TP.HCM phát động triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030"
UBND TP.HCM vừa tổ chức lễ vinh danh Thành phố được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu. Tại buổi lễ, lãnh đạo TP.HCM cũng phát động triển khai hành động xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030".
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lệ - Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM cho biết, việc được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu là một niềm vinh dự lớn đối với thành phố. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho sự công nhận của cộng đồng quốc tế về những cam kết và nỗ lực của Việt Nam nói chung, cũng như của TP.HCM nói riêng trong việc nâng cao chất lượng và công bằng trong hệ thống giáo dục, cũng như tạo điều kiện học tập suốt đời cho mọi người.
Bà Lệ tin rằng, với sự hợp tác và hỗ trợ từ UNESCO cùng với các thành viên khác trong mạng lưới, TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển và vươn lên một cách mạnh mẽ, trở thành một trung tâm giáo dục hàng đầu của khu vực và đạt được uy tín, thứ hạng cao trong đánh giá và nhìn nhận của thế giới.
"TP.HCM đã sẵn sàng cho hành trình hướng tới một tương lai mà mỗi công dân đều là một công dân số, một công dân học tập toàn cầu”, bà Nguyễn Thị Lệ nói.
Ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam chia sẻ, UNESCO tin tưởng rằng việc TP.HCM trở thành thành viên của mạng lưới này hoàn toàn phù hợp với chủ trương "cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030" của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã phát động triển khai thực hiện chương trình hành động xây dựng "Thành phố học tập toàn cầu UNESCO giai đoạn 2024 - 2030" trên địa bàn Thành phố. Trong đó, Thành phố cần tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng thành phố học tập và xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi công dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
5 nhiệm vụ UBND TP.HCM đề nghị thực hiện sau khi gia nhập mạng lưới học tập toàn cầu:
- Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo.
-Công tác triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập phải gắn với triển khai thực hiện các đề án học tập.
-Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
- Nội dung được xác định cụ thể thông qua việc xác định các chỉ tiêu thực hiện, phù hợp với từng cơ quan.
-Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.