Nhiều hãng xe Nhật lao đao khi dịch bùng phát ở Đông Nam Á

Ngọc Thoại| 24/07/2021 05:35

Thái Lan, được coi là trụ cột trong mạng lưới sản xuất của các công ty Nhật Bản trong khu vực, đã áp đặt lệnh giới nghiêm đối với Bangkok kể từ đầu tuần này. Tuy lệnh giới nghiêm vẫn chưa đi kèm với những hạn chế đối với hoạt động sản xuất của các công ty, nhưng các nhà sản xuất đã cảm thấy hơi nóng phả sát gáy.

Nhiều hãng xe Nhật lao đao khi dịch bùng phát ở Đông Nam Á

Toyota Motor là nạn nhân mới nhất khi phải tạm dừng các nhà máy ở Thái Lan, trung tâm sản xuất khu vực Đông Nam Á của tập đoàn xe hơi hàng đầu Nhật Bản, do virus đã xâm nhập vào chuỗi cung ứng, một nước đi được dự báo sẽ gây gián đoạn nguồn cung trong ngắn hạn.

Toyota đã tạm dừng hoạt động tại 3 nhà máy ở Thái Lan do biến chủng Delta đã lan vào các nhà máy làm gián đoạn nguồn cung cấp các bộ phận ô tô quan trọng.

Việc đóng cửa cho thấy đại dịch vẫn đang khiến chuỗi cung ứng ô tô đang trở nên căng thẳng như thế nào. Thời gian ngừng hoạt động bắt đầu từ 21/7 và sẽ kéo dài ít nhất đến 28/7, Nikkei cho biết. Toyota cho biết họ sẽ "đánh giá tình hình và quyết định" có hoạt động trở lại từ ngày 29/7 hay không.

Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có nguồn cung bộ dây diện dùng để đấu nối các bộ phận điện trong ô tô từ một nhà máy bên ngoài hệ thống Toyota. Nhà máy này gần đây đã buộc phải đóng cửa tạm thời do sự bùng phát của virus.

Do các ngày lễ địa phương, các nhà máy Toyota ban đầu dự kiến đóng cửa trong bất kỳ trường hợp nào từ ngày 24-28/7. Nếu công ty có thể giải quyết vấn đề tìm nguồn cung ứng trước ngày 29/7, Toyota sẽ mất 3 ngày để hạn chế tác động tiêu cực của vấn đề chuỗi cung ứng cho các nhà máy.

Năng lực sản xuất hàng năm của các nhà máy là 760.000 chiếc, nhưng vào năm 2020, chỉ có 440.000 chiếc ô tô được sản xuất. Thái Lan là trung tâm sản xuất ở nước ngoài lớn thứ ba của Toyota, sau Trung Quốc và Mỹ. Xe sedan Corolla và xe bán tải Hilux là những mẫu xe được sản xuất chính tại Thái Lan. Một nửa số xe được sản xuất được bán trong nước và phần còn lại được xuất khẩu trên toàn cầu.

Đây là lần thứ hai hoạt động sản xuất của Toyota tại Thái Lan bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Các nhà máy đóng cửa trong đợt sóng đầu tiên của Thái Lan vào tháng 3/2020.

Làn sóng Covid thứ ba của Thái Lan đã gia tăng cường độ vào đầu tháng 7 do sự bùng phát của biến chủng Delta, trước tiên đã quét qua Ấn Độ và hiện đang áp đảo Đông Nam Á. Chính phủ Thái Lan đã sử dụng biện pháp đóng cửa một số nhà máy và công ty tại các địa phương bị ảnh hưởng để kiểm soát tình hình. Các nhà máy của Toyota tuy nằm vào các khu vực đó, nhưng sản xuất xe hơi không nằm trong số các hoạt động sản xuất bị cấm.

Cùng chung số phận

Các ca nhiễm biến chủng Delta đang gia tăng ở Đông Nam Á, ở các quốc gia như Malaysia và Indonesia, đã bắt đầu ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản, với khả năng gián đoạn sản xuất trong khu vực ngày càng trở nên hiển hiện, theo Bangkok Post

Tại Malaysia, nơi đã tiến hành giãn cách toàn xã hội kể từ ngày 1/6, các nhà máy thuộc Toyota và Honda vẫn đóng cửa. Điều đó phần lớn là do các quy định giới hạn công nhân nhà máy báo cáo làm việc ở mức 10% hoặc ít hơn. Việc giãn cách này đã được gia hạn hai lần, với những hạn chế nghiêm ngặt hơn được áp dụng vào ngày 5 tháng 7 đối với khu vực thủ đô của Malaysia, nơi tập trung các công ty Nhật Bản hoạt động tại nước này. 

Toyota đã sản xuất khoảng 50.000 xe vào năm ngoái tại Malaysia. Công suất hàng năm của Honda tại Malaysia là 300.000 xe máy và 100.000 ô tô. 

Indonesia hiện đã vượt qua Ấn Độ trở thành tâm chấn châu Á của đại dịch. Daihatsu Motor cắt giảm sản xuất trong nước. Một số công ty Nhật Bản đã quyết định gửi người nước ngoài và gia đình của họ về nước khi tình trạng khẩn cấp về y tế đang gia tăng ở quần đảo.

Mitsui Mining & Smelting, công ty sản xuất vật liệu điện thoại thông minh ở Malaysia (có cung cấp một ít cho ngành xe ô tô), đã thông báo ngừng sản xuất vào ngày 5/7. Mặc dù chính phủ đã cho phép ngành công nghiệp điện tử hoạt động trở lại, một đại diện báo chí của công ty cho biếtsản lượng sẽ không trở lại mức trước đó cho đến khoảng giữa cuối tháng 7 và đầu tháng 8. 

Các công ty Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng nặng nề tại Indonesia, nơi số ca nhiễm mới hàng ngày hiện tại đã vượt qua con số 50.000. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho thấy ngày càng có nhiều nhà sản xuất phàn nàn về sự gia tăng các ca nhiễm và ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Một công ty báo cáo có 18% lực lượng lao động của họ bị nhiễm bệnh, gây ra các vấn đề cho hoạt động của họ. 

Cũng vì cảm thấy khó hoạt động hết công suất do những hạn chế đối với việc di chuyển của người dân, nhiều công ty Nhật Bản hoạt động tại Indonesia đang cân nhắc việc đưa những người Nhật xa xứ về nước. 

Một quan chức của một nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có trụ sở tại Đông Nam Á cho biết sự khác biệt giữa đại dịch Covid-19 và thảm họa thiên nhiên nằm ở chỗ, đại dịch này có tác động lâu dài đến chuỗi cung ứng và tấn công đồng thời nhiều khu vực. Quan chức này nói rằng ở Đông Nam Á, nơi việc triển khai vaccine vẫn còn chậm, rất khó để đưa ra dự báo trong một năm, mà phải đưa ra các dự báo ngắn hơn thế nữa.

Việt Nam, từng được biết đến là một quốc gia thành công trong việc ngăn chặn thành công đại dịch vào năm rồi, đang trải qua một sự gia tăng số ca bệnh do biên chủng Delta tại thành phố lớn nhất, TP.HCM, và các tỉnh lân cận.

Vì vậy, Kitami, một nhà nghiên cứu tại JETRO Bangkok, nói rằng trong khi các công ty Nhật Bản đang cố gắng hết sức trong bối cảnh đại dịch, "có khả năng nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan ở các quốc gia khác, các quy định mạnh mẽ như của Malaysia (dừng hoạt động các nhà xưởng hoàn toàn) có thể được thông qua. Điều đó có thể làm suy giảm các dự định hay kế hoạch đầu tư ở khu vực trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhiều hãng xe Nhật lao đao khi dịch bùng phát ở Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO