trước. Nhưng rồi Adar đồng ý thử thách, mạo hiểm để tên tuổi của Ấn Độ xuất hiện trên thị trường vaccine Covid-19.

Các hãng dược khác cũng có lo ngại tương tự, bởi chủng virus gây nên bệnh Covid-19 hoàn toàn mới, giai đoạn đầu hầu như không thể tìm được nguyên nhân gây bệnh. Mặc khác, đây là vấn đề y tế toàn cầu, WHO vào cuộc, sự kiểm duyệt với các loại vaccine mới có phần khó khăn hơn. Các công ty đều nhận thấy, đây là thị trường tỷ đô, có thể tạo ra doanh thu cao nhưng cũng hoàn toàn có thể giảm sức ảnh hưởng của công ty trên thị trường, nếu các cáo buộc về y tế xảy ra, tính thương mại và nhân đạo bắt đầu được đặt lên bàn cân. 

Song hầu hết đều ý thức họ phải hành động, trừ Pfizer và Moderna tập trung phát triển vaccine ngay từ đầu và hướng đến mục đích thương mại thì các hãng dược khác cam kết vì cộng đồng và bán vaccine với giá gốc hoặc tặng các nước chưa đủ khả năng mua.

CNN Business nhận định, điều này không có nghĩa là các công ty không có lợi nhuận, mà đây là một chiến lược PR “vô tình”. Bởi thông thường dù có uống thuốc mỗi ngày, người ta cũng ít để ý đến hãng dược tạo ra loại thuốc đấy nhưng giữa tình hình đại dịch, khi tiêm vaccine họ phải chú ý điều này. Vì vậy, vaccine Covid-19 vô tình mang lại sức hút thương hiệu, tác động đến doanh số bán hàng của các sản phẩm khác, đồng thời đẩy giá chứng khoán tăng cao trên sàn giao dịch.

“Thực sự đang có một sự thay đổi lớn trong tâm lý của người dân. Họ không nghĩ sản xuất vaccine là hình thức kinh doanh mà chính là hành động cứu thế giới. Chỉ như vậy, các hãng dược đã đạt được mục đích PR” - Tinglong Dai - Giáo sư kinh doanh tại Johns Hopkins Unversity nói.

Mặt khác, cho dù có thể kiểm soát dịch Covid-19 nhưng các vaccine phòng dịch vẫn phải duy trì, có thể tiêm thêm các mũi nhắc lại hoặc tiêm mới để phòng. Thế nên, trong tương lai sản xuất vaccine Covid-19 vẫn sẽ tiềm năng với những ai biết nắm bắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lợi nhuận khổng lồ của các hãng dược nhờ vaccine Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO