Cải thiện sức khỏe tinh thần trong đại dịch

Ngọc Thoại| 21/10/2021 01:00

Ai cũng có lúc cảm thấy căng thẳng, nhất là trong đại dịch Covid-19, vì đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi phải đối mặt với những thiếu thốn vật chất hoặc tù túng lâu ngày do phải giãn cách xã hội.

TS. Janice Kiecolt-Glaser (Đại học bang Ohio, Mỹ) - nhà nghiên cứu về tác động của căng thẳng đối với cơ thể, trong một bài viết đăng tải trên website Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health - NIH) giải thích, căng thẳng không đơn thuần là cảm giác ngột ngạt, mà còn là cảnh báo cho biết cơ thể đang bị quá tải, mất khả năng kiểm soát và không đủ sức để đối phó trước các vấn đề trong cuộc sống.

a1-2539-1634613237.jpg

Căng thẳng có thể đến từ một thay đổi tiêu cực đột ngột như ly hôn hoặc mất việc làm, bị tai nạn, bạo hành, hoặc do thiên tai, dịch bệnh.

Trong khi phải giãn cách xã hội hay cách ly để chống dịch Covid-19, không có gì lạ khi ngày càng nhiều người cảm thấy quá tải. Đối với một số người, căng thẳng có thể dẫn đến kiệt sức.

Kiệt sức phần lớn được xem là liên quan đến công việc. Làm việc tại nhà đồng nghĩa người lao động được yêu cầu "làm nhiều hơn với ít nguồn lực hơn" và phải sẵn sàng 24/7. Rồi trẻ em học tại nhà, cha mẹ quán xuyến con cái, việc bếp núc...

Nguyên nhân bên ngoài của tình trạng kiệt sức có thể đến từ nơi làm việc (chẳng hạn quá tải, không được thăng chức, làm việc ngoài giờ) hoặc từ gia đình (chăm sóc nhiều con, chăm sóc cha mẹ già, chịu trách nhiệm chính về kinh tế gia đình).

Dưới đây là một số phương pháp giúp cải thiện sức khỏe tinh thần theo gợi ý của TS. Janice Kiecolt-Glaser.

Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ

Đối với công việc, tìm kiếm giải pháp từ sếp hoặc người quản lý để khắc phục một số yếu tố gây căng thẳng, bởi họ có thể cho bạn thêm thời hạn, hoặc sắp xếp giờ làm việc linh hoạt để còn thời gian  nuôi dạy con cái.

Đối với việc nhà, yêu cầu các thành viên trong gia đình hỗ trợ hoặc thuê người dọn dẹp, người trông trẻ mỗi tuần một lần.

Khi không thể thoát khỏi những yếu tố gây căng thẳng, bạn phải siêng tập thể dục, thiền định hay chánh niệm. Thực hành những biện pháp này không chỉ giúp bạn thư giãn mà còn giảm hormone gây căng thẳng trong cơ thể.

Ngủ đủ giấc, ăn uống cân bằng

Phải nhận ra các dấu hiệu cho thấy mình đang căng thẳng quá mức bình thường, như bỗng khó ngủ, đau đầu, đau bụng đột ngột. Căng thẳng cũng có thể gây ra tình trạng thèm ăn hay chán ăn.

Có một số bước để khắc phục tình trạng đó: tập thể dục thường xuyên, làm một việc ưa thích, hay khiêu vũ, duy trì kết nối xã hội; liên lạc với bạn bè và gia đình qua điện thoại, hay trò chuyện video. Ăn uống cân bằng dưỡng chất và vi lượng, tránh uống rượu và sử dụng các chất kích thích.

Tiếp cận lối sống tỉnh thức 

Con người không hề để ý đến việc mình đang làm trong một nửa thời gian sống. Cách sống tỉnh thức (duy trì ý thức trong mỗi công việc, biết rõ những gì đang diễn ra nơi mình, với mình và với cuộc sống quanh mình; không bị ảnh hưởng, chi phối bởi những thành kiến, phân biệt). Những bài tập sống tỉnh thức điều độ có thể ảnh hưởng lên một số đường truyền thông tin trong não và góp phần quan trọng trong việc điều hòa cảm xúc.

Sẽ không có bài tập nào thích hợp cho tất cả mọi người. Có thể thử qua nhiều kỹ thuật sống tỉnh thức để tìm cách phù hợp nhất. Nên bắt đầu bài tập chỉ khoảng 3-5 phút, vài lần trong một ngày để đừng cảm thấy quá mức khiến phải bỏ cuộc. Hiện có nhiều cách dạy kỹ thuật sống tỉnh thức.

Tập hít thở sâu mỗi ngày

Một phương pháp giảm căng thẳng đơn giản là kiểm soát hơi thở. Hít thở sâu, chậm ảnh hưởng tích cực lên não bộ, cải thiện tâm trạng.

Thở bằng bụng là một hình thức đơn giản. Ngồi hoặc nằm với tư thế thoải mái, đặt một tay lên ngực trên và tay kia trên bụng. Hít bằng mũi chậm và sâu, đưa không khí vào bụng dưới. Nâng bàn tay trên bụng, giữ nguyên bàn tay trên ngực, từ từ thở ra bằng miệng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải thiện sức khỏe tinh thần trong đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO