Đón rồng

Gốm miền Trung: Còn lại chút này

Danh Văn 15/02/2024 18:00

Gốm sứ là một hợp phần không thể thiếu trong văn hóa Việt. Nghệ thuật gốm đã tồn tại hàng ngàn năm và đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang đậm tính dân gian.

Xuất phát từ đất và nước, được nung ban đầu bằng lửa từ than củi, là những nguyên liệu có sẵn tại địa phương, những đôi tay khéo léo và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của các nghệ nhân đã sáng tạo ra đủ các loại đồ gốm gắn bó mật thiết với đời sống, sinh hoạt của người dân, từ tô, chậu, chén, dĩa, bình hoa cho đến tranh tượng, vật trang trí, quà lưu niệm… Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, gốm Việt luôn tồn tại và ghi đậm dấu ấn của văn hoá dân tộc.

106-gom-4.jpg

Từ Bắc vào Nam, một số làng nghề gốm sứ nổi tiếng đã tồn tại suốt hàng trăm năm nay, như: Thổ Hà, Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Đông Triều, Phước Tích, Thanh Hà, Bàu Trúc, Biên Hòa, Chánh Nghĩa, Tân Phước Khánh, Vĩnh Long, Cây Mai, Lái Thiêu. Ở mỗi nơi, nghề gốm được hình thành và phát triển với những đặc trưng riêng về kỹ thuật tạo hình, mẫu mã nhưng nhìn chung vẫn giữ được những nét truyền thống của nghệ thuật gốm. Có những làng gốm hưng thịnh một thời rồi lụi tàn, hoặc hồi sinh trở lại.

Hiện nay, suốt một dải đất miền Trung, từ Thanh Hóa, Nghệ An vào đến Bình Thuận, hầu như chỉ còn lại ba làng gốm nổi tiếng một thời, nhưng mức độ hưng thịnh khác nhau. Như một sự tình cờ thú vị, trong năm qua, người viết có dịp đến thăm cả ba làng gốm này trong nỗi buồn vui lẫn lộn.

Gốm Phước Tích có hồi sinh?

106-gom-1.jpg

Tháng hai, Huế đột nhiên có một đợt mưa, kéo theo cái lạnh cắt da. Bầu trời ảm đạm làm không gian làng cổ Phước Tích bên bờ sông Ô Lâu cách Huế khoảng 40km, trầm lặng và ảm đạm theo. Không thấy lò gốm nào còn nổi lửa. Những nghệ nhân một thời thảnh thơi uống trà, ngắm mưa rơi. Ít ai nghĩ đây từng là một trung tâm sản xuất, buôn bán đồ gốm có tiếng được hình thành từ năm 1470 và trải qua nhiều thế kỷ thịnh đạt.

Là một trong bốn ngôi làng cổ của Việt Nam được công nhận là di tích quốc gia, làng Phước Tích với quần thể nhà rường, đình, chùa, miếu, nhà thờ, lò gốm, di tích văn hóa Chăm Pa, đang phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Có sẵn nguyên liệu là loại đất sét màu xám đen, rất dẻo và kết dính, Phước Tích từng có mấy chục lò gốm không bao giờ tắt lửa thời cực thịnh vào thế kỷ XVII - XVIII. Sản phẩm thủ công tinh xảo ở đây như lu, chậu, nồi đất, niêu, ấm, tộ, bình vôi, chum, ghè, thống, siêu thuốc… đã xuất phát từ 12 bến nước quanh làng, theo ghe hàng đến khắp các tỉnh miền Trung, vào tiến cung trong kinh thành Huế.

Tuy nhiên, sản phẩm với phương thức sản xuất thủ công truyền thống của làng gốm Phước Tích đã không theo kịp sự đổi thay thị hiếu của người dùng hiện đại. Các mặt hàng gia dụng bằng nhôm, nhựa, melamine đã dần đẩy đồ gốm Phước Tích ra khỏi quầy kệ bán hàng. Thị trường ngày càng teo lại đã khiến nhiều người thuộc thế hệ trẻ Phước Tích đổi nghề mưu sinh.

Nhưng đã có lúc, những dấu hiệu hồi sinh từ sự suy tàn của một làng gốm có bề dày 500 năm bắt đầu xuất hiện.

Để bảo tồn và phát huy giá trị làng gốm cổ, cần thu hút du khách đến tham quan Phước Tích và mua sắm đồ gốm thủ công lưu niệm. Giải pháp này đã được tính đến, nhưng kết quả có vẻ còn chưa được như mong muốn. Du khách đến Huế thăm đại nội, lăng tẩm, chùa chiền, nhà vườn, ít người quan tâm đến làng cổ cách đó mấy chục km. Không thấy cửa hàng nào bày bán hay giới thiệu đồ gốm Phước Tích ở nội đô. Thực ra, Phước Tích có một Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương mới mở cửa vào tháng 12/2021, công trình tâm huyết của GS. Thái Kim Lan - một người con xứ Huế xa xứ lâu năm. Bảo tàng này đang trưng bày hơn 5.000 hiện vật gốm cổ Phước Tích có niên đại hơn 300 năm. Bên cạnh một bảo tàng lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của quá khứ như vậy, nếu có một “bảo tàng sống” thể hiện những giá trị hiện tại sinh động thì càng quý.

Người Phước Tích cũng hiểu cần phải có sự đổi thay từ loại hình sản phẩm đến công nghệ nếu muốn duy trì làng gốm. Một nghệ nhân lớn tuổi cho biết, thợ gốm trẻ ở đây cũng chịu khó học hỏi kỹ thuật làm gốm mỹ nghệ, nhưng vẫn còn hạn chế về sáng tạo mẫu mã sao cho thoát khỏi cái cũ nhưng vẫn giữ được nét riêng. Tôi đưa ông coi hình chụp trong điện thoại những đôi guốc truyền thống xinh xắn bằng gốm nhỏ xíu lọt thỏm trong lòng bàn tay, giá chỉ 1 đến 2 euro, bán rất chạy cho du khách đến Hà Lan mua làm quà tặng, như một bằng chứng về sự cần thiết phải cách tân tư duy làm gốm. Không hiểu ông đang nghĩ gì, chỉ nhẹ thở dài.

Gốm Thanh Hà “ăn theo” di sản

106-gom-2.jpg

Tháng mười, Hội An mát mẻ nhờ gió biển và những cơn mưa bất chợt vào chiều tối. Lần này, nhờ anh bạn người địa phương hướng dẫn, tôi và một giáo sư đồng nghiệp nước ngoài không chỉ dạo chơi phố cổ mà còn được ngồi thuyền thúng loanh quanh trong một khu du lịch sinh thái, tham quan làng mộc truyền thống Kim Bồng và làng gốm nức tiếng Thanh Hà cạnh dòng sông Thu Bồn hiền hòa, thơ mộng.

Làng Thanh Hà yên bình nhưng không im vắng. Những đoàn khách nước ngoài đi lại khá đông. Đường sá, nhà cửa ở đây khang trang, ngăn nắp, sạch sẽ. Xen giữa mấy ngôi nhà mới xây là những không gian nho nhỏ trưng bày đồ gốm, vẫn thấy vài cụ ông ngồi ung dung nắn nót gốm mộc giữa sân những ngôi nhà có tuổi hơn trăm năm, như không cần biết thời gian đang trôi. Gốm sứ Thanh Hà đặc biệt và nổi tiếng vì được làm từ loại đất sét có màu nâu sáng, kết cấu đặc, dẻo và độ kết dính cao, tạo nên sản phẩm như đèn, tranh, tượng trang trí có màu sắc chủ đạo là vàng, nâu và đỏ thẫm rất đẹp và sang trọng. Làng còn làm ra ngói cong, gạch đỏ cung cấp cho những ngôi nhà cổ ở Hội An và khu vực lân cận.

Làng gốm Thanh Hà từng phát triển rực rỡ từ thế kỷ XVII. Khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân làng gốm này được gọi ra Huế, sung vào đội thợ lành nghề xây dựng đại nội. Những sản phẩm từ đất nung bền đẹp của làng được triều đình đưa vào danh sách “Thổ sản quốc gia”. Sau đó, những biến động của thời gian và lịch sử làm cho làng nghề truyền thống này có lúc tưởng chừng rơi vào quên lãng. May mắn là từ khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, làng gốm Thanh Hà đã hồi sinh. Hiện nay, cả làng có 8 lò gốm và khoảng 35 nghệ nhân chuyên nghiệp, trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ghé vào một khu trưng bày đồ gốm gia đình cạnh bến đò làng Thanh Hà, tôi không cưỡng được lời mời ngồi vào bàn xoay của mẹ con chủ nhà. Trong lúc bàn chân của cô bé đặt lên, thả xuống nhẹ nhàng, khẻ khàng đều đặn trên bàn xoay đang quay tít, hai bàn tay tài hoa và khéo léo của bà mẹ nghệ nhân nâng đỡ giúp hai bàn tay lóng ngóng của tôi chuốt gốm. Từ khối đất màu nâu sáng mềm mại và dẻo ướt, một cái bình nhỏ dần hiện ra, dần tròn trĩnh và láng mượt, như một “tác phẩm” đang tự thoát ra khỏi “vỏ kén” để chào đời.

Tôi cám ơn bà chủ nghệ nhân bằng cách chọn mua một bộ tách và phin pha cà phê bằng gốm tráng men trắng, được trang trí hoa văn xanh tinh xảo, giá chỉ bằng một phần ba so với bộ sản phẩm cùng loại của gốm Bát Tràng được bày bán trong một gian hàng phố cổ. Biết ông giáo sư đồng nghiệp nước ngoài rất thích uống cà phê phin kiểu Việt, tôi tặng ông bộ sản phẩm này làm kỷ niệm. Ông rất vui, cám ơn và bảo sẽ đem về khoe với bạn bè một sản phẩm rất đẹp của một làng gốm truyền thống Việt Nam.

Gốm Bàu Trúc được vinh danh

106-gom-3.jpg

Tháng sáu, thời tiết Ninh Thuận nóng như thiêu đốt. Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 đã diễn ra trang trọng tại Quảng trường 16/4, TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Chỉ một vài nghệ nhân làm gốm ở Bàu Trúc, đúng ra là những nhân vật trung tâm của sự kiện, nhận được giấy mời tham dự.

Cách đó khoảng 10km về phía Nam, những nghệ nhân “vô danh” là phụ nữ Chăm truyền thống của làn vẫn tiếp tục công việc thường ngày, sử dụng đôi tay và kỹ thuật nặn gốm khéo léo, tạo nên những đồ gốm tinh xảo, mang đậm nét văn hóa Chăm, không giống với gốm sứ ở bất kỳ nơi nào khác.

Bàu Trúc thuộc làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Trải qua bao thăng trầm, ngôi làng này vẫn ẩn mình bình yên trong lòng cộng đồng người Chăm, giữ nguyên phương thức sản xuất gốm cổ truyền và ẩn chứa nhiều giá trị văn hoá của dân tộc Chăm. Điểm đặc biệt của làng gốm này là đồ gốm hoàn toàn được tạo tác bằng tay, không phủ men, hoa văn trang trí trên gốm là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn thực vật, có cả hoa văn móng tay trên vai, cổ gốm mộc mạc, gần gũi. Sản phẩm không nung trong lò mà nung ngoài trời, đốt bằng củi và phủ thêm rơm, tạo nên những vết màu loang đặc sắc và không đồng nhất trên từng sản phẩm. Một anh bạn giảng viên của tôi đã giới thiệu với sinh viên được dẫn đi tham quan kiến tập là bất cứ loại gốm nào ở đây cũng là hàng thủ công độc bản, vì không có cái nào hoàn toàn giống cái nào.

Hôm tôi đến Bàu Trúc, vẫn chỉ khu nhà trưng bày sản phẩm của hai vợ chồng anh chị người Chăm tọa lạc cạnh nhà cộng đồng, giữa trung tâm của làng, là có khách tham quan. Những cơ sở xung quanh có quy mô nhỏ hơn, ít sản phẩm trưng bày hơn, đều vắng vẻ. Đồ gốm ở đây rất nhiều và đa dạng, nhưng khách ít mua hơn những loại nông sản, hàng lụa và đồ thủ công bán kèm. Đó cũng là ngày đưa tang cụ bà nghệ nhân 89 tuổi mới gặp tôi năm ngoái, chụp chung tấm ảnh kỷ niệm ngay tại chỗ này.

Điều đáng mừng là trong số những thợ gốm đang vừa làm vừa biểu diễn tại chỗ, có những bạn còn rất trẻ. Bà chủ nhà trưng bày cho biết, hai cô con gái của bà, một đang làm việc ở Nhật, một đang là sinh viên tại TP.HCM, không ai có ý định nối nghiệp gia đình. Đi lòng vòng một lúc, tôi ghé một khu trưng bày nhỏ vắng vẻ bên kia đường, mua một chậu hoa làm kỷ niệm chỉ với giá 50 nghìn đồng, tự trào như là một cách đóng góp cho “di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại”.

106-gom-5.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gốm miền Trung: Còn lại chút này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO