Thanh Long Việt tại siêu thị ở Nhật Bản (Nguồn ảnh: TTXVN) |
Yếu thế trên thị trường thế giới
Theo TS. Phan Thị Trà My - Chủ tịch Hội DN Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này còn nhiều nhược điểm, như chưa có thương hiệu nên chỉ được bán với giá trị thấp. Chẳng hạn sầu riêng của Malaysia mang thương hiệu Musang King được bán giá 1.000 NDT/trái, trong khi sầu riêng của Việt Nam có giá thấp hơn 10 lần. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu thô nên giá trị phụ trội thấp, lại thiếu chuỗi cung ứng nên khi gia nhập thị trường toàn cầu khó cạnh tranh với hàng các nước.
Hàng Việt Nam vẫn chưa tiếp cận sâu rộng được thị trường Mỹ, theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - là do gặp phải đối thủ cạnh tranh lớn là hàng Trung Quốc, Mexico có hệ thống phân phối rộng khắp, giá cả cạnh tranh. Đặc biệt, việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ kéo dài bằng đường biển, trái cây dễ hỏng, hao hụt. Nếu vận chuyển bằng đường hàng không thì giá cước cao gấp nhiều lần giá thành sản phẩm.
Trong khi đó, ông Danny Võ Thành Đăng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt tại nước ngoài chỉ ra nhiều nguyên nhân bất lợi khác khiến hàng Việt Nam khó chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, như chất lượng chưa đảm bảo và đồng nhất, thanh toán thường bị hủy phút chót vì không thỏa thuận được phương án thanh toán.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Để đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hội DN Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến hàng Việt, như tham gia, đồng tổ chức trên 100 hội nghị, triển lãm hàng hóa, tự chủ kinh phí xây dựng showroom gian hàng quốc gia Việt Nam, hỗ trợ 500 dòng sản phẩm đang giới thiệu muốn bán vào Trung Quốc theo Đề án 1797 của Chính phủ “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020-2024”.
Hội DN Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cũng tổ chức “Diễn đàn thương mại đầu tư Việt Nam - Thượng Hải”, tổ chức chương trình giới thiệu hàng Việt - CIIE 2022 và ký kết với 4 tập đoàn thuộc top 5 Thượng Hải, tổ chức chương trình xúc tiến thương mại cho 500 DN Việt - Trung, gặp gỡ với DN quận Minghang thúc đẩy việc mua trái cây tươi của Việt Nam, hỗ trợ DN Việt Nam gặp Tập đoàn Đông Phương có quy mô lớn nhất Thượng Hải (doanh thu 1,4 tỷ USD/năm).
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ - Phó chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, để đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới, phải tận dụng sức mạnh đại đoàn kết của trên 5 triệu kiều bào ở các nước để tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kênh phân phối.
Cần xác định danh mục, chủng loại hàng hóa và chất lượng sản phẩm nào là phù hợp với nguồn lực người Việt ở nước ngoài để họ tham gia tiêu thụ hay kinh doanh và hàng Việt phải đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo TS. Trà My, để đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc, cần xây dựng thương hiệu đủ mạnh, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc; bằng sáng chế về ngoại hình, bằng sáng chế về mẫu tiện ích, hoặc phát minh, đăng ký hồ sơ, các chứng chỉ để đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc. Cần định vị thương hiệu sao cho phù hợp với thị trường Trung Quốc, tuyệt đối không dùng bao bì in tiếng Hoa. DN Việt cần chủ động tìm đại lý, tìm nhà phân phối, gia công cho các thương hiệu, tìm đến các kênh thương mại điện tử (Taobao, JD, Alibaba, Pinduoduo), tiếp cận các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc, tham gia triển lãm như Triển lãm Quốc tế Nam Ninh tháng 9 tới, các hội chợ Quảng Đông, Quảng Châu, Chiết Giang, Sơn Đông.