Tạo điều kiện để doanh nghiệp tồn tại và phát triển

TRẦN THỊ HỒNG MINH(*)| 12/07/2018 03:00

Sau ba năm thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014, hướng tới môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, doanh nghiệp (DN) phát triển khá lạc quan. Về số lượng, năm 2016 có 110.000 DN thành lập, năm 2017 đã tăng lên 126.000 DN.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp tồn tại và phát triển

Cùng thời gian này, đã tạo điều kiện cho DN vào thị trường bằng việc tăng cường cải cách kinh doanh qua mạng. Tính đến ngày 30/5/2018, tỷ lệ DN vào thị trường thông qua đăng ký qua mạng lên tới 58%.

Việc triển khai đăng ký DN qua mạng - một dịch vụ hành chính công ứng dụng công nghệ số ở cấp độ cao đã làm giảm thời gian, chi phí trong việc đăng ký thành lập DN, đồng thời hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh trong hoạt động này.DN có thể kiểm tra tình trạng hồ sơ một cách nhanh chóng qua mạng, không nhất thiết phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thời gian DN gia nhập thị trường ngày càng rút ngắn. Ví dụ, theo Luật Doanh nghiệp 2005, thời gian DN gia nhập thị trường là 34 ngày, nhưng với  Luật Doanh nghiệp 2014, thời gian DN được nhận giấy chứng nhận là 3 ngày. Hiện DN chỉ mất khoảng 2,9 ngày cho việc cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.

Đang có một thực tế, số hồ sơ đăng ký DN nộp qua mạng điện tử chưa như kỳ vọng. Bởi, đại bộ phận dân chúng vẫn duy trì thói quen thực hiện thủ tục hành chính dựa trên giấy tờ, chưa chú trọng việc tuyên truyền nên nhiều người dân chưa biết đến dịch vụ này, hơn nữa trình độ ứng dụng công nghệ số, trong đó có việc sử dụng chữ ký điện tử, thanh toán điện tử ở nước ta chưa phát triển, nên số người sử dụng chưa cao.

Chính phủ đã nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN. Số lượng DN gia nhập thị trường ngày một tăng. Số liệu từ Thông tin Quốc gia về đăng ký DN cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 64.531 DN thành lập với số vốn đăng ký 648.967 tỷ đồng, tăng 5,3% về số DN và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, số lao động đăng ký của các DN mới thành lập thời gian này là 508.542 người, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó số DN quay trở lại hoạt động là 16.449, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước.Tin tốt là tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong nửa đầu năm 2018 đã đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2017.

Một điểm đáng lưu ý là số DN rút khỏi thị trường hay tạm ngừng hoạt động còn khá cao. Những DN rút khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh phần nào thể hiện "sức khỏe" của DN. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 17.984, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Tỷ lệ này là bình thường so với các nước trên thế giới, nhưng những số liệu ấy cần được xem là căn cứ để các cơ quan hoạch định chính sách đưa ra những giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho DN đã gia nhập thị trường tồn tại và phát triển được.

Liên quan tới việc hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành DN, trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có những quy định rõ ràng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần có thêm các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

Để hoàn thành mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, như chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN, nhưng hoạt động trên thị trường là theo quy luật cung cầu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giữ chân, tạo điều kiện cho DN tồn tại và phát triển được.

(*) Tác giả là Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạo điều kiện để doanh nghiệp tồn tại và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO