Đón rồng

Tết để gần nhau hơn

Tâm An - Hồng Nga 09/02/2024 18:00

Tết là dịp để mọi người quây quần sum họp, với người xa quê, Tết còn mang lại cho họ hiểu thêm tình đồng hương, nghĩa đồng bào và để gần nhau hơn.

Julia Hoàng - Giám đốc điều hành thương hiệu thời trang Nicolás Bui

10 năm sống tại TP. Barcelona (Tây Ban Nha) là 10 năm không thể quên trong ký ức. Trong đó, mỗi cái Tết xa xứ lại để lại cho tôi những kỷ niệm bồi hồi về tình cảm của những người Việt nơi xứ người.

Những ngày Tết Nguyên đán tại Tây Ban Nha, tôi thường tổ chức cho nhân viên Việt Nam ăn Tết để họ đỡ nhớ quê. Dịp này nhân viên nước ngoài cũng được nghỉ và ăn Tết theo người Việt.

thumbnail-xuan-tr100.jpg
Cành đào và mâm cỗ bà Julia Hoàng chuẩn bị cho Tết Việt tại Tây Ban Nha

Để cho con trai hiểu cảm giác Tết Việt, tôi sắm sửa đầy đủ đồ lễ Tết bằng cách gửi từ Việt Nam qua như cành đào, bánh chưng, giò lụa, dưa hành muối… Đặc biệt, nhiều năm tôi cũng tự gói bánh chưng cho con xem để cảm nhận văn hóa Tết Việt. Giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tôi cúng giao thừa, chuẩn bị phong bao lì xì và đi lên núi hái lộc hoa đầu năm.

Những ngày Tết, tôi cùng chồng con đi thăm, gặp gỡ những người Việt Nam sinh sống tại Barcelona, đồng thời tham gia các hoạt động của Hội người Việt tại đây để cảm nhận được mùi vị Tết quê hương, điều mà bất kể người con xa nhà nào cũng nhớ nhung và mong ước.

Ngày Tết, tất cả người Việt tụ họp với nhau, ăn uống ôn kỷ niệm quê hương. Một số khác thì tham dự tiệc do Đại sứ quán tổ chức. Qua những lần như vậy, chúng tôi trở nên gắn kết với nhau hơn, coi nhau như một gia đình.

Để vơi bớt cảm giác nhớ nhà và cảm nhận được không khí Tết Việt, tôi thường gọi điện về nhà chúc Tết họ hàng, người thân. Qua Zalo, FaceTime giúp bà vẫn cảm nhận được không khí đón Tết tại Việt Nam và cũng không quên chia sẻ những hình ảnh đón Tết tại Tây Ban Nha cho mọi người cùng biết Tét ở đây như thế nào.

Sau 10 năm sống tại nước ngoài, tôi về nước và mỗi dịp Tết, tôi lại nhớ về những kỷ niệm ấm áp, thân tình và cảm nhận hơn hết tình đồng hương, tình đồng bào khi 10 năm đón Tết nơi xứ người.

Cuộc sống hôm nay tốt hơn nên Tết cũng khiến nhiều người không cảm thấy mệt mỏi về chuyện tiền nong, nhiều người không còn cảm thấy “sợ Tết” như ngày xưa nhưng Tết xưa vẫn mộc mạc và ấm áp tình thân hơn.

Tết Giáp Thìn năm nay, tôi mong cho tất cả mọi người ai đang gặp khó khăn trong công việc đều có một năm rực rỡ, vì năm qua ai ai cũng quá mệt mỏi. Tôi hy vọng, năm nay nhân sự công ty sẽ tăng gấp ba, góp phần tạo công ăn việc làm cho xã hội.

Chen Chia Ken (Jacky) - CEO Công ty Chứng khoán Phú Hưng

100-tet-gan-nhau-3.jpg

Hơn 11 năm lập nghiệp ở Việt Nam, mỗi dịp Tết đến, tôi thích quây quần bên gia đình.

Tết ở Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) tương đối giống nhau, đó là điều tôi cảm thấy may mắn vì văn hóa truyền thống châu Á dù ở đâu cũng được lưu giữ. Ở Đài Loan, chúng tôi cũng dành thời gian nghỉ Tết để quây quần bên đại gia đình, trang trí nhà cửa, cùng nhau ăn những món ăn truyền thống và chơi các trò chơi đặc trưng. Phố xá tại Đài Loan được trang hoàng sắc đỏ và người Đài Loan cũng giống như người Việt Nam, đi chùa đầu năm để cầu may.

Ngày Tết, người Đài Loan (Trung Quốc) thường diện trang phục truyền thống vào ngày đầu năm để đi chơi hoặc đi chúc Tết nhưng bây giờ thì gần như không còn cách mặc này. Ngược lại, ở Việt Nam một vài năm trước, ông thấy khá ít người mặc trang phục truyền thống nhưng vài năm gần đây, giới trẻ, kể cả nam giới có xu hướng mặc áo dài hiện đại để đón Tết.

Trải nghiệm Tết cổ truyền tại Việt Nam, có hai điều tôi cảm thấy khá thú vị, đó là sự yên tĩnh của những thành phố lớn vào dịp Tết. Ngày thường, TP.HCM - nơi được mệnh danh là thành phố không ngủ và giao thông luôn tấp nập, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trong những khung giờ cao điểm, chỉ vài ngày trước Tết, phố phường còn chật ních xe cộ nhưng đến sáng mùng một thì dường như mọi người biến mất và thành phố trở nên tĩnh lặng khó tin.

Một ấn tượng nữa của Tết cổ truyền Việt Nam là lễ hội. Cùng đón Tết Nguyên đán nhưng ở ba miền khá khác nhau, nhất là nội dung và cách tổ chức các lễ hội. Tôi khá bất ngờ vì ở Việt Nam mọi người bắt đầu mùa lễ hội từ những ngày đầu năm cho đến một tháng sau đó, các lễ hội này rất thú vị.

Trong những lần đón Tết tại Việt Nam, gia đình tôi vẫn duy trì nét văn hóa truyền thống là dọn dẹp, trang trí nhà cửa và cùng nhau ăn bữa cơm tất niên, xem pháo hoa đón giao thừa. Những ngày sau đó, tôi đưa vợ con du lịch tại một địa điểm nào đó ở Việt Nam hoặc cùng gia đình đi chơi quanh TP.HCM để làm mới tinh thần, thể chất và không quên dành thời gian nghĩ về kế hoạch kinh doanh cho công ty trong năm mới.

Trước thềm năm mới, tôi hy vọng nền kinh tế Việt Nam khởi sắc, thị trường chứng khoán Việt Nam đạt được những mục tiêu như kỳ vọng để nhà đầu tư có một năm đầu tư thắng lợi. Chúc độc giả của Doanh Nhân Sài Gòn một năm mới an khang - thịnh vượng - vạn sự khởi phát bay cao như rồng 2024.

Madame Hoàng - Giám đốc Công ty Madame Hoàng

100-tet-gan-nhau-4.jpg
Bà Madame Hoàng tại Pháp

Tôi đã sống ở nước ngoài 10 năm, trong đó đã đón 3 cái Tết Nguyên đán Việt tại Lyon (Pháp).

Những ngày Tết Nguyên đán của người Việt không phải là ngày nghỉ của người Pháp. Trước đó, người Việt và người châu Á thường tìm đến các cửa hàng bán đồ tiêu dùng châu Á để mua sắm các nguyên vật liệu, làm bánh chưng và các món ăn truyền thống dịp Tết.

Tết của người Việt tại Pháp cũng có đầy đủ mọi thứ: bánh chưng, bánh tét, hoa mai, hoa đào, đồ trang trí Tết. Nhờ vậy mà những người xa quê cảm thấy ấm lòng và thấy quê hương rất gần.

Theo chồng sang Lyon sinh sống, ngày Tết tôi vẫn được ông xã hỗ trợ sửa sang nhà cửa, bày biện đồ đạc. Ngày Tết Việt tại Pháp, tuy không nhiều hoạt động chúc tụng như tại Việt Nam nhưng là một dịp để gia đình ôn lại những giây phút ấm áp. Nhớ nhất là phút giao thừa, hầu như người Việt nào tại Pháp cũng gọi điện về cho gia đình để chúc Tết và “hưởng” chút không khí Tết quê nhà.

Vào những ngày Tết Nguyên đán tại Pháp, Đại sứ quán Pháp thường tổ chức ngày hội Tết. Trong chương trình sẽ có các tiết mục ca nhạc, hài kịch, múa, thời trang. Đặc biệt, chương trình còn có những phần tái hiện không khí Tết quê nhà như triển lãm tranh cùng các hoạt động thuần Việt như: Tô tranh Đông Hồ, làm đồ thủ công, vẽ trên nón, làm đồ chơi Việt Nam từ giấy…

Trong chương trình, những người Việt xa xứ cùng nhau giao lưu, hát múa, tạo nên một không khí vui tươi, ấm áp. Ai nấy đều cảm thấy được xích lại gần nhau hơn để cùng cảm nhận hương vị Tết cổ truyền của dân tộc, cũng như tình cảm gắn bó.

Tết của thế hệ tôi ngày xưa, cả họ hàng quây quần mổ heo, cắt tiết gà, sau đó chia cho mỗi gia đình một phần thịt heo. Có những gia đình được ưu tiên thêm phần đầu heo để làm mâm cơm cúng cuối năm. Phần nội tạng phèo, gan, tim, cật, huyết… được dùng để nấu nồi cháo, mời các gia đình ở lại chung vui. Việc chia thịt heo vì thế cũng là dịp để mọi người sum họp, quây quần ngày cuối năm, tổng kết một năm qua đi và hướng đến điều may mắn trong năm mới.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tôi sẽ cùng gia đình đi chùa, chúc Tết họ hàng, sau đó là đi du lịch và làm từ thiện. Tôi cũng mong muốn kinh tế sẽ khả quan hơn, việc kinh doanh thuận lợi hơn để mọi người không phải quá suy nghĩ về “cơm áo gạo tiền” mỗi dịp Tết đến Xuân về.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết để gần nhau hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO