Kinh tế toàn cầu gập ghềnh phục hồi: Kỳ 1 - ASEAN đã “nghèo”, còn “khổ” vì thiếu vaccine

Ngọc Thoại| 14/08/2021 05:18

Cuối tháng 7, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) dự báo kinh tế thế giới đang dần hồi phục sau hơn 1,5 năm "bầm dập" vì Covid-19, tuy nhiên đà hồi phục sẽ chậm. Và do có sự phân hóa trong khả năng phòng chống các làn sóng dịch mới cũng như năng lực tài chính-tài khóa sẵn có của các nền kinh tế là khác nhau nên con đường phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ còn lắm gập ghềnh.

Được biên soạn từ tháng 5-7/2021, nên báo cáo của IMF dù đã khá bao quát nhưng vẫn chưa cập nhật đầy đủ những tác động của biến chủng Delta (chưa kể các biến chủng mới đang xuất hiện và đe dọa những nền kinh tế phát triển đã có mức độ bao phủ vaccine cao trong dân).

IMF cho biết nền kinh tế toàn cầu đang tiếp tục phục hồi, nhưng với khoảng cách ngày càng lớn giữa các nền kinh tế tiên tiến với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Tăng trưởng toàn cầu vẫn ở mức 6% cho năm 2021, không thay đổi so với triển vọng trước đó, nhưng cơ cấu có thay đổi.

Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến trong năm nay đã được cải thiện thêm 0,5 điểm phần trăm, nhưng mức tăng này bằng với điều chỉnh giảm đối với thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, do sự tụt hạng đáng kể của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.

Trong năm 2022, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt mức 4,9% (dự báo trước đó là 4,4%). Về cơ bản đây là mức tăng đáng kể cho các nền kinh tế tiên tiến và là mức tăng khiêm tốn hơn cho thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

ty-le-tang-truong-gdp-2021-202-4428-9810

Khu vực châu Á (màu vàng - cam), gồm Đông Á, Bắc Á và Đông Nam Á - hay còn được gọi là các thị trường mới nổi, được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn hẳn các khu vực còn lại. Tuy nhiên đợt bùng dịch do biến chủng Delta lần này chưa được tính vào. Ảnh: IMF

IMF ước tính đại dịch đã làm giảm 2,8% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm ở các nền kinh tế tiên tiến, trong giai đoạn 2020-2022 so với trước đại dịch. Thế nhưng mức thiệt hại bình quân đầu người ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (trừ Trung Quốc) lại lên đến 6,3% mỗi năm.

Đông Nam Á chưa hết cơn bĩ cực 

Các đợt bùng phát mới của biến thể Delta gần đây ở Đông Nam Á (ASEAN) đã làm tê liệt sản xuất, gián đoạn nguồn cung ứng hàng hóa toàn cầu như găng tay cao su, chất bán dẫn và xe hơi, đe dọa sự phục hồi của khu vực kinh tế trị giá 3 nghìn tỷ USD.

Một loạt các cuộc khảo sát về nhà máy trong tuần này cho thấy hoạt động kinh doanh trên hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á đã giảm mạnh trong tháng 7/2021, trái ngược với các nền kinh tế sản xuất linh hoạt hơn ở Đông Bắc Á và phương Tây, nơi tăng trưởng kinh doanh đã chậm lại nhưng vẫn tiếp tục mở rộng.

Những gián đoạn kinh tế ở ASEAN do virus gây ra đã trở nên tồi tệ hơn do tốc độ tiêm chủng chậm ở khu vực 600 triệu dân. Chính phủ các nước đã phải vật lộn để bảo đảm có đủ vaccine, đồng thời phải áp dụng các biện pháp đóng cửa hay giãn cách xã hội, khiến nhiều nhà máy không có công nhân hoạt động và phải dừng sản xuất.

ty-le-tiem-vaccine-asean-thang-2796-5905

Tỷ lệ phủ vaccine mũi đầu tiên trong ASEAN. Việt Nam (vàng) vẫn đang nằm cuối bảng. Ảnh: CNBC

Tại ASEAN, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến chủng Delta, chỉ số nhà quản lý mua hàng (Purchasing Managers Index-PMI) chung cho toàn khu vực Đông Nam Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng: 44,6 vào tháng 7 (so với mức 49 hồi tháng 6). PMI trên 50 cho thấy hoạt động đang tăng lên, trong khi con số dưới 50 phản ánh sự co cụm của hoạt động kinh tế.

Chỉ số PMI IHS Markit của Indonesia đã giảm xuống 40,1 từ mức 53,5, chỉ số tồi tệ nhất trong 13 tháng qua. Thái Lan đã giảm xuống 48,7 từ 49,5 - giảm trong tháng thứ ba liên tiếp. PMI toàn phần của Malaysia dao động ở mức 40,1 so với 39,9 của tháng 6. PMI toàn phần của Việt Nam trong tháng 7 ở mức 45,1, tăng một chút so với 44,1 trong tháng 6.

Trinh Nguyen, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis SA, Hồng Kông, cho Bloomberg biết: “Sự phân hóa ở châu Á vẫn tiếp tục, trong đó khu vực ASEAN rõ ràng kém hơn Bắc và Đông Á”.

Dữ liệu phản ánh "sự bùng phát của virus và các hạn chế xã hội để ngăn chặn dịch lây lan, từ đó gây tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế", bà nói. "Ngoài sự suy giảm nhu cầu trong nước, đối với các quốc gia như Việt Nam, việc đóng cửa các KCN sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu giảm trong tương lai gần".

Hoạt động sản xuất ở Đông Nam Á có thể còn phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn nữa khi Chính phủ một số nước đang thực thi các biện pháp đóng cửa và giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Một số nhà máy ở Việt Nam đã phải đóng cửa từ giữa tháng 7, một số vẫn tiếp tục hoạt động theo cơ chế "3 tại chỗ" (3T) thì vướng phải dịch bùng phát trong đội ngũ công nhân lưu trú. Thái Lan cũng đang đóng cửa từng phần/khu vực có mức độ lây nhiễm cao. Các nhà máy sản xuất công nghiệp ở cả hai quốc gia đang tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc mua thêm vaccine cho lực lượng lao động.

chi-so-pmi-asean-thang-7-2021-2548-1133-

Chỉ số PMI tại các nền kinh tế chủ chốt của ASEAN "cắm đầu" vì biến chủng Delta. Đợt bùng dịch này đang đe dọa cuộc sống và sinh kế của hàng trăm triệu người trong khu vực. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhất từ đợt bùng dịch lần này

“Các chỉ số PMI yếu của Đông Nam Á phản ánh số ca lây nhiễm Covid tiếp tục gia tăng và quá trình tiêm chủng vaccine diễn ra khá chậm. Điều đó cho thấy khả năng tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực sẽ suy giảm” - Tamara Mast Henderson, nhà kinh tế ASEAN của Bloomberg, nhận định.

Nhà kinh tế Lewis Cooper của IHS Markit viết: "Sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm Covid-19 và việc thắt chặt một số biện pháp hạn chế đã khiến nhu cầu sụt giảm hơn nữa, hoạt động sản xuất đang thu hẹp với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020".

Kết quả cho thấy các nhà sản xuất có khả năng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong những tháng tới. Các biện pháp quản lý và phòng chống dịch một lần nữa kìm hãm nhu cầu phát triển, và cho đến khi nhu cầu phục hồi, chỉ số sản xuất khó có thể ghi nhận bất kỳ sự phục hồi đáng kể nào”.

Philippines là nền kinh tế mới nổi duy nhất ở Đông Nam Á có mức PMI trên 50, cũng chứng kiến sự sụt giảm từ mức 50,8 (hồi tháng 6) về 50,4 trong tháng 7. Tại Nam Á, Ấn Độ đã chứng kiến sự phục hồi của các nhà máy. PMI đã tăng lên 55,3 vào tháng 7, từ mức 48,1 của tháng 6, theo IHS Markit.

Vài nét chấm phá 

Theo Reuters, tại Thái Lan, nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ tư châu Á và là cơ sở sản xuất của các thương hiệu xe hơi lớn trên toàn cầu, Toyota Motor Corp đã đình chỉ sản xuất 3 nhà máy vào tháng 7/2021 do tình trạng thiếu phụ tùng vì dịch Covid-19. 

ca-nhiem-va-tu-vong-asean-than-4232-6047

Số ca nhiễm và tử vong vẫn đang đà tịnh tiến tại ASEAN. Việt Nam đang có số ca tử vong tăng nhanh

Siam Agro-Food Industry, nhà xuất khẩu trái cây chế biến của Thái Lan phụ thuộc rất nhiều vào lao động nhập cư và đã mất 150 lao động khi họ về nước và không thể trở lại do đóng cửa biên giới. Ghanyapad Tantipipatpong, Chủ tịch của Siam Agro-Food Industry, cho Reuters biết: “Có 350 tấn trái cây mỗi ngày nhưng giờ đây chúng tôi chỉ có thể lấy 250 tấn vì không đủ công nhân chế biến, khi chỉ còn 400 người".

Tại Việt Nam, nơi có nhà máy của các công ty toàn cầu như Samsung, Foxconn và Nike, các nhà máy ở phía Nam phải áp dụng phương án 3T đang đuối dần vì không gánh nổi chi phí phát sinh, trong khi, năng suất người lao động, vốn đã giảm vì số lượng nhân công lưu trú ít hơn bình thường, lại càng giảm thêm khi họ phát sinh nhiều vấn đề tâm lý do phải ở lại lâu trong nhà máy để làm việc và sinh hoạt.

Tại Malaysia, nơi cung cấp khoảng 67% găng tay cao su cho thị trường toàn cầu, các hạn chế về việc giãn cách xã hội đã buộc nhiều máy tạm ngừng hoạt động trong tháng 6 và tháng 7. Sau khi Hiệp hội sản xuất găng tay của nước này đề nghị chính phủ cho phép ngành này hoạt động trở lại với lý do lo ngại mất đơn hàng, các hạn chế được nới lỏng đã cho phép 60% lực lượng lao động quay trở lại làm việc. 

Bắc Á đến hồi thái lai?

Trong khi đó, chỉ số PMI của Đài Loan tăng lên 59,7 trong tháng 7, từ mức 57,6 của tháng 6. PMI của Nhật Bản tăng lên 53 từ 52,4 của tháng 6, mức tăng ở tháng thứ sáu liên tiếp. PMI của Hàn Quốc tiếp tục ở mức trên 50, tuy nhiên lại thấp hơn so với mức 53,9 của tháng 6. Đây là mức PMI yếu nhất của Hàn Quốc kể từ tháng 12/2020, với các đơn đặt hàng mới ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.

Johanna Chua, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Citigroup Global Markets, nói với Bloomberg Television rằng sự lan rộng của biến thể Delta và việc phân phối vaccine đã trở thành "một vấn đề lớn" đối với Đông Nam Á. Trong khi đó, nhu cầu mạnh mẽ đối với các linh kiện điện tử, đặc biệt là chip, đang thúc đẩy việc mở rộng thị trường ở Đài Loan và Hàn Quốc.

Chỉ số PMI Trung Quốc cho thấy tốc độ phục hồi của nền kinh tế thứ 2 thế giới tiếp tục giảm bớt, với PMI tháng 6 ở mức 50,4, giảm từ 50,9 và dưới mức ước tính 50,8, trong khi chỉ số phi sản xuất giảm xuống 53,3.

Theo một thước đo riêng từ Trung Quốc, chỉ số này có tháng tăng trưởng thứ 17 liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số do Caixin Media và IHS Markit cho thấy có sự giảm sút xuống mức 50,3 từ 51,3 trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020.

Trong tương lai, việc mở cửa trở lại ở các nước phương Tây khi các chiến dịch tiêm chủng đang tiến triển có thể triệt tiêu nguồn động lực quan trọng cho châu Á: xuất khẩu hàng điện tử.

Alex Holmes, nhà kinh tế châu Á tại Capital Economics Ltd, nói với Bloomberg“Nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu đối với thiết bị điện tử, động lực tăng trưởng chính của sản lượng công nghiệp (khi Âu Mỹ còn giãn cách xã hội), có thể sẽ giảm hơn nữa khi vaccine đưa cuộc sống trở lại bình thường. Cùng với các đợt bùng phát virus ở châu Á, điều này có nghĩa ngành công nghiệp không có khả năng tạo ra sự thúc đẩy tăng trưởng GDP như trước đây trong những quý tới".

Kỳ 2: Liệu các thành trì chống dịch có tiếp tục bình yên?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế toàn cầu gập ghềnh phục hồi: Kỳ 1 - ASEAN đã “nghèo”, còn “khổ” vì thiếu vaccine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO