Cần "áo phao" vaccine để sống chung với "lũ Delta"

Ngọc Thoại| 03/08/2021 02:27

Khi "cơn lũ Covid-19" do biến chủng Delta đang càn quét khắp thế giới lẫn khu vực Đông Nam Á (ASEAN), chỉ những quốc gia hay khu vực nào trang bị đủ “áo phao vaccine” cho người dân mới có thể “sống chung” với biến chủng siêu lây nhiễm này.

Cần

Trong ngày 1/8, các nước ASEAN ghi nhận thêm 84.397 ca nhiễm mới và 2.019 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm lên 7,399 triệu và hơn 150.000 ca tử vong, theo worldometers.info. Trong đó, có 5 quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất là Indonesia (1.604),  Malaysia (160), Philippines (127), Thái Lan (105) và Campuchia (23).

Campuchia: Tiêm chủng hơn 73% dân số

Cũng trong ngày 1/8, Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em và thiếu niên, nâng cao tỷ lệ miễn dịch cộng đồng lên 80%, một bước tiến trong nỗ lực hoàn thành tiêm vaccine cho toàn dân sớm hơn nửa năm so với dự định ban đầu.

Tại lễ phát động, Thủ tướng Hun Sen cho biết, sau khi tiêm chủng cho khoảng 2 triệu trẻ em và thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi, Campuchia sẽ tìm nguồn vaccine thích hợp để tiêm cho gần 1 triệu trẻ em từ 10 đến 11 tuổi.

Nếu thực hiện được kế hoạch này, Campuchia sẽ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 13 triệu dân, chiếm hơn 81% dân số và nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng. Tính đến ngày 31/7, Campuchia đã tiêm vaccine cho hơn 7,3 triệu người, chiếm hơn 73% dân số có độ tuổi từ 18 trở lên. 

ca-nhiem-tu-vong-do-delta-o-ca-8819-6333

Dữ liệu Reuters cho thấy số ca tử vong và số ca nhiễm mới ở Campuchia đều đang giảm

BBC dẫn lời Thủ tướng Hun Sen rằng Chính phủ nước này quyết định tiêm vaccine AstraZeneca như liều tăng cường thứ ba để tăng kháng thể cho những người đã tiêm hai mũi trước bằng vaccine Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc. Còn người dân nào đã được tiêm AstraZeneca, Sinovac nên được tiêm như liều thứ ba. 

Campuchia đã có 77.914 ca nhiễm và 1.420 ca tử vong vì Covid-19.

Thái Lan: Tỷ lệ tiêm chủng đủ hai liều chỉ đạt 5,8% dân số

Một quốc gia khác có chung chiến lược bao phủ vaccine Trung Quốc giống Campuchia nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng trong ASEAN là Thái Lan, nhưng tình hình vẫn đang phức tạp. 

Bắt đầu từ ngày 3/8, Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA) Thái Lan quyết định gia hạn các biện pháp siết chặt nhằm ngăn chặn Covid-19 ở thủ đô Bangkok và các tỉnh có nguy cơ cao trong ít nhất 2 tuần, khi nước này đang đối phó với đợt bùng phát lớn nhất từ trước đến nay. Bộ Y tế Thái Lan cho biết, nếu ca nhiễm mới tại các tỉnh này vẫn tăng, Thái Lan sẽ áp dụng lệnh phong tỏa tới hết tháng 8.

Theo đó, 29 tỉnh thuộc vùng đỏ sậm (nguy cơ cao), chiếm 40% dân số và chiếm 3/4 tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan sẽ áp dụng biện pháp giới nghiêm, kể cả giao thông công cộng, từ 9 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Các biện pháp hạn chế khác bao gồm việc đóng cửa tất cả các cửa hàng trong trung tâm mua sắm từ 8 giờ tối, trừ siêu thị, cửa hàng thuốc, cửa hàng bán thiết bị y tế và truyền thông. 

Theo Cục Tin tức Quốc gia Thái Lan (National News Bureau of Thailand), Thái Lan có mục tiêu hoàn thành trước cuối năm nay việc tiêm chủng cho hơn 75% dân số (50 triệu dân trên tổng số 66 triệu dân). Thế nhưng thực tế cho đến nay chỉ có 5,8% dân số được tiêm đủ 2 liều vaccine và khoảng 21% dân số đã được tiêm mũi đầu tiên.

hieu-qua-giua-sinovac-astrazen-5876-7442

Theo dữ liệu từ Trung tâm Virus học lâm sàng thuộc trường Đại học Chulalongkorn, cho thấy hiệu quả của hai loại vaccine AstraZeneca và Sinovac khá tương đồng về mặt tạo kháng thể, nhưng Sinovac cần liều thứ 2 thì mới tạo nhiều kháng thể, trong khi mũi đầu tạo ít kháng thể hơn 

Một vấn đề đau đầu nữa là nhân viên y tế tuyến đầu của Thái Lan bị nhiễm virus dù đã tiêm đủ 2 liều. Hồi giữa tháng rồi, Bộ Y tế Thái Lan cho biết, trong tổng số 677.348 nhân viên y tế được tiêm hai liều Sinovac, có 618 người nhiễm Covid-19 (chiếm tỷ lệ 0.091%), trong đó 1 người đã thiệt mạng. Số liệu này được cơ quan Y tế của Thái Lan ghi nhận từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2021.

Vì vậy, các nhà chức trách Thái Lan đang cân nhắc tiêm thêm liều thứ 3 cho người dân đã tiêm đủ 2 liều để giúp họ tăng cường khả năng miễn dịch. Cũng với mục đích ấy, Thái Lan sẽ sử dụng AstraZeneca để tiêm cho người dân đã được tiêm mũi đầu tiên Sinovac.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul: “Việc này nhằm cải thiện khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta và tăng khả năng miễn dịch chống lại Covid-19”. Theo ông Anutin Charnvirakul, sau 3 hoặc 4 tuần tiêm mũi đầu tiên là vaccine Sinovac, người dân sẽ được tiêm AstraZeneca là mũi thứ 2.

Thái Lan cũng có kế hoạch tiêm nhắc lại vaccine mRNA nhập khẩu cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, những người đã được tiêm Sinovac trước đó. Tuy vậy Bộ Y tế Thái Lan cũng cho biết phần lớn nhân viên y tế đã được tiêm vaccine Sinovac và nghiên cứu thực tế của họ cho thấy hai liều Sinovac có hiệu quả 95% trong việc giảm các triệu chứng nghiêm trọng và giảm tỷ lệ tử vong.

hieu-qua-lieu-booster-shot-o-t-2828-2126

Dữ liệu từ Thái Lan cho thấy hai mũi tiêm Sinovac cộng thêm mũi thứ ba là AstraZeneca tạo lượng kháng thể tối ưu đối với biến chủng Alpha lẫn Delta

Hiện chưa có nghiên cứu nào về việc kết hợp hai loại vaccine Sinovac và AstraZeneca nhưng ngày càng nhiều quốc gia đang xem xét  kết hợp các loại vaccine khác nhau hoặc tiêm thêm mũi tăng cường thứ 3, trong bối cảnh xuất hiện thêm các biến thể Covid-19 mới nguy hiểm hơn.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố không khuyến khích việc tiêm trộn này, vì chưa có đủ bằng chứng khoa học chứng minh tính an toàn và hiệu quả.

Trung Quốc: Cân nhắc tiêm liều thứ 3 cho một số đối tượng

Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 1/8 cho biết Trung Quốc đang xem xét kế hoạch tiêm liều bổ trợ cho những người dễ bị tổn thương vì biến thể Delta. 

SCMP dẫn lời Shao Yiming, một nhà nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), cho biết cho đến nay dường như khả năng miễn dịch được tạo ra bởi tất cả các loại vaccine giảm dần theo thời gian, nhưng hệ thống miễn dịch vẫn ghi nhớ cách chiến đấu với bệnh tật.

Ông Shao cho biết: “Từ những quan sát ban đầu, tôi thấy chưa cần thiết phải tiêm nhắc lại đối với công chúng đã tiêm chủng trong vòng một năm qua. Tuy nhiên, đối với những người cao tuổi có hệ thống miễn dịch kém; bệnh nhân mắc các bệnh tiềm ẩn; những người làm việc ở các khu vực có nguy cơ cao; những người phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao, chúng tôi đang nghiên cứu xem liệu có cần tăng cường cho họ liều thứ 3 và khi nào thì nên tiêm cho họ".

Theo Reuters, vaccine mRNA mà Trung Quốc dự định sẽ cấp phép sử dụng có tên thương mại là Comirnaty, được phát triển bởi liên doanh giữa BioNTech (Đức) và Fosun Pharma (Trung Quốc), đang được sản xuất tại nhà máy Fosun, Trung Quốc.  

vaccine-corminary-cua-biontech-9465-1504

Vaccine Comirnaty do liên doanh giữa BioNTech (Đức) và Fosun Pharma (Trung Quốc) đang được sản xuất tại nhà máy Fosun tại Trung Quốc

Trước đó Trung Quốc đã công bố kế hoạch thành lập nhà máy ở Thượng Hải để sản xuất vaccine Comirnaty. Dự kiến, nhà máy có thể bắt đầu sản xuất vào cuối tháng 8 và đặt mục tiêu sản xuất 1 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay.

Còn theo thông cáo báo chí từ website chính thức của BioNTech thì hãng công nghệ của Đức này sở hữu độc quyền công nghệ vaccine mRNA. BioNTech có hợp đồng liên doanh với hai công ty là Pfizer (Mỹ) và Fosun (Trung Quốc). Trong đó Pfizer sẽ sản xuất/phân phối vaccine này trên toàn cầu, ngoại trừ Trung Quốc, còn vaccine của BioNTech tại Trung Quốc do Fosun sản xuất/phân phối.

Hiện Trung Quốc đã tiêm được hơn 1,6 tỷ liều vaccine Covid-19 cho người dân, đa phần là vaccine nội địa Sinovac và Sinoharm, nâng tỷ lệ tiêm chủng ở nước này lên hơn 53% dân số. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát dịch bệnh ở Nam Kinh gần đây, một số người đã tiêm chủng đủ hai liều vẫn bị nhiễm bệnh. 

Theo tờ Global Times, trong số 38 triệu liều vaccine Covid-19 được tiêm mỗi ngày trên khắp thế giới, Trung Quốc chiếm một nửa. Dự kiến đến cuối năm nay, 70% dân số Trung Quốc sẽ được tiêm chủng. 

Vaccine Trung Quốc xuất khẩu khắp thế giới

Theo Báo cáo Sử dụng vaccine Covid-19 trên toàn cầu, lượng viện trợ và xuất khẩu vaccine của Trung Quốc vượt quá tổng lượng của các nước khác. Tính đến tháng 5/2021, Trung Quốc xuất khẩu 252 triệu liều vaccine, chiếm 42% tổng sản lượng. 

Cùng sử dụng vaccine Sinovac Trung Quốc có Chile, hiện là nước có tỷ lệ tiêm vaccine thuộc top 3 thế giới. Theo một nghiên cứu với quy mô lớn trên 10 triệu dân Chile, đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine, đối với chủng virus cũ ngoài Delta thì 80- 90% người dân đã tiêm đủ hai liều Sinovac đều tránh được nguy cơ nhập viện và tử vong.

ty-le-lay-nhiem-va-tu-vong-o-c-8899-1314

Với việc tiêm hơn 25,6 triệu liều vaccine, tỷ lệ bao phủ vaccine trong dân ở Chile đã đạt 67,7%, giảm số ca nhiễm mới và tử vong

Tuy nhiên, nghiên cứu ở Chile có trước khi biến chủng Delta xuất hiện. Với biến chủng mới này, gần như chưa có kết luận khoa học chính thức loại vaccine nào đạt hiệu quả.  Giáo sư Ben Cowling, Trưởng khoa Dịch tễ học trường Đại học Hongkong, cho BBC biết rằng hiệu quả của vaccine bất hoạt (vaccine truyền thống như Sinovac) với chủng Delta ước lượng thấp hơn chừng 20%.

Thế nhưng Sinovac đang xúc tiến lập nhà máy sản xuất vaccine ở Santiago, thủ đô Chile,  mục tiêu cung cấp 50 triệu liều/năm cho toàn Nam Mỹ.

Một trong những quốc gia sử dụng vaccine Trung Quốc đầu tiên là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vừa phê duyệt vaccine Sinopharm Covid-19 cho trẻ em từ 3 đến 17 tuổi sau cuộc thử nghiệm trên 900 thanh thiếu niên ở thủ đô Abu Dhabi. 

sheikh-mohammed-uae-tiem-ngua-8648-7890-

Sheikh Mohammed, Phó Tổng thống, Thủ tướng Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, là một trong những người tiêm vaccine Trung Quốc đầu tiên hồi đầu tháng 11/2020

Với động thái này, UAE là một trong những quốc gia đầu tiên tiêm chủng vaccine Sinopharm cho trẻ em dưới 12 tuổi. Hồi đầu tháng 4/2021, UAE cũng trở thành quốc gia đầu tiên trong thế giới Ả Rập bắt đầu sản xuất vaccine Covid-19 tại nhà máy Hayat-Vax, kết quả của sự hợp tác giữa Sinopharm CNBG và Abu Dhabi’s G42. Hayat-Vax cũng đồng thời ra mắt trung tâm KIZAD ở thủ đô, được xây dựng có mục đích dành cho khoa học đời sống, công nghệ sinh học và sản xuất vaccine.

UAE là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao nhất trên thế giới. Nước này đã tiến hành tiêm Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Bộ Y tế UAE trong ngày 1/8 cho biết có 70,57% dân số (trong tổng số gần 10 triệu người) đã tiêm đủ 2 liều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần "áo phao" vaccine để sống chung với "lũ Delta"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO