Cơ hội nào cho chứng khoán tháng 11?

KHÁNH PHƯƠNG| 07/11/2018 08:26

Có quan điểm cho rằng nên tham gia thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, vì đây là giai đoạn mà thị trường thường có diễn biến tốt nhất.

Cơ hội nào cho chứng khoán tháng 11?

Vậy liệu tháng 11 có thật sự là cơ hội tốt để mua vào?

Tháng 11 tốt hay xấu?

Thị trường chứng khoán đã trải qua một tháng 10 đầy cay đắng, với các chỉ số lao dốc mạnh tương tự những gì đã diễn ra vào tháng này trong quá khứ, mà có những năm tháng 10 chính là khởi nguồn cho các đợt khủng hoảng tài chính. Với tháng 11 này, không ít nhà đầu tư kỳ vọng các cổ phiếu sẽ có những đợt phục hồi và lấy lại những gì đã đánh mất trong tháng 10.

Ở thị trường chứng khoán Mỹ, theo cuốn Niên giám cho nhà giao dịch cổ phiếu của Jeff Hirsch, mặc dù tháng 10 có xu hướng hỗn loạn, tháng 11 lại đánh dấu thời điểm khởi đầu 6 tháng tốt nhất cho chỉ số Dow Jones và S&P 500 và 8 tháng tốt nhất cho chỉ số Nasdaq, với dòng tiền vào quý IV từ các tổ chức là một trong những lý do chính cho việc hoạt động hiệu quả.

Link bài viết

Hirsch cho rằng tháng 11 là tháng tốt thứ ba cho chỉ số Dow Jones kể từ năm 1950 và cho chỉ số Nasdaq kể từ năm 1971. Đây cũng là tháng tốt thứ hai cho chỉ số S&P 500 trong hơn 70 năm qua. Lợi nhuận trung bình tháng 11 của Dow Jones là 1,44% với 33 trong số 48 lần kết thúc ở mức cao hơn, trong khi lợi nhuận trung bình tháng 11 của Nasdaq là 1,62% với 32 trong số 47 phiên giao dịch kết thúc ở mức cao hơn và tại S&P 500 có lợi nhuận trung bình là 1,32%, tăng 33 trong số 48 lần vào các tháng 11 kể từ năm 1970.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, tháng 11 năm ngoái chứng kiến chỉ số VN-Index tăng mạnh đến 13,5%. Tuy nhiên nếu tính theo giai đoạn từ năm 2012, thời điểm mà chứng khoán Việt Nam tạo đáy và thiết lập xu hướng tăng đến nay, thì có đến 4 năm chỉ số VN-Index giảm và chỉ có 2 lần tăng là vào năm 2013 và 2017.

Điều này cũng không có gì lạ khi sau một tháng 10 tràn ngập thông tin về kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp, thì tháng 11 thường là giai đoạn vùng trũng thông tin, với rất ít yếu tố gây tác động đến thị trường, do đó chứng khoán thường có xu hướng dao động trong biên độ hẹp với diễn biến sụt giảm hoặc đi ngang.

Nhiều thông tin quan trọng

Tuy nhiên, năm nay có thể sẽ khác khi tháng 11 sẽ chứng kiến không ít thông tin quốc tế quan trọng có thể tác động mạnh đến thị trường chứng khoán thế giới, và Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng theo như những gì đã diễn ra gần đây. Đầu tiên sẽ là lệnh áp đặt tái trừng phạt Iran có hiệu lực vào ngày 4/11 mà có khả năng tác động đến giá dầu và lan tỏa sang các thị trường tài chính khác.

Nhưng sự kiện quan trọng nhất sẽ là cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ (diễn ra vào ngày 6/11), mà dự kiến sẽ ảnh hưởng mạnh lên thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và các thị trường tài chính nói chung. Tiếp đến sẽ là hội nghị G20 tại Argentina vào cuối tháng 11, với tâm điểm hướng vào cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để xem xét liệu có một thỏa thuận thương mại nào được ký kết giữa 2 nước.

Với những thông tin trái chiều và diễn biến khó đoán trước của các sự kiện quốc tế, thị trường tháng 11 có thể sẽ tiếp tục khó lường, trong đó những phiên biến động mạnh và đảo chiều đột ngột sẽ tiếp tục diễn ra, trong tình hình có quá nhiều yếu tố không chắc chắn đang hiện hữu.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí suốt thời gian qua và cũng nhiều lần gây rúng động các thị trường tài chính.

Và nếu như tháng 11 này có thể ghi nhận một thỏa thuận được ký kết thành công thì đó sẽ là tin mừng cho các tài sản rủi ro như chứng khoán, còn ngược lại thì chưa thể lường hết được mọi thứ sẽ còn tệ hại đến đâu.

Sẽ là tháng khó lường

Đối với tình hình trong nước, sự kiện được chờ đợi nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được Quốc hội thông qua trong tuần này, sau khi đã được Chủ tịch nước trình xem xét vào ngày 2/11 vừa qua. Nếu được phê chuẩn, Việt Nam sẽ là nước thứ 7 thông qua CPTPP, biến thỏa thuận thương mại của 11 nước trở nên có hiệu lực kể từ ngày 30/12 tới.

Dù ích lợi từ CPTPP đã được phân tích khá kỹ trong suốt thời gian qua và phần nào đã phản ánh vào diễn biến thị trường, nhưng với việc chính thức được phê duyệt cũng sẽ có những tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư và có sự hỗ trợ nhất định thị trường trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Với những thông tin trái chiều và diễn biến khó đoán trước của các sự kiện quốc tế, thị trường tháng 11 có thể sẽ tiếp tục khó lường, trong đó những phiên biến động mạnh và đảo chiều đột ngột sẽ tiếp tục diễn ra, trong bối cảnh có quá nhiều yếu tố không chắc chắn đang hiện hữu.

Dù vậy, nếu thị trường lại tiếp tục điều chỉnh thì cũng là cơ hội để các nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục, đảo sang cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm tích cực và dự kiến sẽ đạt kế hoạch năm đã đề ra. Thống kê đến cuối tháng 10 đã có khoảng 60% doanh nghiệp trên sàn công bố báo cáo quý III và khoảng 85% trong số này có lãi, với lợi nhuận tăng bình quân khoảng 23% so với cùng kỳ 2017.

Với số lượng lớn doanh nghiệp đã công bố kết quả lợi nhuận như trên sẽ giúp các nhà đầu tư có thêm cơ sở để lựa chọn rót tiền vào đâu, chuẩn bị đón sóng kinh doanh quý IV, khi mà dòng tiền cuối năm và đầu năm thường rất lớn với hàng loạt thông tin về cổ tức, kế hoạch kinh doanh năm mới, cũng như trước hiệu ứng các quỹ và tổ chức thường đánh lên để chốt NAV cuối năm và làm đẹp báo cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội nào cho chứng khoán tháng 11?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO