Đón rồng

Năm Rồng, thăm sân Chín Rồng

Khắc Kỳ 12/02/2024 19:00

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, nhiều người đã nói nhiều chuyện về rồng, bài viết này chia sẻ về “sân Chín Rồng” hay “sân Rồng”, về tháp Hoà Bình - một ký ức đẹp trong cộng đồng những người có liên quan đến hiện tượng xã hội một thời - đạo Dừa.

Trước hết, xin lược qua về đạo Dừa. Năm 1963, kỹ sư Nguyễn Thành Nam (1910-1990) đến Cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre xây dựng chùa Nam Quốc Phật, và tại đây ông lập ra đạọ Dừa. Đạo Dừa chủ trương hòa đồng tôn giáo, tổng hợp nhiều tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, Kitô giáo.

Năm Giáp Thìn 1964 là cột mốc đánh dấu đạo Dừa được cộng đồng chú ý với một sự kiện ở Cồn Phụng xuất hiện đài Bát Quái, còn gọi là tháp Hòa Bình hay Cửu Trùng đài cao 18m chơi vơi trên không trung, giữa mênh mang nước bạc Tiền Giang.

thumbnail-xuan-tr102.jpg

Theo người sáng lập đạo Dừa, Bát Quái đài tượng trưng cho ý tưởng cao cả của đấng tu hành. Đạo là đạo pháp thất bất ly thế gian pháp, đạo phải được tìm ra ở giữa đời. Tối lên đài cao một mình tịnh thiền là đi lên, trở về tiếp xúc với nguồn sống sinh động gắn với đời để độ đời, nguyện cầu hòa bình cho quê hương.

Từ quan niệm đó, ngoài đài Bát Quái để tịnh thiền một mình về đêm, Nguyễn Thành Nam còn cho neo một chiếc ghe chài và chiếc thuyền bát nhã ở hai bên cột đài Bát Quái, hơi lui về phía sau, ngày ngày ông ngồi tiếp khách. Ông cho rằng đây là đời sống toàn diện thâu hóa, hòa hợp giữa âm dương. Phía trước mũi ghe chài, đối diện với lái ghe là chỗ “Ông Đạo Dừa” ngồi, bên cạnh một lầu chuông với một đại hồng chung, ngày đêm có tiếng chuông cầu nguyện hòa bình, phong điều võ thuận, quốc thới dân an.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từ lời cầu nguyện hòa bình, khuyến cáo xóa bỏ hận thù của Ông Đạo Dừa đã viết nên một quyển sách về giáo dục đạo đức cho trẻ em. Giáo sư Shimizu Masaaki - Đại học Osaka, Nhật Bản rất ngưỡng mộ vả đánh giá cao Ông Đạo Dừa ở tấm lòng yêu chuộng hòa bình.

Trong đêm thanh hay khi chiều vắng, tiếng chuông âm vang lan tỏa trên mặt sông Tiền rộng lớn có sức thẩm thấu vào lòng người. Vùng sông nước đặc biệt này đã làm cho thiền sư Thích Nhất Hạnh 60 năm trước, khi qua phà Rạch Miễu, ngước mắt nhìn lên trời xanh, trông xuống dòng sông chập chùng sóng vỗ mà cảm thán: “Tôi ra đứng trước mũi thuyền, nhìn con thuyền rẽ sóng tiến tới và mê say ngắm dòng sông đang cuồn cuộn chảy một cách oai hùng. Sông cũng oai hùng như núi, mà hiếu động hơn núi. Nước sông đỏ quá, phù sa nhiều quá. Bến Tre! Bến Tre! Ấn tượng con sông cuồn cuộn trong mùa nước lên vẫn còn sâu đậm trong tâm hồn tôi”. Thế mới thấy sự tài tình của ý tưởng thiết kế Cửu Trùng đài gắn kết sông nước hữu tình mà các nhà làm du lịch ngày nay cần học tập khi tạo ra sản phẩm giữ chân du khách.

Lâu nay người ta nhìn từ xa về cồn Phụng, chỉ thấy chiều cao Bát Quái đài, chưa quan tâm đến sân Rồng - nền tảng của ngôi tháp này. Với tầm nhìn của một trí thức Tây học lúc bấy giờ, kỹ sư Nguyễn Thành Nam đưa ra ý tưởng kiến trúc kết hợp cảnh quan khi xây dựng Cửu Trùng đài không chỉ có sự hỗn dung của đạo Dừa, mà còn thể hiện tư duy của một nhà thiết kế biết khai thác văn hóa Á Đông liên quan đến linh vật rồng.

Sân Rồng là nơi hành lễ của tín đồ đạo Dừa ngày trước. Xung quanh sân Rồng có cổng chào, lối đi, những chiếc tháp cao, mô hình núi, hang động. Ngày nay, sân Rồng là một điểm nhấn của Khu Du lịch Cồn Phụng.

Cách nay hơn nửa thế kỷ, trên Cồn Phụng có “xóm trường chay”. Theo khuyến cáo của Ông Đạo Dừa, cộng đồng trong xóm quanh năm chỉ ăn chay. Mỗi khi Tết đến là cả xóm chúc nhau những điều may mắn, gia tăng tình cảm gắn kết anh em, họ hàng. Tiền lì xì được Ông Đạo Dừa khuyến cáo nên chỉ là những đồng tiền nhỏ, là “tiền hên” đầu năm. Lì xì từ đó trở thành phong tục không thể thiếu trong ngày Tết ở cồn Phụng. Dù có nhiều “dị bản”, phong tục lì xì đầu năm luôn gắn liền với mong ước sức khỏe dồi dào và cầu chúc những điều may mắn đến với người thân yêu. Bà Bảy Khải - người từng theo Ông Đạo Dừa kể: “Thời gian khó, cái bao lì xì càng gắn kết mọi người với nhau, là lúc được thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào một năm mới an lành”.

Sân Chín Rồng nằm ở trung tâm Cồn Phụng, đó là 9 rồng vàng uốn khúc áp vào 9 trụ hoa sen màu đỏ cao 6,5m gồm một trụ trung tâm và 8 trụ xung quanh hợp thành 8 cửa cột bát quái trận đồ nằm trong lưỡng nghi âm dương của vòng thái cực. Trên đầu những cột rồng gắn bóng đèn thắp sáng vào ban đêm. Cột chính giữa sân Rồng có bảo tượng Phật Di Lặc đứng trên quả địa cầu.

Ngày nay, đạo Dừa chỉ còn trong ký ức. Cách đón Tết nay và Tết xưa của người Việt đã ít nhiều thay đổi, nhưng chuyện lì xì theo khuyến cáo của Ông Đạo Dừa vẫn là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong ngày Tết của người dân xứ dừa...

Ngoài sân Rồng, hiện nay Khu Du lịch Cồn Phụng còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc của đạo Dừa, như Cửu Trùng đài có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp hình rồng, phụng được gắn mảnh vỡ bát đĩa.

Hằng năm, Cồn Phụng đón một lượng lớn du khách đến tham quan công trình kiến trúc một thời của đạo Dừa và vẻ đẹp của vùng sông nước Cửu Long. Huyền thoại về Ông Đạo Dừa cũng là một di sản góp phần làm phong phú văn hóa Tết Rồng của người Việt...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm Rồng, thăm sân Chín Rồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO