Đừng đánh mất trái tim khi nắm trong tay quyền lực
Có bao giờ bạn - trong vai trò lãnh đạo - từng cảm thấy nghẹn ngào giữa một cuộc họp quan trọng? Từng muốn rơi nước mắt trước một quyết định buộc phải chia tay đồng đội? Hay từng ước mình có thể nói rằng: “Tôi cũng đang rất đau”? Nhưng rồi bạn kìm lại vì nghĩ rằng, một người lãnh đạo thì không được yếu đuối, không nên khóc?
Nước mắt của người dẫn đầu là một loại trí tuệ
Chúng ta đang sống trong thời đại mà người lãnh đạo không chỉ được đo lường bằng năng lực quản trị hay khả năng ra quyết định, mà còn bằng tầm vóc tâm hồn. Ở một thời kỳ, nhà lãnh đạo được tôn vinh bởi sự vững vàng, dày dạn, kiên cường. Nhưng ngày nay, điều tạo nên sức hút sâu bền của họ chính là sự chân thực, nhân hậu và khả năng cảm thấu. Vì thế, khi một nhà lãnh đạo rơi nước mắt, không phải là họ yếu. Đó là lúc họ cho phép mình sống thật, kết nối thật, và yêu thương thật. Giọt nước mắt đó, nếu xuất phát từ trái tim, có thể xây nên một niềm tin bền vững hơn cả ngàn lời diễn thuyết.
Chúng ta học cách kiểm soát cảm xúc, nhưng bỏ quên học cách sử dụng cảm xúc đúng lúc. Lãnh đạo không phải là vai diễn. Lãnh đạo là một trạng thái sống. Và một người sống thật thì không thể tách mình ra khỏi cảm xúc. Tôi từng được mời huấn luyện cho một đội ngũ lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp lớn. Trong buổi chia sẻ về “Trí tuệ cảm xúc trong lãnh đạo”, một vị giám đốc lớn tuổi đã đứng lên hỏi: “Tôi từng suýt khóc trong cuộc họp toàn công ty vì xúc động, nhưng tôi kìm lại. Vì tôi nghĩ, nếu tôi khóc, sẽ không còn ai tin tôi nữa. Tôi có sai không?”

Tôi lặng nhìn vào ánh mắt ông và thấy rõ một người lãnh đạo đang đấu tranh giữa vai trò và con người thật. Tôi nói: “Nếu ông rơi nước mắt lúc đó, có thể ai đó sẽ bất ngờ. Nhưng chính sự chân thành ấy sẽ ở lại lâu hơn bất kỳ con số nào ông chia sẻ”.
Trên thực tế, đó là một biểu hiện rất rõ của trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence), khái niệm do Daniel Goleman phát triển và được xem là yếu tố then chốt trong lãnh đạo hiện đại. Goleman chỉ ra rằng một nhà lãnh đạo hiệu quả là người biết nhận diện và quản lý cảm xúc của chính mình và của người khác.
Self-awareness (tự nhận thức cảm xúc) và Empathy (đồng cảm) là hai trong số những năng lực cốt lõi. Khi bạn dám thể hiện cảm xúc thật như rơi nước mắt đúng lúc, đó không phải là sự yếu đuối, mà là một hành động lãnh đạo đầy sức mạnh. Nó cho thấy bạn đang sống thật với chính mình, và tạo ra một kết nối sâu sắc, bền vững với đội ngũ.
Bạn còn nhớ hình ảnh Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern rơi nước mắt trong buổi họp báo sau vụ xả súng năm 2019? Cả thế giới đã không xem bà là người yếu đuối. Họ gọi đó là “nước mắt của lòng nhân”, là biểu tượng của một nhà lãnh đạo biết đau cùng dân tộc mình, chứ không chỉ ra lệnh từ tháp ngà. Câu chuyện ấy là minh chứng rõ ràng rằng: những giọt nước mắt đúng lúc có thể truyền cảm hứng lớn hơn bất kỳ bài hùng biện nào.
Lãnh đạo là người đủ mạnh để dám mềm
Tôi từng làm việc với các CEO, nhà sáng lập. Họ là những người sắc sảo, giỏi quyết đoán, đầy tham vọng. Nhưng điểm chung giữa những nhà lãnh đạo thực sự có “sức nặng” không phải là quyền lực, mà là nội lực cảm xúc sâu sắc. Họ biết khi nào cần mạnh mẽ để giữ vững tập thể. Nhưng họ cũng biết khi nào cần lặng im, thậm chí cần rơi nước mắt để con người thật của mình được sống, để đội ngũ thấy rằng họ đang đi theo một trái tim biết rung cảm chứ không phải chỉ với một cái đầu tính toán.
Tôi từng chứng kiến một người sáng lập lặng lẽ rơi nước mắt trong buổi chia tay nhân viên khi công ty buộc phải tái cấu trúc. Không có một bài diễn văn nào được chuẩn bị, anh chỉ lên đứng trước mọi người, một khoảng thinh lặng, rồi nói: “Tôi rất tiếc. Tôi biết điều này làm đau nhiều người. Và chính tôi cũng đang đau”.
Buổi hôm đó không ai thấy anh yếu. Ngược lại, đội ngũ còn lại gắn bó với anh sâu hơn, làm việc với một niềm tin thật hơn. Bởi vì giây phút ấy, họ đã thấy người sếp của mình cũng là một con người biết đau như mình.
Một nhà lãnh đạo có trí tuệ là người không bị cảm xúc dẫn dắt, nhưng cũng không phủ nhận cảm xúc. Họ không rơi vào trạng thái hoảng loạn, tiêu cực. Nhưng họ biết lắng nghe nỗi buồn, biết chạm vào nỗi đau, biết rơi nước mắt khi điều đó là cần thiết, như một cách giữ lại bản chất người giữa áp lực của vị trí. Giữ được “con người” khi ở vai trò “người lãnh đạo”, đó là một hình thức thức tỉnh cao nhất trong lãnh đạo.
Bạn đã bao giờ tự cho phép mình được khóc? Tôi không đặt câu hỏi này để làm bạn yếu đi. Tôi hỏi để bạn tự soi lại, rằng: Trong hành trình dẫn dắt, bạn đã bao lần phải nén lại những cảm xúc thật, vì sợ rằng đội ngũ sẽ không còn nhìn bạn như một người dẫn đường mạnh mẽ?
Nhưng nếu bạn không cho phép mình khóc, thì liệu bạn còn kết nối được với những cảm xúc người khác đang mang?
Chúng ta không cần một thế hệ lãnh đạo hoàn hảo. Chúng ta cần những người lãnh đạo chân thật. Và đôi khi, sự chân thật ấy bắt đầu bằng một giọt nước mắt không giấu giếm.
Trí tuệ lãnh đạo bắt đầu từ khả năng sống thật với chính mình. Đội ngũ không cần một người chỉ huy lúc nào cũng lý trí. Họ cần một người có trái tim đủ mềm, đủ sáng suốt để dẫn đường, và đủ chân thành để chạm đến những điều sâu sắc nhất.
Nếu bạn là người đã từng khóc trong vai trò lãnh đạo, xin chúc mừng! Đó không phải là thất bại về mặt hình ảnh, mà là thắng lợi của sự kết nối. Và nếu bạn chưa từng, hãy nhớ: khi một người lãnh đạo dám khóc, không phải họ đang gục ngã, mà là họ đang cho phép sự sống động của trái tim được cất tiếng. Đó là nơi trí tuệ thực sự được thắp lên không chỉ bởi một cái đầu sắc sảo, mà còn bởi một trái tim đủ rộng để rung cảm.
(*) Chuyên gia Lãnh đạo trí tuệ
