Theo số liệu của Ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), chỉ trong tuần đầu thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, “2 điểm đến - 1 cung đường”, chỉ có 618/2.100 DN đăng ký hoạt động. Nhưng qua kiểm tra 479 DN thì có đến 56 DN phải dừng hoạt động vì không đáp ứng các điều kiện. Còn khảo sát của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM với các thành viên đang có nhà máy tại TP.HCM và nhiều tỉnh miền Đông Nam Bộ cho thấy, hiện có chưa đến 50% DN duy trì được mô hình sản xuất này, số còn lại phải tạm ngưng hoạt động. Điều đáng nói là có đến 15 nhà máy phát hiện 740 ca nhiễm SARS-CoV-2 ngay khi đang thực hiện sản xuất an toàn.
Rà soát hoạt động sản xuất 3 T và “1 cung đường - 2 điểm đến” của Sở Công Thương TP.HCM mới đây cũng cho thấy, các DN sản xuất hàng thiết yếu đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động. Cụ thể, nhiều DN chỉ còn giữ lại 30% số lao động và một số DN khác đã xuất hiện F0.
Trên thực tế, mặc dù DN đã lên kịch bản dự phòng nhưng vẫn khó tránh những tình huống phát sinh và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất bất cứ lúc nào. Ngay như Vissan - DN đã thực hiện mô hình này trước khi TP triển khai và được đánh giá là làm rất tốt nhưng vẫn có nhiều F0. Cuối tháng 7 vừa qua, cũng vì có nhiều F0 tại nhà máy mà Vissan đứt nguồn cung cấp thịt heo theo khay cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong một ngày và phải đề xuất cho dừng sản xuất.
Các DN cho rằng, sản xuất trong điều kiện này lâu dài sẽ rất khó khăn cho cả người lao động và chủ DN. Đại diện một DN sản xuất thực phẩm lớn của TP.HCM cho biết: “Sau gần 1 tháng “cắm trại” tại nhà máy, công nhân đã bắt đầu ể oải, năng suất thấp và công ty đang phải rà soát lại toàn bộ các khâu tổ chức sản xuất. Hiện công ty đang tính đến phương án giảm bớt lao động”, vị này nói.
Tình hình này cũng tương tự tại nhiều tỉnh thành phía Nam. Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương, hiện có đến hơn 1.000 DN ngưng hoạt động vì không bảo đảm phương án 3T hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến".
F0 đang là nỗi lo của các DN thực hiện 3T |
Chẳng hạn như với Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Long Việt (Bình Dương), triển khai 3T với 300 công nhân từ ngày 10/7. Tuy nhiên, mới hoạt động được 10 ngày đã có F0 và đến ngày 27/7, công ty có đến 248 ca dương tính với SARS-Cov2. Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. Dĩ An, mặc dù sau khi test nhanh đã có kết quả công nhân nghi nhiễm nhưng công ty Long Việt không khai báo với cơ quan y tế và chính quyền địa phương, vì thế lãnh đạo TP. Dĩ An đã lập biên bản và đề nghị xử phạt DN này.
Một bất cập khác là các DN chỉ biết chung chung về 3T và “1 cung đường, 2 điểm đến”, do không có hướng dẫn chuẩn. Vì thế, khi các đoàn đến kiểm tra, nếu DN có vài lỗi nhỏ sẽ bị nhắc nhở, nhưng nếu lỗi nhiều hơn sẽ bị ngưng hoạt động. Quyết định đó sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho DN. Mặt khác, nếu để cơ sở sản xuất trở thành ổ dịch (điều này đôi khi nằm ngoài sự kiểm soát của DN), DN thậm chí phải đối diện với rủi ro pháp lý, nếu căn cứ vào Điều 240 của Bộ Luật hình sự.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Phúc Trường - Giám đốc Công ty CP Tin học và Viễn thông Phúc An, Trưởng Ban sức khỏe CLB Doanh Nhân Sài Gòn, cho rằng: “Đây là điều mà nhiều DN chưa chú ý. DN cần tham khảo, tư vấn luật sư để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hành mô hình 3T để giảm thiệt hại, tránh được rủi ro pháp lý khi xảy ra dịch bệnh trong nhà máy. Bên cạnh đó, DN cũng nên xem dịch bệnh là điều bất khả kháng, vì thế, trong hợp đồng ký kết với đối tác có thể gia hạn, dời hợp đồng, kéo dài hợp đồng để tránh những rủi ro".
Vừa sản xuất, các DN vừa căng mình phòng, chống dịch |
Trước những khó khăn DN đang gặp phải, ngày 10/8, Sở Công Thương TP.HCM đã có văn bản đề nghị Ban quản lý các KCX, KCN, Khu công nghệ cao… hỗ trợ và tạo điều kiện đề các DN trên địa bàn tiếp tục hoạt động.
Trong tình hình dịch bệnh đang tiếp tục kéo dài, các chuyên gia cho rằng, các DN cũng nên chuẩn bị tâm lý ngừng sản xuất 1-2 tuần để tập trung cho việc dập dịch. Một chuyên gia dịch tễ ở TP.HCM kiến nghị đến một giai đoạn cần sự quyết liệt, TP.HCM phải chấp nhận hy sinh một trong hai mục tiêu và chỉ tập trung cho dập dịch mà thôi.