Khơi thông dòng vốn cho thị trường trái phiếu

Khánh Phương| 15/03/2023 06:00

Những khó khăn trước mắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phần nào được tháo gỡ thông qua Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ vừa được ban hành. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì để phát triển thị trường bền vững, khơi thông dòng vốn hiệu quả cho kênh đầu tư này, cần phải có những giải pháp căn cơ hơn.

Khơi thông dòng vốn cho thị trường trái phiếu

Khó khăn đã dứt?

Trong giai đoạn từ ngày 16/9/2022 - 31/1/2023, có đến 54 doanh nghiệp (DN) công bố thông tin với nội dung chậm trả gốc, trả lãi trái phiếu - theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nguyên nhân chủ yếu là do kinh doanh khó khăn, không đủ dòng tiền hoạt động. Đây là thực trạng đáng báo động, bởi vì với số tiền lãi ít mà DN còn không thể thu xếp được, liệu khi trái phiếu đến hạn phải trả tiền gốc, sẽ xoay sở ra sao?

Riêng trong năm 2023, dự kiến có hơn 285.000 tỷ đồng TPDN sẽ đáo hạn. Đặc biệt tập trung vào nhóm DN bất động sản (BĐS), khi tổng giá trị trái phiếu của nhóm này sẽ đáo hạn trong hai năm 2023 và 2024 rất lớn, khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó năm 2023 khoảng 119.000 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 111.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, thị trường nhà đất lại đang trầm lắng, nhiều DN BĐS đang tắc nghẽn dòng tiền, khi kênh tín dụng bị hạn chế, sản phẩm tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được trong bối cảnh lãi suất leo thang, phát hành trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ. 

Để tháo gỡ những khó khăn tạm thời cho thị trường TPDN, ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế theo thủ tục rút gọn, xây dựng được khuôn khổ pháp lý để xử lý vấn đề TPDN, trong đó có TPDN BĐS.

Link bài viết

Theo đó, Nghị định 08/2023 là căn cứ pháp luật để DN phát hành trái phiếu đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu (trái chủ), nhất là nhà đầu tư cá nhân về việc kéo dài kỳ hạn trả nợ của trái phiếu trong thời gian tối đa không quá hai năm. Bổ sung quan trọng nhất là cho phép DN và trái chủ thỏa thuận thực hiện phương thức "hàng đổi hàng", tức đổi trái phiếu (cả gốc và lãi) lấy tài sản khác như căn hộ, nhà phố, biệt thự, đất, cổ phần, cổ phiếu, giấy tờ có giá...

Đây được xem là động thái gỡ khó đối với nhiều DN BĐS hiện nay, vì trước khi nghị định này được ban hành, một số DN đã tìm cách thỏa thuận với trái chủ được thanh toán trái phiếu đến hạn, hoặc mua lại trước hạn bằng các sản phẩm của DN. Dù vậy, thời điểm đó vì chưa có cơ sở pháp lý nên những thỏa thuận này không thực hiện được. 

Nghị định 08/2023 quy định rõ nguyên tắc DN phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan và DN phải công bố thông tin bất thường, chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán tiền gốc và tiền lãi trái phiếu nhằm hạn chế phát sinh khiếu kiện, tranh chấp sau này.

Khơi thông dòng vốn

Nghị định 08/2023 cũng quyết định ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023 với ba quy định: quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành, quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu. Từ đó, giúp tháo gỡ vướng mắc, ách tắc về "đầu vào" của DN phát hành trái phiếu và nhất là cho "đầu ra" của thị trường trái phiếu khi tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư TPDN riêng lẻ từ nay đến hết năm 2023.

Những thay đổi quan trọng này góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt và khơi thông phần nào dòng vốn cho thị trường, khi những quy định về tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đã phần nào hạn chế dòng vốn rót vào kênh đầu tư này trong thời gian qua, thể hiện qua các đợt phát hành trái phiếu của DN những tháng gần đây sụt giảm đáng kể so với giai đoạn trước.

Về lâu dài, để tránh những hệ lụy như những gì đã xảy ra trong thời gian qua, các chuyên gia phân tích cho rằng cần siết chặt việc chào bán trái phiếu cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Các nhà đầu tư cá nhân nếu muốn đầu tư vào TPDN thì phải có những công cụ riêng, chẳng hạn một quỹ trái phiếu chỉ gồm những TPDN được xếp hạng có thể đầu tư. Sự hiện diện của quỹ này sẽ giúp những nhà đầu tư không chuyên với lượng vốn nhỏ khai thác được lợi ích, như đa dạng hóa được danh mục trái phiếu nắm giữ, ủy thác năng lực thẩm định cho chuyên viên có kiến thức của quỹ.

Bên cạnh đó, Nghị định 08/2023 tiếp tục thúc đẩy DN tăng cường phát hành trái phiếu công chúng thay vì riêng lẻ, phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm trái phiếu để giảm rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân, vì đây là bộ lọc giúp các nhà đầu tư dễ dàng nhận biết TPDN nào là tốt, DN phát hành nào lành mạnh trong kinh doanh dài hạn, minh bạch về thông tin kinh doanh. Đây là những giải pháp căn cơ, bền vững để thị trường TPDN trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn cho DN, giảm bớt sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. 

Một điểm quan trọng nữa nhằm khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư cá nhân, đó là DN phát hành cần trả nợ đúng hạn khi trái phiếu đến hạn. Theo đó, những DN phát hành có tỷ lệ nợ cao hoặc các công trình xây dựng chậm tiến độ, nếu không có sẵn dòng tiền và nguồn lực tài chính, phải chấp nhận bán tài sản bảo đảm và các tài sản khác để có tiền trả nợ, nếu sau khi đã đàm phán với trái chủ xin giãn nợ hoặc cơ cấu lại nợ, hoặc được chuyển đổi nợ thành cổ phần hoặc đổi nợ lấy sản phẩm của DN nhưng không thành công. 

Với những DN phát hành có dòng tiền mạnh, có tiềm lực tài chính có thể mua lại trái phiếu trước hạn để củng cố niềm tin của thị trường. Thực tế thời gian qua, nhiều DN đã nỗ lực mua lại trái phiếu trước hạn. Trong bối cảnh xu hướng lãi suất đi lên, việc mua lại các trái phiếu cận đáo hạn rồi phát hành thay thế lượng trái phiếu mới với kỳ hạn dài sẽ giúp DN phát hành tránh rủi ro đến từ lãi suất có thể tăng cao hơn nữa, đồng thời chủ động quản lý được cơ cấu vốn và chi phí vốn tối ưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khơi thông dòng vốn cho thị trường trái phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO