Thị trường vàng: “Tàu lượn” giá vàng và những rủi ro khó lường
Dù giá vàng thế giới biến động không quá lớn, nhưng thị trường vàng trong nước đã có những màn “nhào lộn” khó tưởng tượng được trong những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, việc đầu tư vàng tại Việt Nam sẽ luôn đối mặt với rủi ro.
Giá vàng SJC sau khi thiết lập kỷ lục mới ở vùng 80 triệu đồng/lượng đã nhanh chóng xuống vùng 72 triệu đồng/lượng, sau khi Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp hiệu quả quản lý thị trường vàng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, giá vàng trong nước lại bật tăng bất ngờ khi quay lại vùng 75 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích tài chính, với tình trạng cung cầu mất cân đối như hiện nay, thị trường vàng SJC trong nước dễ dàng bị thao túng, đó cũng là lý do mà chênh lệch giữa giá vàng thế giới quy đổi và giá vàng SJC luôn ở mức cao trong nhiều năm qua.
Giá vàng thế giới đã xô đổ mức kỷ lục 2.070 USD/ounce được lập vào tháng 8/2020 và thiết lập kỷ lục mới ở 2.135 USD/ounce vào đầu tháng 12/2023. Dự báo cho năm 2024, hầu hết các chuyên gia tài chính đều cho rằng giá vàng sẽ còn tiếp tục đi lên, khi xung đột quân sự sẽ còn kéo dài và có nguy cơ lan rộng, đặc biệt tại khu vực Trung Đông.
Theo dự báo của Công ty Tài chính J.P. Morgan, giá vàng “bứt tốc” giữa năm 2024, có thể lên 2.300 USD nhờ kỳ vọng lãi suất giảm. UBS Group AG (ngân hàng đầu tư và dịch vụ tài chính của Thụy Sĩ) thì cho rằng, giá cuối năm 2024 sẽ đạt 2.150 USD nếu các nước thực sự giảm lãi suất. Còn Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) dự báo nếu lãi suất giảm 75-100 điểm cơ bản, giá vàng năm nay sẽ tăng 4%.
Các chuyên gia của Ngân hàng ANZ dự báo giá vàng sẽ là 2.200 USD/ounce trong năm 2024. Còn quỹ WisdomTree dự báo kim loại quý này sẽ chinh phục mốc 2.300 USD/ounce”.
“Mike McGlonem - chiến lược gia hàng hóa của Bloomberg Intelligence, cho rằng, khi nền kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi, giá vàng có thể sẽ đạt mức cao mới vào năm 2024, thậm chí có khả năng đạt 3.000USD/ounce”.
Tuy nhiên, dù triển vọng giá vàng vẫn cao, nhưng việc đầu tư vàng tại Việt Nam sẽ luôn đối mặt với rủi ro. Ngoài rủi ro chênh lệch với giá vàng thế giới, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng, một rủi ro khác là người mua còn chịu chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại các đại lý kinh doanh vàng có lúc lên đến 5 triệu đồng/lượng. Do đó, nhiều người mua vàng trong thời điểm sốt giá, dù sau đó giá đi lên nhưng nếu bán vẫn có thể không đạt được điểm hòa vốn.
Việc niêm yết giá bán vàng ra cao hơn nhiều so với giá mua vào chính là cách mà các đại lý kinh doanh đẩy rủi ro về cho người mua tại các thời điểm thị trường biến động mạnh. Trong khi đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quy đổi không loại trừ khả năng thu hẹp trong thời gian tới, khi các cơ quan quản lý đang xem xét sửa đổi Nghị định 24, cũng như có thể tăng nguồn cung vàng miếng ra thị trường. Theo đó, những ai mua vàng khi chênh lệch giá mở rộng, dù sau đó giá trên thế giới đi lên nhưng chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới bị thu hẹp, rủi ro thiệt hại là điều có thể thấy trước.