Kinh doanh

Trăn trở với ngành xuất khẩu trái cây

Nguyễn Đình Tùng (*) 07/02/2024 16:00

Trong hơn 10 năm tâm huyết với ngành nông sản, tôi đã trải nghiệm nhiều thăng trầm cùng với trái cây Việt. Từ đó tôi càng thấy nông sản nước mình còn nhiều tiềm năng để vươn xa trên thị trường thế giới một khi đảm bảo được chất lượng và xây dựng được niềm tin từ đối tác…

66431133724dd813815c.jpg

Năm 2017, khi mang trái dừa đi chào hàng tại Mỹ, nhiều đối tác chê dừa Việt Nam nhạt, không ngọt. Điều đó khiến tôi băn khoăn bởi đã dùng trái dừa tươi Bến Tre và thấy rất ngọt, rất thanh, đù sức cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường nhiều nước. Sau này tôi được biết, một số doanh nghiệp cạnh tranh bằng giá chứ không phải chào bán trái dừa ngon nhất của Việt Nam. Việc chào hàng bằng những sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ không giúp phát triển thị trường cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt, trái ngược hoàn toàn với cách làm của một số quốc gia như Mỹ hay New Zealand khi xây dựng thương hiệu cho trái táo, trái cherry, Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân cùng bắt tay làm. Theo đó, họ chọn những trái ngon nhất, thượng hạng nhất dành cho xuất khẩu, loại hai mới dành cho tiêu thụ trong nước và dưới nữa mới dành cho chế biến.

Nhận thấy điều đó, chúng tôi đã chọn lối đi khác, thực hiện đúng phương châm “Thành công đến từ chất lượng”. Vina T&T Group đã mang những trái dừa ngon nhất - dừa xiêm Bến Tre để xuất khẩu và đến nay đã chia lại thị phần với dừa Thái Lan trên ở Mỹ.

Bên cạnh trái cây là sản phẩm chủ lực, chúng tôi cũng đã xuất khẩu các nông sản cao cấp khác như Gạo ST25 và hiện đang là nhà phân phối độc quyền hai thương hiệu nước mắm truyền thống nổi tiếng tại Phú Quốc.

Đã có nhiều bài học qua các sản phẩm đặc sản này. Như cuối năm 2019, Cuộc thi World's Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới) do The Rice Trader World (Tổ chức Thương mại gạo Quốc tế) tổ chức tại Manila - Philippines, gạo ST25 đoạt giải nhất, Vina T&T Group đã mang container đầu tiên đi chào hàng tại Mỹ bằng cách phát miễn phí cho người dùng ở các điểm tập trung đông người. Sau đó, khách hàng bắt đầu hỏi mua ngày càng nhiều. Đến container thứ hai, thứ ba, nhiều thông tin nhiễu loạn xuất hiện khi nói gạo ST25 không đủ sản lượng để xuất khẩu, gạo bán ra nước ngoài là gạo giả, trong khi thông tin chính thống và sự vào cuộc của Nhà nước chưa đủ mạnh để cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho loại gạo được công nhận là số 1 thế giới. Điều ấy hoàn toàn khác hẳn so với đất nước Thái Lan, khi gạo Thái Lan đoạt giải ngon nhất thế giới, vua Thái Lan đã đích thân quảng bá, kêu gọi sử dụng và tuyên bố sẽ cung cấp khắp thế giới sản phẩm này.

Cuối tháng 11 đầu tháng 12/2023, cũng tại Manila, một lần nữa ST25 lại đứng nhất cuộc thi nói trên. Hy vọng rằng lần này, Việt Nam sẽ đồng lòng để tận dụng tốt cơ hội quý giá này để xây dựng vùng trồng lúa đủ sản lượng đáp ứng đơn hàng tiềm năng với chất lượng tốt và đồng đều.

a5c0ef298f5725097c46.jpg

Năm 2023 không thể không kể đến trái sầu riêng đã góp phần lớn trong sự tăng trưởng của ngành rau quả với giá trị xuất khẩu tăng hơn 600% lần, góp phần quan trọng vào xuất khẩu rau củ quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với năm 2022. Nhưng việc ồ ạt xuất khẩu sầu riêng cũng để lại nhiều trăn trở đối với chúng tôi về “tấm hộ chiếu” mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói bời gặp quá nhiều thách thức, và là việc không hề dễ dàng với cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sản xuất cũng như thương mại khi nhu cầu tiêu thụ quá lớn, giá cả tăng theo giờ và liên tiếp lập đỉnh. Đã có hàng trăm mã cơ sở đóng gói phải thu hồi, tối thiểu 74 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được yêu cầu dừng xuất khẩu do không đáp ứng được các tiêu chí đề ra. Sản lượng tăng nhanh, giá cao dẫn đến trái sầu riêng xuất khẩu không đủ tuổi, trong ngành chúng tôi gọi là “cắt non”. Khi xuất sang nước bạn, hàng bị sượng, nhạt, phải đổ bỏ. Nhưng vấn đề không chỉ dừng ở giá sầu riêng bị giảm do chất lượng không đúng như cam kết của một vài thương nhân mà là người tiêu dùng tại thị trường tỷ dân đã hình thành nên sự phân loại về chất lượng của trái sầu riêng của Việt Nam không phải là ngon nhất, là số 1 nên không là sự lựa chọn đầu tiên khi họ muốn chi tiền. Điều này làm tôi suy nghĩ và tin rằng nhiều người làm nông nghiệp củng có những trăn trở giống tôi.

Sang thăm nước bạn Thái Lan, thấy ngành sầu riêng của họ đi trước đất nước mình gần 20 năm, những quy định xử phạt về chất lượng hàng xuất khẩu được đưa vào Luật, mã số vùng trồng đã có hơn 20.000 và kỹ thuật canh tác, thu hái đúng chuẩn là những điều mà nông dân và doanh nghiệp chúng ta cần nổ lực học hỏi.

Khi nghe tin sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập chính ngạch vào Trung Quốc, Thái Lan càng siết chặt chất lượng sầu riêng xuất khẩu, như tăng hàm lượng chất khô từ 32% lên 35%. Họ xác định được chiến lược cạnh tranh bằng chất lượng và tối ưu bằng việc xây dựng tuyến đường sắt băng qua Lào để giảm thời gian và chi phí vận chuyển. Và dự kiến, đầu năm 2024, Malaysia sẽ xuất khẩu sầu riêng tươi vào Trung Quốc thay vì sản phẩm truyền thống là sầu riêng Musang King đông lạnh.

Thị trường sầu riêng, trái cây hay nông sản nói chung sẽ ngày càng “đông vui” với nhiều đơn vị gia nhập thị trường, nhưng tôi luôn tin thành công đến từ chất lượng là sự thành công bền vững trong bất kỳ thị trường nào hay sản phẩm nào, và chắc chắn là sẽ cần nhiều nỗ lực để đảm bảo chất lượng và xây dựng được niềm tin từ đối tác.

(*) Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vina T&T Group

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trăn trở với ngành xuất khẩu trái cây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO