Tiền sẽ chạy qua chứng khoán?
Cụ thể, sau khi có hai đợt tăng lãi suất điều hành vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái, vào ngày 15/3/2023 vừa qua, NHNN đã giảm 1% ở lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các tổ chức tín dụng xuống lần lượt 3,5% và 6%. Riêng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%, xuống 5%.
Chưa dừng lại ở đó, ngày cuối cùng của tháng 3, NHNN tiếp tục cho giảm lãi suất điều hành lần thứ hai chỉ trong vòng nửa tháng. Lần này lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5,5%, trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới một tháng giảm từ 1% xuống 0,5% và lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng tại các ngân hàng thương mại giảm từ 6% xuống 5,5%. Đặc biệt trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm thêm 0,5%, xuống còn 4,5%.
Nếu như lần giảm điều hành đầu tiên được giới phân tích tài chính đánh giá mức độ lan tỏa không đáng kể, thì lần mới đây nhất rõ ràng có tác động lớn hơn nhiều, khi một loạt nhà băng phải giảm trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng về mức đúng quy định ở 5,5%.
Thật ra xu hướng giảm lãi suất tiền gửi đã diễn ra rõ rệt từ sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên mức độ giảm đã cao hơn nhiều sau những quyết định chính sách từ NHNN.
Trước tình hình này, giới đầu tư kỳ vọng dòng tiền tiết kiệm sẽ sớm chuyển dịch từ kênh ngân hàng quay trở lại thị trường chứng khoán, khi lãi suất tiền gửi sau các đợt giảm mạnh vừa qua đã không còn hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng hiện nay cao nhất chỉ còn 8,5%/ năm, 12 tháng chỉ 9%/ năm, trong khi giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023 một số nhà băng có thể thỏa thuận lãi suất hoặc cộng thêm biên độ lên đến 11-12%/năm, rõ ràng kênh tiết kiệm hiện nay đã giảm đáng kể sức hấp dẫn.
Dòng tiền sẽ lựa chọn kênh chứng khoán trở lại? |
Trong bối cảnh thị trường bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp vẫn có những hạn chế và rủi ro nhất định, thanh khoản giảm sút, dòng tiền thông minh cũng sẽ khó đứng yên mà tìm đến những lĩnh vực có cơ hội sinh lời tốt hơn và thanh khoản cao hơn, nên chứng khoán có thể là một trong những kênh đầu tư được lựa chọn. Dù gần đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và NHNN đã đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và nới lỏng điều kiện mua trái phiếu doanh nghiệp với các ngân hàng nhằm hỗ trợ hai thị trường này, tuy nhiên giới phân tích tài chính nhận định, các thị trường này cũng vẫn sẽ bị giám sát chặt chẽ để hạn chế rủi ro. Trong khi đó, dù việc hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn cũng tạo thêm hy vọng, nhưng có thể sẽ có ràng buộc là nếu chính sách này được ban hành cũng phải cân nhắc kỹ về liều lượng và đối tượng thụ hưởng.
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán có thể còn được đóng góp bởi việc vay margin sẽ được kích hoạt mạnh mẽ hơn. Với lãi suất huy động đã giảm mạnh thời gian qua đưa đến kỳ vọng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ giảm trở lại trong thời gian tới, do đó nhu cầu vay margin để tăng cường đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ tăng trở lại. Thực tế, một số công ty chứng khoán gần đây đã lại đưa ra những chính sách ưu đãi, khuyến khích khách hàng sử dụng margin nhiều hơn.
Khi định giá vẫn hấp dẫn
Dù đã có giai đoạn phục hồi ấn tượng kéo dài từ tháng 11 năm ngoái đến nay cũng như đà tăng trong tháng 3 vừa qua, các chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức định giá hấp dẫn, với hệ số P/E của VN-Index hiện ở mức quanh 10,8 lần, cao hơn không đáng kể so với mức 9,95 lần vào cuối năm 2022. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index ở mức 12,8 lần, tăng từ mức 10,4 lần vào cuối năm ngoái.
Định giá rẻ của thị trường còn thể hiện qua động thái mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong những tháng qua. Từ tháng 11/2022, các quỹ ETF như Fubon hay VanEck có xu hướng tập trung mạnh vào chứng khoán Việt Nam, cho thấy sự hấp dẫn của thị trường. Đến nay, dù thị trường đã tăng khá cao so với đáy tháng 11/2022, nhưng họ vẫn gia tăng mua vào, chứng tỏ các quỹ này đã nhận thấy được mức định giá rẻ của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dòng tiền vào thị trường chứng khoán có thể còn được đóng góp bởi việc vay margin sẽ được kích hoạt mạnh mẽ hơn. Với lãi suất huy động đã giảm mạnh thời gian qua đưa đến kỳ vọng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ giảm trở lại trong thời gian tới, do đó nhu cầu vay margin để tăng cường đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ tăng trở lại.
Đơn cử như Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF - ETF lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang quản lý 810 triệu USD tài sản, tương đương 19.000 tỷ đồng, đã liên tục mua ròng cổ phiếu Việt, với lượng tiền vừa huy động được từ đợt gọi vốn thứ 5. Cụ thể, quỹ này đã huy động thêm hơn 1.300 tỷ đồng trong hai tuần qua và giải ngân gần như toàn bộ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thống kê cũng cho thấy, sau khi bán ròng 970 tỷ đồng trong tháng 2, các nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng 2.788 tỷ trong tháng 3 tại HoSE. Còn tại HNX, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn kiên nhẫn với vị thế mua ròng từ đầu năm đến nay. Tính riêng trong tháng 3, khối ngoại đã mua ròng 325 tỷ đồng, chủ yếu vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản vốn hóa lớn.
Với lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tỷ giá ổn định, chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương nhiều nước đã đến hồi kết thúc, nhiều dự báo cho rằng NHNN sẽ duy trì chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ. Đặc biệt với rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, GDP quý I vừa qua của Việt Nam giảm bất ngờ, giới phân tích cũng cho rằng việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành có lẽ nằm trong dự liệu của NHNN.
Như Ngân hàng UOB mới đây tiếp tục cho rằng NHNN có thể giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong quý II/2023, điều này có nghĩa lãi suất tái cấp vốn có thể giảm thêm 50 điểm nữa trước thời điểm cuối quý II. NHNN có thể tiến hành thêm những đợt cắt giảm lãi suất khác một cách thận trọng và cân nhắc đến chỉ số giá cả trong nước và diễn biến tăng trưởng trên toàn cầu.