"Văn hóa từ chức" của người Hàn: Gieo gì hái nấy

05/05/2015 06:40

Ở Hàn Quốc đã hình thành một lề thói từ chức khi cảm thấy bất xứng. Lề thói đó chính là kết quả của một nền giáo dục và đào tạo sao cho “người ra người”.

Việc Thủ tướng Lee Wan-koo phải tuyên bố từ chức vì bị ông trùm địa ốc Sung Wan-jong thuộc tập đoàn Keangnam (đã tự vẫn) khai là đã biếu ông 30 triệu won (27.668 đô la Mỹ) vào năm 2013, tiếp theo việc người tiền nhiệm Chung Hong-won, 11 ngày sau vụ phà Sewol chìm cách đây một năm, cũng đã đệ đơn từ chức... có phải là do văn hóa từ chức cao ở Hàn Quốc?

Quả thật ở Hàn Quốc đã hình thành một lề thói từ chức khi cảm thấy bất xứng. Có thể tin rằng lề thói đó chính là kết quả của một nền giáo dục và đào tạo sao cho “người ra người” - xin mượn khẩu hiệu “trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò” trong các nhà trường ở Việt Nam những năm 1980...

Cho dù nay có là một nước công nghiệp tiên tiến, cho dù xã hội có “Âu hóa” vượt bực bằng cớ là làn sóng K-Pop (nhạc pop của Hàn Quốc) đang lôi kéo giới trẻ châu Á, song xã hội Hàn Quốc vẫn mang những nét luân lý Khổng Mạnh cộng với nề nếp kỷ luật sắt một thời như là hậu quả của chế độ quân phiệt cho đến tận cuối những năm 1990.

Nhưng bên cạnh đó còn là một nền giáo dục công dân như ở mọi nước khác đã tiếp xúc với các nền hành chính Âu - Mỹ, có thể trong giai đoạn thực dân chiếm đóng hay do tiếp xúc trực tiếp với người Mỹ sau cuộc chiến Triều Tiên dưới trào Tổng thống Lý Thừa Vãn.

Cũng có hiện tượng tương tự ở miền Nam trước kia: lời khai có tuyên thệ trước tòa vẫn luôn được xem là thiêng liêng cũng như việc kiện một ai đó đã xúc phạm để đòi “một đồng danh dự” hay chuyện cảnh sát công lộ gửi giấy báo phạt vi cảnh tới nhà do đã vượt đèn đỏ hay đậu xe không đúng chỗ, yêu cầu đóng phạt đúng hạn bằng không sẽ ra tòa... (cảnh sát chẳng cần trưng bằng chứng hình ảnh gì cả, chữ ký của cảnh sát viên đã là trung thực “nặng tựa Thái Sơn” rồi).

>>Mất điện, một lãnh đạo kinh tế Hàn Quốc từ chức

Trong thực tế, chuyện Thủ tướng Lee từ chức chỉ vì lời khai của một ông trùm địa ốc đã tự vẫn là do đã hấp thụ nền giáo dục công dân đề cao sự tôn trọng sự thật trước pháp luật, qua đó các công dân hiểu rằng một khi đã có những cáo giác trực tiếp của người trong cuộc hay thậm chí gián tiếp qua lời khai của các nhân chứng, khó có thể giở trò “bằng chứng đâu mà nói tôi đã “ăn” của người này, người kia?”. Chi bằng nhận tội cho “nhẹ nhàng”.

Tiếp nối nếp giáo dục công dân đó là sự đào tạo trong các trường hành chính hay trong các khoa chính trị học.

Trong những nước theo thể chế Cộng hòa, hầu như sinh viên Hành chính hay Khoa học chính trị (Sc. Po.) đều học qua lịch sử chính trị thế giới, cũng như sinh viên luật đều học qua các bộ sử thế giới, từ luật La Mã đến luật Napoléon...

Mà nói đến lịch sử chính trị cùng thể chế cộng hòa là nói tới tôn chỉ “một chính phủ liên bang được lập nên cho người dân, bởi nhân dân, và chịu trách nhiệm trước nhân dân “ (made for the people, made by the people, and answerable to the people), do Thượng nghị sĩ Daniel Webster đề ra năm 1830 trước Thượng viện Mỹ, và sau này, Tổng thống Abraham Lincoln cải biên lại là “chính quyền của dân, do dân, vì nhân dân” trong thông điệp Gettysburg năm 1863.

Đó là những nguyên tắc cơ bản mà người công chức phải học để nhập tâm cái tinh túy, từ đó hình thành nhân cách công chức (tương lai) của mình chớ không học để cho biết càng không phải để thi cuối khóa. Việc từ chức, như đã thấy ở đây, ở kia, chẳng qua chỉ là một phần trong “điều được làm, không được làm” của người công chức trên thế giới.

>>Văn hoá nghị trường và văn hoá từ chức

Đơn giản cứ theo lương tâm chức nghiệp mà tự xử. Từ chức như thế chẳng đe dọa gì tới sự vận hành của Chính phủ Hàn Quốc. Đơn giản vì bản thân ông Lee cùng chức vụ Thủ tướng chẳng được xem như là “thần thánh”!

Và, trong bối cảnh cạnh tranh trên chính trường, đảng của ông ta sẽ phải thanh lọc ngay “con sâu đang làm rầu nồi canh” chứ không thể đứng ra làm thành trì bảo vệ.

Mặt khác, như đã từng thấy ở Hàn Quốc hay trước đó ở Bỉ suốt 526 ngày vắng chức Thủ tướng cũng chẳng sao, do không có chuyện “chính trị hóa” bộ máy nhà nước. Các bộ, vận hành bởi các nhà hành chính chuyên nghiệp, cứ theo pháp luật, đường lối, chính sách mà hoạt động; còn các chính khách, nay vô, mai ra, cứ việc. Không chịu xử lý hay xử lý không xong thành viên làm bậy, khiến dân không đồng tình, đòi bầu lại, đảng mất ghế!

Thành ra, quan chức sẵn sàng từ chức khi cần, do đã được giáo dục như thế. Có gieo thì mới có hái, gieo cái gì hái cái đó, không gieo lấy gì hái: văn hóa là như thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Văn hóa từ chức" của người Hàn: Gieo gì hái nấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO