Thủ tục nhiêu khê, người mua nhà chịu thiệt nhiều nhất

HOÀNG ANH thực hiện| 24/08/2016 06:34

Làm thủ tục cấp phép khởi công xây dựng một công trình bất động sản với bao vất vả và tổn thất tiền bạc, nhưng thực tế DN không chịu một mình, tất cả được đưa vào giá bán, nên người mua nhà chịu thiệt nhiều nhất.

Thủ tục nhiêu khê, người mua nhà chịu thiệt nhiều nhất

Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, làm thủ tục cấp phép khởi công xây dựng một công trình bất động sản với bao vất vả và tổn thất tiền bạc đương nhiên doanh nghiệp chịu, nhưng thực tế doanh nghiệp (DN) không chịu một mình, tất cả được đưa vào giá bán, nên người mua nhà chịu thiệt nhiều nhất.  

Đọc E-paper

* Đang có sự chồng lấn trong cấp phép đầu tư xây dựng và chuyển nhượng dự án hay công trình bất động sản, ông nhận định thế nào về tình trạng này?

- Thực trạng đó là có. Chẳng hạn, làm thiết kế đầu tư phải có ý kiến của cả sở xây dựng và ủy ban quận, hoặc duyệt giá đất phải qua cả sở tài chính và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong khi Nhà nước đã có quy định cụ thể về giá đất.

Quy định Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế, thi công dự án kể cả không phải từ ngân sách nhà nước. Dự án không phải từ ngân sách nhà nước là chuyện của DN, Nhà nước không nên thẩm định 2 khâu này vì nó tạo ra chồng chéo, làm gia tăng thủ tục, mất thời gian và không thể không xảy ra tiêu cực.

* Ông nói gì về quá trình thực hiện các thủ tục cấp phép đầu tư các dự án bất động sản hiện nay?

- Cấp phép đầu tư một dự án tạm chia 3 giai đoạn, theo đó thủ tục cũng tăng dần đều, đẩy giá bán căn hộ chung cư tăng theo.

Trước 2006, thủ tục đơn giản hơn bây giờ, DN có quyết định giao đất và thiết kế đầu tư là có thể khởi công. Thời gian hoàn tất các thủ tục khoảng một năm, giá căn hộ chung cư thời điểm đó là 5 - 6 triệu đồng/m2.

Từ 2006 - 2010, DN phải hoàn tất các quy định về thiết kế hạ tầng, môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy mới được làm thiết kế cơ sở. Sau khi có thiết kế cơ sở, DN phải lo duyệt dự án đầu tư, phải được cấp phép xây dựng mới được khởi công. Thời gian hoàn thành các thủ tục này là từ 2 - 3 năm, giá bán lúc này trên dưới 10 triệu đồng/m2.

Từ 2010 đến nay, DN phải làm thêm phần thẩm định thiết kế vì các nhà quản lý quan ngại công trình bị sự cố, trong khi đây lại là việc của doanh nhân, của DN. Khi DN mất thêm thời gian, chi phí để làm thủ tục thì giá bán không thể dưới 14 triệu đồng/m2. Thậm chí, bây giờ không có chung cư nào bán giá 14 - 15 triệu đồng/m2, hầu hết là trên dưới 20 triệu đồng/m2.

Giá bán căn hộ phụ thuộc vào giá đất, giá vật liệu, giá nhân công, nhưng thủ tục và lãi suất là 2 cái khó nhất đang siết chặt DN. Nếu DN chỉ mất thời gian một năm để làm thủ tục thì các chi phí về điều hành, về lãi vay và các chi phí khác chiếm khoảng 5% giá thành. Nếu DN mất thời gian 2 năm để làm thủ tục thì chi phí chiếm 10% giá thành và chi phí sẽ càng tăng nếu thời gian làm thủ tục kéo dài hơn nữa.

Theo tôi thì có những thủ tục không cần thiết, có những thủ tục nên chuyển sang hậu kiểm vì không ảnh hưởng đến công trình. Chẳng hạn, DN có thể bổ sung thiết kế hạ tầng, môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy sau khi đã khởi công. Nếu dự án đã khởi công mà thủ tục bổ sung không đạt, DN phải chịu trách nhiệm về thiệt hại, nên không cần bắt buộc phải hoàn tất thủ tục rồi mới được khởi công.

* Như ông nói thì thủ tục hành chính vẫn đang làm khó doanh nghiệp, dù đã có cả một quá trình cải cách?

- Từ năm 2013, UBND TP.HCM đã có chủ trương giảm thủ tục hành chính vả các DN đã kiến nghị giảm 50% thủ tục hành chính trong xây dựng. Nghị định 43 của Chính phủ năm 2014 cũng chỉ đạo giảm 40% thủ tục hành chính, nhưng tất cả chỉ dừng ở hô hào, thực hiện không bao nhiêu.

Thủ tục càng nhiêu khê, càng làm tiêu hao tài sản của DN, làm tăng giá bán. Giảm thủ tục hành chính đang là một yêu cầu mang tính xã hội, nên giảm nhanh chừng nào người dân được lợi chừng đó.

Việc sớm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung là rất cần thiết để cải cách thủ tục hành chính. Khi đó, các thủ tục liên quan đến cấp phép đầu tư, xây dựng công trình bất động sản được thực hiện minh bạch thông qua giao dịch điện tử.

* Cám ơn ông!

>Sách trắng kinh tế Việt Nam 2016: Thủ tục hành chính vẫn là trở ngại lớn nhất

>Luật tréo nhau: Cán bộ sợ sai, nhà đầu tư chịu thiệt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thủ tục nhiêu khê, người mua nhà chịu thiệt nhiều nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO