4 lý do thị trường chứng khoán khó tránh nhịp điều chỉnh

GIA LÊ| 08/11/2017 03:54

Những phiên tăng giảm mạnh xuất hiện ngày một nhiều, trong đó xu hướng bán ra gây áp lực điều chỉnh lên thị trường chứng khoán dường như đang chiếm ưu thế, dù kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp được công bố khá lạc quan.

4 lý do thị trường chứng khoán khó tránh nhịp điều chỉnh

Ngày 23/10, chỉ số VN-Index giảm 6,8 điểm, tiếp đến, ngày 31/10, thị trường mất 7,92 điểm và ngày 2/11 vừa qua thị trường lao dốc 9,62 điểm. Đáng lưu ý là sau mỗi phiên giảm mạnh như thế thì thị trường ngay sau đó bật nhanh trở lại với mức điểm số tăng tương ứng.

Tuy nhiên điều đáng lưu ý là những phiên hồi phục như thế thường nhờ vào sự tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn chiếm tỷ trọng cao trong VN-Index, còn lớp cổ phiếu nhỏ và trung bình tiếp tục đi xuống. Kết quả là dù VN-Index đang ở vùng cao kỷ lục nhưng giá nhiều mã cổ phiếu đã điều chỉnh giảm từ 30 - 40% so với mức đỉnh đạt được trước đây vài tháng.

Thứ nhất, với việc các chỉ số đang ở vùng cao kỷ lục thì động thái chốt lời hàng loạt dễ xảy ra là điều tất yếu, nhất là khi mức độ margin của thị trường quá cao. Bất chấp những thông tin kinh tế tích cực thì thời gian qua, thị trường gặp nhiều khó khăn và đã không còn đi lên mạnh mẽ như giai đoạn trước đây, mà chỉ tăng điểm dựa vào việc một số mã trụ dẫn dắt. Do đó, khi các nhà tạo lập thị trường buông các mã trụ thì thị trường dễ dàng bị chìm sâu với việc xả hàng từ bên bán.

Tính từ 1/9/2016, VN-Index đã tăng 163,9 điểm, tương ứng tăng 24,5%, trong đó Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã ROS) đóng góp 40,34 điểm tương ứng 24,6% mức tăng chung, Tổng công ty Rượu bia - Nước giải khát Sài Gòn (mã SAB) đóng góp 44,7 điểm tương ứng 27,3%.

Như vậy chỉ tính riêng 2 mã này đã đóng góp đến 85,04 trong tổng số 163,9 điểm tăng của VN-Index, chiếm tỷ lệ 51,9%. Nếu loại 2 mã này ra, VN-Index mới tăng 78,86 điểm, tương ứng 11,8% đạt 748,05 điểm. Các mã vốn hóa lớn nhưng cơ cấu cổ đông cô đặc thì việc vẽ chỉ số VN-Index là không phải quá khó như hiện nay.

>>4 phương pháp đa dạng hóa danh mục đầu tư chứng khoán

Thứ hai là động thái bán ròng liên tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài trong những tuần gần đây cũng gây hiệu ứng tiêu cực lên tâm lý thị trường, mặc dù khối ngoại thường bán ròng trong quý IV hằng năm để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Tuy nhiên, điều này vẫn ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch của khối nội, nhất là khi thị trường tăng quá mạnh như thời gian qua và chỉ số đang ở vùng giá quá cao.

Thứ ba là với diễn biến nhà đất đang nóng sốt trở lại sau khi im ắng trong vài tháng qua, cùng với những kỳ vọng trên thị trường ngoại hối có thể san sẻ dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, diễn biến tăng giá mạnh của các đồng tiền mã hóa gần đây như Bitcoin với suất sinh lời cao trong thời gian ngắn cũng khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu lưu tâm đến các đồng tiền mã hóa.

Thứ tư là việc một loạt doanh nghiệp lớn chuẩn bị niêm yết trên sàn trong thời gian tới, như Vincom Retail, cũng như quyết định tiếp tục thoái vốn nhà nước tại những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả như Vinamilk cũng khiến dòng tiền đang nằm tại các cổ phiếu rút ra và chờ đợi những món hàng mới hấp dẫn hơn sắp được bán ra.

Trong khi đó, bản tin tư vấn tại các công ty chứng khoán liên tiếp cảnh báo và cho rằng thị trường đang ở vùng kháng cự mạnh, do đó lưu ý nhà đầu tư giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ cũng ảnh hưởng đến tâm lý và hành vi của các nhà đầu tư. Do đó các mã cổ phiếu bị bán ra mạnh là tất yết, nhất là khi cuối những phiên vừa qua chứng kiến thị trường bị bán mạnh càng gây hoang mang cho các nhà đầu tư.

Với những lý do như trên, thị trường có thể sớm bước vào nhịp điều chỉnh, dù báo cáo tài chính quý III được công bố cho thấy kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện và tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cũng theo nguyên tắc "tin ra là bán" nên đã lợi dụng giai đoạn này để chốt lời và thoát hàng khi đã đạt suất sinh lời như kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
4 lý do thị trường chứng khoán khó tránh nhịp điều chỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO