Thị trường bị kìm hãm
Phiên cuối tuần qua (21/4) thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống, với VN-Index mất hơn 6 điểm, tương đương giảm 0,6%. Tính từ đỉnh cao 1.084 điểm từ hôm 6/4 đến nay, chỉ số VN-Index đã giảm 41 điểm, tương đương giảm 3,8%. Đáng lưu ý, thanh khoản cũng suy yếu dần, cho thấy dòng tiền tiếp tục thận trọng trước diễn biến giằng co của thị trường trong thời gian qua.
Dù mặt bằng lãi suất đã đi xuống gần đây, khiến nhiều người tin rằng đỉnh lãi suất là đáy chứng khoán, nhưng dường như dòng tiền lớn vẫn chưa nhập cuộc, khi những khó khăn và thách thức của doanh nghiệp (DN) vẫn đang hiển hiện trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi được bao nhiêu. GDP quý I vừa qua ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020. Mới đây, Công ty Chứng khoán ACBS dự kiến nền kinh tế Việt nam sẽ tăng trưởng trong khoảng 4,4-5,1% trong năm 2023, giảm 150 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Đáng lưu ý là số DN ngừng hoạt động tiếp tục tăng lên, với 60.200 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong quý I vừa qua, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 20.100 DN rút khỏi thị trường. Với diễn biến kém khả quan như vậy, dễ hiểu vì sao dòng tiền đầu tư vào các kênh rủi ro như chứng khoán có sự thận trọng nhất định.
Một yếu tố khác đang kìm hãm thị trường là mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I đang cho thấy không mấy tươi sáng, đúng như những dự báo trước đó. Tính đến cuối tuần qua, dù chỉ mới có hơn 130 DN trên sàn HoSE và HNX công bố báo cáo tài chính, nhưng trong số đó đã có xấp xỉ 20 DN báo lỗ, hơn 15%; gần 70 DN báo lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022, gần 54%, đặc biệt trong đó có đến 30 DN giảm lợi nhuận từ 50% trở lên.
Đó là những con số cho thấy hoạt động của DN đã gặp khó khăn nhường nào chỉ ngay trong quý I, từ việc đơn hàng sụt giảm, chuỗi cung ứng đứt gãy, sản phẩm tiêu thụ khó khăn, chi phí tài chính gia tăng. Với kết quả kinh doanh yếu kém như vậy, giá cổ phiếu của những DN ấy khó có thể thu hút được dòng tiền.
Đặc biệt, tháng 4, tháng 5 luôn là giai đoạn nhạy cảm của thị trường chứng khoán, khi nhà đầu tư thường bị ám ảnh bởi những phiên giảm mạnh trong quãng thời gian này vào những năm trước đây. Đơn cử như vào năm trước, chỉ số VN-Index rớt đến 12,3% trong tháng 4, tiếp đến tháng 5 giảm 3,1% trước khi giảm thêm 6,9% trong tháng 6. Tính chung quý II năm ngoái, VN-Index giảm đến 22,3%.
Ám ảnh tháng 5
Không phải ngẫu nhiên mà thị trường thường có những phiên kém tích cực bắt đầu từ tháng 4 kéo dài qua tháng 5. Quá khứ cho thấy ngay từ giữa tháng 4, dòng tiền đã có dấu hiệu rút ra vì lo ngại hiệu ứng tháng 5, thường được biết đến với tên gọi "Sell in May and go away" (Hãy bán cổ phiếu trong tháng 5 rồi rời xa). Đối với Việt Nam, nhà đầu tư có khuynh hướng thoát ra trước các kỳ nghỉ lễ dài ngày, như kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, do lo ngại những rủi ro hay thông tin bất ngờ có thể xuất hiện trong giai đoạn này.
Tháng 5 cũng là giai đoạn mà những thông tin phức tạp về tình hình địa - chính trị xuất hiện, nên nhà đầu tư thường giảm bớt lượng cổ phiếu nắm giữ nhằm tránh những rủi ro không cần thiết. Mới đây, truyền thông đưa tin Việt Nam đã phản đối lệnh cấm đánh bắt hải sản của Trung Quốc ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8. Được biết, Trung Quốc hằng năm ngang nhiên đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt hải sản với ngư dân nước khác, tuyên bố sẽ tăng cường giám sát để bắt và xử phạt các trường hợp bị xem là vi phạm.
Về thị trường tài chính quốc tế, tháng 5 sắp tới cũng sẽ diễn ra cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), với dự báo cơ quan này có thể tiếp tục nâng lãi suất USD thêm 0,25% và đây có lẽ là lần nâng cuối cùng trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài hơn một năm qua. Tuy nhiên, với áp lực lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao, đặc biệt ảnh hưởng từ giá dầu có tín hiệu tăng cao trở lại sau khi OPEC+ quyết định cắt giảm nguồn cung, quyết định của FED vẫn rất khó đoán định.
Nếu FED bất ngờ nâng lãi suất thêm 0,5%, cao hơn so với dự báo, bất chấp khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng nước này, hoặc phát tín hiệu đà tăng lãi suất có thể còn kéo dài, các thị trường tài chính có thể rúng động và đối mặt với nguy cơ bán tháo. Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ sau khi đã tăng tích cực trong một tháng qua, những phiên trong tuần qua cũng đang cho thấy dấu hiệu điều chỉnh trở lại.
Bên cạnh đó, lượng trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu đáo hạn tăng dần trong những tháng tới cũng có thể trở thành áp lực lên thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh việc tiếp cận vốn ngân hàng vẫn gặp không ít khó khăn, lãi suất cho vay còn cao, rủi ro mất thanh khoản của DN và không thể chi trả lãi, gốc trái phiếu đến hạn sẽ tác động tiêu cực lên niềm tin của nhà đầu tư. Lượng cổ phiếu được cầm cố cho giá trị trái phiếu đã phát hành có thể bị các công ty chứng khoán bán giải chấp và gây áp lực lên thị trường, điều đã từng diễn ra trong cuối quý III đầu quý IV năm ngoái.
Trong khi nhà đầu tư trong nước lo ngại, lực mua của nhà đầu tư nước ngoài - vốn đã góp phần vào đà phục hồi của thị trường từ tháng 11 đến nay, cũng đang có dấu hiệu tiêu cực, với dòng tiền giải ngân chậm dần ở cả hai nhóm quỹ ETF và quỹ chủ động. Đây là tín hiệu thận trọng đối với triển vọng dòng vốn khối ngoại trong thời gian tới, đặc biệt là trong quá khứ, các quỹ chủ động thường ghi nhận chuỗi mua ròng liên tục trong vòng 3-6 tháng.
Cụ thể tính từ đầu tháng 4 đến phiên cuối tuần qua (21/4), nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 2.800 tỷ đồng tính riêng trên sàn HoSE, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó có chuỗi 10 phiên bán ròng liên tiếp từ ngày 3-14/4. Trước đó, khối ngoại mua ròng 3.037 tỷ đồng trong tháng 3 và 6.962 tỷ đồng trong quý I.
Giao dịch khả quan của khối ngoại trong tháng 3 chủ yếu đến từ dòng tiền tích cực của các quỹ ETF, chủ yếu nhờ dòng tiền từ Fubon Việt Nam ETF.