Đón rồng

Chuyện trò với họa sỹ vẽ tranh Bác Hồ nhiều nhất

Quế Lâm 13/02/2024 20:00

Từ người lính bộ đội cụ Hồ trở về cuộc sống đời thường, Đoàn Việt Tiến “bỗng dưng” trở thành họa sỹ vẽ tranh ngược trên kính bằng mười đầu ngón tay và được xem là người vẽ tranh về Bác Hồ nhiều nhất. Ông đã 2 lần được công nhận kỷ lục thế giới.

Những ngày cuối năm, tôi đến nhà anh. Anh đang có khách mến mộ từ quê Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm. Anh mời tôi nhập cuộc bên ấm trà chiều. Tôi tranh thủ hỏi anh đôi điều…

96-ve-tranh-2.jpg

Cuộc chuyện trò bắt đầu từ cơ duyên anh trở thành họa sỹ.

Tôi đi lính về, sức khỏe yếu nên chọn kế sinh nhai là vẽ tranh - nghề yêu thích từ nhỏ. Tôi đi hết các tỉnh miền Tây, chuyên ngồi vẽ trong chợ vì miền quê tan chợ là hết người. Mới đầu người khen tôi vẽ thì ít mà chê thì nhiều. Người thì chê vẽ mắt lé, người thì chê vẽ môi trề, mũi vẹo. Luyện riết cũng quen tay. Rồi sau cũng có người mời về nhà vẽ. Mới đầu là vẽ chân dung cho các ông bà già. Có lúc là vẽ theo lời kể. Cái mắt, cái mũi sao sao thì tự mường tượng ra mà vẽ. Tính thời gian hơn chục năm tôi đi và vẽ dạo ở các tỉnh miền Nam có thể lên cả chục ngàn bức. Cỡ đó vì tôi vẽ chút xíu, chỉ mười lăm hai chục phút là xong bức vẽ cho người ta.

Hồi tôi đi vẽ dạo, chân dung thì vẽ trên giấy và trên lụa. Đến năm 1989, một hôm theo cha phụ làm vườn, bỗng thấy cuối vườn có một tấm kính thủy tinh lấp lánh ánh mặt trời, thấy đẹp quá nên đem về để vẽ chân dung. Nhưng miếng kính trơn, ít ăn màu từ bút lông. Tôi dùng ngón tay chà chà chữa những vệt màu trên kính và lật ngược ra xem thì thấy màu nó mịn. Thế là tôi nảy ra cách vẽ chân dung bằng ngón tay lên kính, vẽ ngược. Thế là tranh chân dung mình vẽ ở dạng khác thường.

96-ve-tranh-3.jpg

* Vì sao anh vẽ rất nhiều tranh về Bác Hồ?

- Từ 7, 8 tuổi tôi đã tập tành vẽ ký họa về Bác Hồ. Khi đi học, tôi vẽ Bác cho lớp, vào bộ đội thì vẽ Bác cho nhiều đơn vị, đặc biệt là bức Bác Hồ vẫy chào đoàn quân. Rồi tôi tập vẽ Bác bằng 10 ngón tay trên kính, thấy đẹp lung linh, ánh sáng rọi vào thì như người thật. Luyện mãi, 10 đầu ngón tay tôi như mười cây cọ, tay này vẽ thì tay kia lấy màu. Lòng tay đựng màu, ngón tay là cọ. Mấy người bạn, nhất là bạn thời bộ đội lâu lâu ghé thăm thấy tôi thiếu kính vẽ nên đem cho nhiều kính bể. Cho kính đã mê, cho quần áo cũ càng mê hơn vì do vẽ nhiều, quần áo tôi dính sơn tùm lum. Kính bể mà bạn bè cho, tôi cắt ra vẽ thành tác phẩm, tặng họ.

Tôi thành công một phần là do bác tôi, nhà văn Đoàn Giỏi chỉ dạy. Sau ngày hòa bình, bác Giỏi hay về quê, tôi đến chơi với bác và bác chỉ dạy thêm cho tôi vẽ. Do hồi xưa bác Giỏi có nhiều dịp gặp Bác Hồ nên bác chỉ tôi là khi vẽ thì chú ý nhất đến đôi mắt và vầng trán mới mô tả được thần thái của Bác Hồ. Bác Đoàn Giỏi động viên tôi cố gắng để lại cho đời những tác phẩm đẹp.

Còn một chuyện khác, lúc ở Bến Tre tôi hay vẽ Bác Hồ nên nhiều người biết đến. Rồi một hôm, các anh chị ở Bảo tàng Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP.HCM) và ở Sở Văn hóa - Thể Thao Thành phố xuống thăm, mời lên vẽ Bác Hồ. Được các anh chị ở Bảo tàng “chăm sóc tử tế” trong 100 ngày, tôi vẽ được 30 bức về Bác, được Bảo tàng trưng bày trong dịp chào mừng ngày thành lập Đảng 3/2. Hôm khai trương có ông Nông Đức Mạnh và ông Nguyễn Minh Triết. Lúc đó tôi là họa sỹ miệt vườn nên thấy quan chức lớn đến là… rất lạ. Sau đó thì nhiều bảo tàng và di tích các tỉnh mời vẽ. Quý nhất là được mời vẽ Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Bức tranh ấy rất lớn, tôi phải ăn chay cho thanh tịnh để vẽ.

96-ve-tranh-4.jpg

* Bước ngoặt nào trong nghệ thuật vẽ tranh kính ngược mà anh không quên?

- Năm 2003, Quân khu 9 mời tôi về vẽ chủ đề người lính Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng không thành, do tôi bị phát bệnh, chứng bệnh rối loạn cảm xúc làm tôi nấc liên tục. Ăn ngủ khó khăn lắm. Tôi phải quay về Bến Tre, chứ ở đất khách ai lo cho. Về có mẹ chăm nom tận tình nhưng cũng khó hết bệnh vì tôi bị cả sốt rét nữa. Để chống lại bệnh tật, phục hồi sức khỏe, tôi chọn khí công để rèn luyện, cũng là rèn luyện ý chí nữa. Rồi tôi tiếp tục quay lại nghề vẽ. Tốc độ vẽ của cả hai tay ngày càng nhanh hơn. Vẽ nhanh quá nên đạt kỷ lục, có lần vẽ 12 bức chỉ 6 phút. Rồi vẽ hai tay hai bức, được nhiều người tán thưởng. Tôi càng đi sâu vào “tâm pháp họa”, tức là vẽ theo cảm xúc của tâm thức. Tôi vẽ đủ thể loại, từ tranh trừu tượng đến tranh tả thực đến tranh tĩnh vật cây trái quê hương gần gũi hồi nhỏ.

* Tranh của anh ra nước ngoài như một hình thức kinh doanh văn hóa, phải không?

- Tranh tôi đi nước ngoài thứ nhất là do tôi được mời đi biểu diễn vẽ tranh. Ví dụ tôi được mời đi Ba Lan vẽ biểu diễn. Nhiều người Ba Lan chơi tranh và thích tranh tôi nên mua hết. Thứ hai là vẽ cho các nguyên thủ quốc gia, danh nhân, chính khách do các cơ quan Nhà nước mời. Ví dụ Hội nghị Mỹ - Triều ở Hà Nội, tôi được mời vẽ cho Tổng thống Donald Trump để Nhà nước làm quà. Đó là cơ duyên là vinh dự của mình mà không bao giờ mình nghĩ tới. Và nhiều nguyên thủ quốc gia khác lần lượt tôi được lãnh đạo Đảng và Nhà nước mời vẽ. Có lẽ lối vẽ của tôi quá đặc thù mà nước ngoài không có. Kỷ niệm khó quên nhất là tôi vẽ Chủ tịch Fidel Castro trong trang phục người lính. Tôi có sự đồng cảm và biết ơn vì ông đã sát cánh cùng dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ. Hình như ông thích bức tranh kính của tôi nên tặng tôi một chiếc áo, một hộp cigar và hai chai rượu khử độc. Tôi không hiểu sao là “khử độc” chỉ được giải thích là rượu của nguyên thủ quốc gia thì luôn được khử độc. Sự khen ngợi của Fidel càng kích hoạt tinh thần của mình. Sau này nhiều người nước ngoài biết, tới đặt tôi vẽ chân dung trên kính, như một tỉ phú Israel đặt vẽ về huyền thoại Eli Cohen để trưng bày tại một bảo tàng ở Israel. Hay chân dung ông Hermann Gmeiner - người sáng lập Làng trẻ em SOS, được trưng trong bảo tàng ở Áo. Tôi vẽ hai Tổng thống Nga và hai bức tranh ấy được treo trong Điện Kremlin. Nghĩ cũng hay, ngày trước mình ở miệt vườn, đêm đêm ngồi luyện vẽ, xung quanh là những con đom đóm bay, mình nghĩ mình cũng chỉ là một trong những con đom đóm bay trong cô độc. May mắn có ánh đèn dầu mẹ rọi cho mình vẽ trong mảnh vườn nhỏ nhoi đó, sau lưng là dòng sông Ba Lai, không nghĩ tranh của mình xuôi theo kinh rạch ra sông lớn rồi vượt đại dương đến nhiều nơi trên thế giới. Nhiều khi tôi tưởng đó là một giấc mơ.

* Tôi biết anh làm từ thiện… bằng tranh

- Tôi thường lang thang đây đó để vẽ nên trải nghiệm nhiều, gặp nhiều người nghèo hơn mình ngày trước, từ đó đồng cảm và muốn chia sẻ với họ. Vì thế, nếu tôi bán được tranh tại chỗ thì tặng hết tiến cho người nghèo. Tôi phải vẽ cái này vẽ cái kia chỉ mong sao kiếm tiền cất cho họ một cái nhà nhỏ. Chỉ cần nhìn ánh mắt con trẻ hay người già vui mừng khi được tặng quà là tôi hạnh phúc. Sau này tôi được mời đi vẽ biểu diễn, đấu giá tranh, tôi luôn đóng góp số tiền có được cho những chương trình an sinh xã hội, cho những học sinh, sinh viên nghèo và người già cô đơnt. Thông qua đó tôi luôn gửi gắm vào tranh những yêu thương và sẻ chia. Những tác phẩm của tôi dường như cũng muốn truyền cảm hứng yêu thương cho người thưởng lãm.

96-ve-tranh-1.jpg
Một số tác phẩm của họa sỹ Đoàn Việt Tiến

* Báo chí viết nhiều về các kỷ lục của anh nhưng chưa lần nào anh nhắc đến bóng dáng một phụ nữ, ngoài người mẹ…

- Năm 2009, tôi trọ ở TP.HCM để vẽ thì phát bệnh. May có một cô hàng xóm nấu giúp cơm. Cổ phát hiện hai bàn chân tôi lạnh như nước đá, nên điện cho người cháu bà con đến phụ chăm tôi. Như một duyên may, khi cô cháu đến, cổ kêu vịn giữ hai bàn chân cho tôi. Không biết có phải nhân điện không mà trong tay cô cháu gái thì chân tôi dần ấm lên và tôi cũng tỉnh lại. Hỏi thì mới biết ở nhà cô tên Thảo, 20 tuổi, nên thấy chênh lệch tuổi tác nhiều, tôi không cảm nghĩ gì. Sau đợt đó, Thảo hay gọi điện thăm mà càng gọi thì càng có cảm tình với nhau. Cái duyên vợ chồng đến từ đó. Mấy tháng sau thì cả hai quyết xây tổ ấm. Nói tổ ấm chứ là chiếc giường hẹp trong cái phòng nhỏ xíu, tối đến chuột chạy lung tung. Sống như vậy 4 năm. Thảo đã phải vất vả với tôi rất nhiều. Có vợ chăm, tôi càng nỗ lực vẽ kiếm tiền xây nhà.

* Rất cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện trò với họa sỹ vẽ tranh Bác Hồ nhiều nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO