Không ai sáng suốt một mình - kể cả nhà lãnh đạo giỏi nhất (Bài 4)
Wisdom - sự sáng suốt - là phẩm chất quý nhất của người dẫn đường, nhưng nó không sinh ra từ trạng thái cô lập. Mọi nhà vô địch đều cần một người đồng hành đủ sâu, đủ vững để giúp họ nhìn thấy chính mình.
Đỉnh cao không dành cho kẻ độc hành
Có một nghịch lý kỳ lạ trong thế giới lãnh đạo: càng thành công, người ta càng dễ tin rằng mình đủ đầy. Nhưng lịch sử của những con người vĩ đại trong kinh doanh, thể thao, nghệ thuật hay triết học… lại cho thấy một sự thật khác: càng ở trên cao, càng cần một người giúp mình nhìn xuống và nhìn vào trong.
Sự khác biệt giữa một người thông minh và một người sáng suốt nằm ở chỗ người thông minh thường biết nhiều, làm nhanh, quyết mạnh. Nhưng người sáng suốt thì dừng lại được; họ biết điều gì nên làm, điều gì nên buông, họ không để bản ngã lấn át mục tiêu dài hạn; họ nhìn thấy bức tranh lớn hơn cả cá nhân mình.

Là người dẫn đầu, bạn có thể dễ dàng có được thông tin, báo cáo, thậm chí cả đội ngũ làm chiến lược hùng hậu. Nhưng wisdom - sự sáng suốt lại là thứ không ai có thể truyền đạt cho bạn nếu chính bạn không sẵn sàng rèn luyện để đạt tới nó. Và sự thật là: bạn không thể rèn luyện một mình.
Sáng suốt là khả năng nhìn thấy rõ mọi thứ, ngay cả khi chính bạn đang ở tâm bão. Nhưng làm sao bạn có thể tự thấy mình khi đang là người ra quyết định, người bị trông đợi phải mạnh mẽ, và đôi khi... không được phép yếu?
Tôi từng làm việc với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, những người thật sự giỏi, được kính nể, có sức ảnh hưởng. Nhưng có một điểm chung ở những người duy trì được sự vững vàng dài lâu: họ không độc hành. Họ có người để đối thoại, để phản biện, để “soi gương”, để giữ họ khỏi bị chính thành công của mình che mắt. Họ hiểu một điều tưởng như đơn giản, nhưng không dễ can đảm để thừa nhận: Muốn sáng suốt, không thể chỉ dựa vào một mình mình.
Wisdom là gì? Vì sao lãnh đạo cần nó hơn cả chiến lược?
Chúng ta đang sống trong thời đại mà trí thông minh được tôn vinh: chỉ số IQ, tốc độ xử lý thông tin, năng lực giải quyết vấn đề... Lãnh đạo giỏi thường được ca ngợi vì những quyết định táo bạo, khả năng định hướng chiến lược, hay thành tích tăng trưởng vượt bậc. Nhưng khi cơn lốc vận hành qua đi, câu hỏi quan trọng hơn được đặt ra là: Liệu những quyết định ấy đến từ sự sáng suốt, hay chỉ từ năng lực sinh tồn cấp tốc?
Wisdom - sự sáng suốt, không giống với thông minh. Nếu thông minh giúp bạn giành chiến thắng, thì sáng suốt giúp bạn biết khi nào nên chiến thắng, và khi nào nên từ bỏ một cuộc chiến.
Một nhà lãnh đạo thông minh có thể giúp công ty tăng trưởng thần tốc. Nhưng nếu không có sự sáng suốt để biết đâu là giới hạn, đâu là giá trị cốt lõi cần giữ, đâu là hậu quả dài hạn cần lường trước, thì chính sự thông minh ấy có thể trở thành con dao hai lưỡi.
Chúng ta đã chứng kiến không ít thương hiệu lớn sụp đổ không phải vì thiếu tầm nhìn chiến lược, mà vì lãnh đạo thiếu khả năng dừng lại để thấy điều họ đang bỏ quên: con người, văn hóa, niềm tin, hoặc chính giá trị sống của bản thân.
Wisdom là khả năng bước ra khỏi “cái tôi điều hành” để nhìn tổ chức, con người, và chính mình từ góc độ toàn thể. Nó là khả năng:
• Thấy được tác động đạo đức của một quyết định kinh doanh.
•Biết khi nào nên lùi lại, tuy có quyền tiến tới.
• Dẫn dắt không bằng mệnh lệnh, mà bằng trường năng lượng nội tâm ổn định.
• Hiểu sâu sắc rằng mọi kết quả kinh doanh bền vững đều bắt đầu từ phẩm chất bên trong người lãnh đạo.
Trong những giai đoạn nhiều biến động như hiện nay, các doanh nghiệp không thiếu chuyên gia chiến lược, nhà phân tích dữ liệu, hay đội ngũ vận hành tinh nhuệ. Điều họ thiếu, thậm chí là rất trầm trọng, chính là một người đứng đầu đủ sáng suốt để biết điều gì thực sự đáng giữ, điều gì nên buông, và điều gì cần tạo ra trong 10 năm tới.
Đó là lý do vì sao, trong tất cả những phẩm chất cần có ở một nhà lãnh đạo của thời đại mới, wisdom là không thể thay thế. Và điều quan trọng nhất: nó không tự có. Nó cần được mài giũa. Và cần có người soi chiếu.

Vì sao một mình không đủ trở nên sáng suốt?
Trong sự im lặng của phòng họp cuối ngày, khi tất cả nhân viên đã rời khỏi, không ít lãnh đạo vẫn ngồi lại một mình với hàng trăm quyết định chưa ngã ngũ. Họ tưởng mình đang có sự độc lập, nhưng đôi khi, chính trong sự im lặng ấy, họ đang bị bao vây bởi… tiếng vọng của chính bản thân mình.
Con người có khả năng tự nhận thức nhưng lại rất kém trong việc tự thấy điểm mù của chính mình. Điều này càng đúng hơn với những người nắm quyền lực, bởi càng có ảnh hưởng, họ càng ít nhận được phản hồi chân thật. Và cũng chính vì vậy, sự sáng suốt không thể hình thành trong không gian khép kín của một cái tôi độc lập.
Có những "bức tường vô hình" ngăn cản sự sáng suốt, đó là:
- Sự cô lập quyền lực: Người lãnh đạo thường bị đặt lên vị trí mà ít ai dám phản biện họ. Dù cố tạo ra môi trường “mở”, họ vẫn nhận được những lời nói đã được “lọc kỹ”, bởi không ai muốn rủi ro khi nói thật.
- Tâm lý phòng thủ nội tâm: Thành công thường đi cùng với sự sợ hãi ngầm: sợ mất hình ảnh, sợ bị đánh giá, sợ sai. Những nỗi sợ này khiến nhà lãnh đạo… chọn cách ở một mình. Và trong thế giới nội tâm đó, mọi điều đều có lý nhưng không phải lúc nào cũng đúng.
- Điểm mù do kinh nghiệm cũ: Điều từng làm nên thành công hôm qua có thể là rào cản cho sự đổi mới hôm nay. Không ít nhà lãnh đạo trở thành “nạn nhân của chính mình”, khi họ áp dụng công thức cũ vào bối cảnh đã hoàn toàn khác, và không ai đủ thân thiết để dám nhắc họ dừng lại.
Muốn sáng suốt, bạn cần có ai đó nhìn cùng. Không ai tự soi được toàn bộ khuôn mặt của mình nếu không có gương. Tâm trí cũng vậy. Những quyết định quan trọng, những lối tư duy phức tạp, những góc khuất cảm xúc… nếu không được phản chiếu bởi một ai đó đủ tin cậy, đủ sâu sắc, thì rất dễ bị bóp méo bởi định kiến cá nhân.
Một huấn luyện viên giỏi (coach), một người dẫn đường (mentor), hoặc một người bạn đồng hành thực sự không phải là người nói cho bạn biết điều gì đúng, mà là người giúp bạn nhìn ra điều gì đang bị che khuất.
Họ giúp bạn nhìn lại một quyết định từ một góc khác. Họ hỏi những câu hỏi mà bạn tránh né. Họ không bị cuốn vào cấu trúc quyền lực của bạn, nên họ có thể giữ được cái nhìn độc lập, chân thành và không phán xét.
Và chính nhờ đó, ánh sáng của sự sáng suốt mới có không gian để bật lên!
Mentor hay coach: Người giúp soi sáng con đường
Trong một thế giới mà thông tin có thể được truy cập trong vài giây, người ta dễ lầm tưởng rằng biết nhiều là đủ để sáng suốt. Nhưng sự thật là càng có nhiều dữ liệu, bạn càng dễ bị bội thực lựa chọn. Và càng nhiều tiếng nói xung quanh, bạn càng khó nghe được tiếng nói bên trong mình.
Đó là lúc bạn cần một người mentor hoặc coach. Người mentor hoặc coach không phải người giỏi hơn bạn, mà là người giúp bạn giỏi hơn chính mình. Sự hiện diện của một mentor hay một coach không nhằm thay thế bạn, hướng dẫn bạn, hay đưa ra giải pháp cho bạn. Họ không tranh vị trí dẫn dắt, bởi họ hiểu rằng nhà lãnh đạo giỏi luôn muốn tự đưa ra quyết định. Nhưng họ tạo ra không gian - một “vùng chân thực” - nơi bạn có thể dừng lại, gỡ rối, chiêm nghiệm và tái kết nối với trí tuệ bên trong.
Một mentor/coach giỏi sẽ:
- Đặt câu hỏi sâu: giúp bạn vượt qua tầng suy nghĩ bề mặt và tiếp cận với tầng tư duy bản chất.
- Phản chiếu trung thực: giúp bạn nhận ra điểm mù, thói quen vô thức, hoặc niềm tin giới hạn đang vận hành trong các quyết định của mình.
- Tạo không gian an toàn - nơi bạn được là chính mình mà không phải “thể hiện bản lĩnh”, “giữ hình ảnh”, hay “đóng vai lãnh đạo”.
- Thách thức tư duy cũ nhưng không phán xét: giúp bạn mở ra khả năng mới chứ không giam bạn trong cái đúng-sai cũ kỹ.
Mentor/coach không mang theo “kết luận”, họ mang theo “ánh sáng”. Họ không cần biết rõ công ty bạn đang vận hành thế nào nhưng họ biết cách giúp bạn quay về câu hỏi nền tảng: Bạn đang thật sự sống với điều gì? Họ không vẽ chiến lược tăng trưởng, nhưng họ giúp bạn nhìn rõ: Tăng trưởng đó có đang đánh đổi điều gì quý giá không?
Trong thời đại mọi thứ thay đổi quá nhanh, một nhà lãnh đạo thực sự không tìm kiếm sự giỏi giang hơn người, mà tìm kiếm sự ổn định từ bên trong để vững vàng giữa dòng xoáy. Và muốn làm được điều đó, bạn cần một người giữ cho bạn trong trạng thái tốt nhất, không phải bằng việc nói cho bạn biết phải làm gì, mà bằng cách giúp bạn tự trở thành người sáng suốt nhất của chính mình.
Sự sáng suốt không chỉ dành cho bản thân mà lan tỏa đến toàn tổ chức
Sự sáng suốt không chỉ là một phẩm chất cá nhân. Khi một nhà lãnh đạo đủ sáng suốt, họ tạo ra nhiều hơn những quyết định đúng, họ tạo ra một trường năng lượng cho cả tổ chức: trường của sự chính trực, sự tĩnh tại giữa hỗn loạn, sự dẫn dắt từ bên trong chứ không phải bằng quyền lực bề ngoài.
Một lãnh đạo sáng suốt sẽ:
- Không vội phản ứng mà chiêm nghiệm. Họ dừng lại để nhìn vào nguyên nhân sâu xa, thay vì vội vàng tìm thủ phạm.
- Không kiểm soát mà khai mở. Họ tin vào khả năng phát triển của đội ngũ, thay vì nghĩ rằng chỉ có mình mới làm đúng.
- Không ra quyết định vì an toàn mà vì điều đúng đắn. Họ dám lựa chọn điều tốt cho đường dài, ngay cả khi điều đó không làm hài lòng số đông ngay lập tức.
Và khi những phẩm chất đó được duy trì liên tục, một điều gần như kỳ diệu sẽ xảy ra: toàn bộ tổ chức dần trở thành nơi con người được lớn lên không chỉ về kỹ năng, mà cả về nhận thức.
Một lãnh đạo có mentor/coach thường sẽ tạo ra tổ chức biết tự khai sáng. Là một nhà lãnh đạo, khi bạn sẵn sàng để người khác “soi gương” cho mình, bạn ngầm cho phép những người dưới quyền bạn cũng được trung thực về điểm mù của họ. Bạn tạo ra một mô hình học hỏi từ bên trong, không cần giám sát, không cần mệnh lệnh, không cần sợ hãi.
Nhiều doanh nghiệp hiện đại trên thế giới đã chuyển từ mô hình “chỉ đạo - kiểm soát” sang mô hình “huấn luyện - phát triển”. Ở đó, các trưởng phòng, quản lý, thậm chí nhân viên cấp thấp cũng được đào tạo để trở thành những người hỗ trợ sự phát triển cho nhau, chứ không chỉ là người hoàn thành công việc.
Những doanh nghiệp như vậy không chỉ phát triển bền vững hơn, mà còn trở thành nơi con người thấy ý nghĩa, thấy mình được tôn trọng, và được thức tỉnh.
Bạn không chỉ xây một công ty, bạn đang xây một cộng đồng. Một nhà lãnh đạo sáng suốt không chỉ muốn dẫn đầu doanh thu, thị phần, hay thị trường. Họ muốn để lại điều gì đó lớn hơn: một cộng đồng người cùng tiến hóa.
Và cộng đồng ấy bắt đầu từ cách bạn đối diện với chính mình, từ việc bạn dám nói với thế giới và với chính đội ngũ của bạn: “Tôi cũng cần được huấn luyện. Tôi cũng cần người đồng hành. Tôi cũng đang học cách trở nên sáng suốt hơn mỗi ngày.”
Nhà vô địch không đi một mình
Lãnh đạo là hành trình đơn độc, nhưng không nên là hành trình cô lập. Có một sự khác biệt tinh tế giữa: một mình để suy ngẫm và cô lập khiến tầm nhìn thu hẹp; giữa nội lực và tự mãn; giữa chính trực và cứng nhắc. Và đôi khi, chính bạn - người đang nắm quyền quyết định - là người cần nhất một chiếc gương phản chiếu trung thực, nhưng không phán xét.
Tôi tin rằng: mọi nhà vô địch đều có một người đồng hành “vô hình”. Họ có thể không lên sân khấu, không xuất hiện trong báo cáo thường niên, không hiện diện trong hội nghị cổ đông. Nhưng chính họ là người đã giúp nhà vô địch giữ được sự sắc bén trong tư duy, sự mềm mại trong tâm hồn, và sự tĩnh tại để không bị cuốn theo những cơn lốc nhất thời.
Một Mentor, một coach, hay chỉ đơn giản là một người đồng hành hiểu vai trò của mình, không phải để dẫn dắt mà để đánh thức người lãnh đạo bên trong bạn, mỗi ngày. Sẽ có lúc bạn ra quyết định lớn và biết rằng mình không bị thôi thúc bởi nỗi sợ. Sẽ có lúc bạn đối diện khủng hoảng và thấy mình vẫn đủ sáng, đủ vững, để là người truyền ánh sáng cho người khác. Sẽ có lúc bạn nhận ra: điều giá trị nhất bạn truyền lại không phải là di sản kinh doanh mà là trạng thái hiện diện của bạn trong suốt hành trình dẫn dắt.
Và tất cả những điều đó bắt đầu từ một sự khiêm nhường lớn lao: Tôi không thể trở nên sáng suốt chỉ bằng cách đi một mình. Tôi cần một người giúp tôi nhìn thấy chính mình, mỗi khi tôi bắt đầu quên.
Bạn là nhà vô địch, nhưng bạn không cần phải vô địch một mình. Có một mentor, một coach nào đó, ngoài kia, đang sẵn lòng bước đi bên cạnh bạn lặng lẽ, tỉnh thức, và đầy tôn trọng chỉ để giúp bạn trở thành phiên bản sâu sắc và sáng suốt nhất của chính mình.
(*) Chuyên gia Lãnh đạo trí tuệ