Vị thế

Cơ hội mới năm Rồng cho Thành phố tương lai

TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn (*) 05/02/2024 - 18:13

Với trên 300 năm lịch sử hình thành và phát triển, TP.HCM (Thành phố) có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược, với nhiều tiềm năng và cơ hội còn chưa được khai thác xứng tầm trong mối liên kết với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, cả nước và quốc tế, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực.

hinh-tp-tuong-lai.jpg
Hình minh họa:

Trong bối cảnh thực hiện quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng ta hãy nhìn về một tương lai toàn cảnh của thành phố, gắn với nhiều cơ hội phát triển mới đang được mở ra cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cho các doanh nghiệp trẻ trong quá trình đó.

Khu đô thị dọc hai bên tuyến Metro

Được khởi công vào năm 2008 và dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại năm 2024, tuyến đường sắt này có tổng chiều dài là 19,7km nối từ Nhà ga Trung tâm Bến Thành đi Suối Tiên.

Ứng dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98, TP.HCM giờ đây có thế sẽ xây dựng hàng loạt đô thị nén TOD quanh các tuyến Metro và giao thông công cộng, đặc biệt là tuyến Metro số 1 và hệ thống các tuyến nhánh xe buýt nối vào hiện nay đang chạy ngang nhiều quỹ đất phát triển tiềm năng. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Thành phố phát triển các quỹ đất này theo hướng đa chức năng, ở kết hợp văn phòng, dịch vụ thương mại, và các tiện ích hạ tầng xã hội.

Kế hoạch kéo dài kết nối tuyến Metro số 1 đường sắt từ Suối Tiên đi Thành phố mới Bình Dương và đi Biên Hòa, và từ Biên Hòa nối ra sân bay Long Thành tương lai, cùng với hệ thống các tuyến nhánh xe buýt nối vào hệ thống này, sẽ mở ra cơ hội tăng giá trị cho quỹ đất chỉnh trang và phát triển lên đến hàng ngàn ha cho cả 3 tỉnh thành, đặc biệt là cho khu vực 800-1.200m xung quanh các nhà ga Metro và khu vực 400-800m hai bên các tuyến giao thông công cộng. Điều này còn giúp tăng giá trị tiện ích liên kết vùng, tăng hiệu quả hợp tác vùng và giúp giãn dân,giảm áp lực hạ tầng trong khu vực nội thành để đáp ứng nhu cầu ở của người dân.

Thử thách trước mắt là rất lớn, cần có sự đổi mới tư duy bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển, kết hợp với việc vận động cơ chế đặc thù cho thành phố, và việc thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa trong nước và nước ngoài.

Khu đô thị ven sông Sài Gòn

Sông Sài Gòn dài 256km từ biên giới Campuchia đến cửa biển Cần Giờ, trong đó đoạn chảy dọc trên địa phận TP.HCM khoảng 80km, có giá trị và tiềm năng rất lớn, nhưng đáng tiếc vẫn chưa được khai thác xứng tầm.

Trong tương lai, việc quy hoạch lại khu vực đô thị hai bên sông Sài Gòn vừa phải khai thác và nâng tầm các giá trị của dòng sông, vừa phải đáp ứng điều kiện phát triển và nhu cầu đa dạng của người dân cho từng đoạn sông, góp phần phong phú bản sắc đô thị sông nước cho TP.HCM.

Sông Sài Gòn cần được quy hoạch như một bản nhạc giao hưởng, có những đoạn nhanh, có đoạn chậm, có đoạn sôi động cao trào, có đoạn du dương êm dịu, và còn phải có những khoảng lặng yên tĩnh. Khu vực sôi động nhất có thể là không gian hai bên bờ Đông - Tây của Khu trung tâm Thủ Thiêm và quận 1, khu trung tâm tương lai TP. Thủ Đức tại Trường Thọ… Khu vực nhẹ nhàng êm đềm có thể là các khu dân cư chen lẫn không gian xanh ở Vinhomes Tân Cảng, Saigon Pearl, The Manor, khu biệt thự An Phú, khu dân cư bán đảo Thanh Đa… Khu vực yên tĩnh có thể là các khu công viên ven sông, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các làng du lịch sinh thái, các làng nông nghiệp ven sông phía Bắc...

Xa hơn nữa, TP.HCM còn cần phát triển mới một khu trung tâm văn hóa nghệ thuật ven sông (có thể tại Thanh Đa hoặc Thủ Thiêm) hoặc theo tuyến không gian xanh dọc hai bên sông của khu nội thành, gồm có trung tâm biểu diễn các loại hình nghệ thuật gồm tổ hợp nhiều nhà hát trong và ngoài trời, cung cấp không gian biểu diễn chuyên nghiệp và hiện đại cho nhiều thể loại đa dạng, từ opera, giao hưởng, cho đến cải lương, hát bội, hát chèo… gắn kết với khu phố nghệ thuật lân cận (trại sáng tác, nhà triển lãm, công viên nghệ thuật…), bảo tàng, thư viện, nhà sinh hoạt cộng đồng, dịch vụ thương mại… Đây sẽ là khu vực hấp dẫn cộng đồng người dân và khách du lịch thường xuyên đến thăm để thưởng thức, giao lưu, sinh hoạt… các hoạt động chuyên đề tổ chức thường niên vào các tuần trong năm.

Trong tương lai, TP. Thủ Đức sẽ xây dựng mới khu trung tâm của thành phố trong thành phố tại khu vực cảng Trường Thọ. Đây có thể trở thành một khu vực đô thị cao tầng ven sông năng động, đối trọng và bắc cầu sang khu đô thị sinh thái Thanh Đa bên kia sông, và với mạng lưới giao thông công cộng nối vào tuyến Metro số 1. Một phần các khu nhà xưởng cũ có thể chỉnh trang để chuyển thành một khu vực văn hóa cộng đồng và dịch vụ hấp dẫn khách du lịch, và khu vực hỗ trợ hạ tầng cho các nhóm doanh nhân trẻ thực hiện các nghiên cứu sáng tạo gắn kết với khởi nghiệp và sản xuất. Dự án này có thể tham khảo cách quy hoạch tổ chức từ điển cứu dự án chỉnh trang và phát triển Khu đô thị Canary Wharf tại London do SOM thực hiện và Khu Fisherman Wharf tại San Francisco.

Khu Trung tâm Kinh tế Tài chính

Sau 20 năm kể từ khi tổ chức cuộc thi quy hoạch Thủ Thiêm, giờ đây sẽ là lúc TP.HCM cần tập trung nguồn lực để phát triển nhanh khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, với khu CBD Trung tâm Kinh tế Tài chính mới, nhằm đem lại động lực mới cho việc phát triển thành phố và tăng vị thế trung tâm vùng của TP.HCM, tương tự như vai trò của Phố Đông Thượng Hải đối với TP. Thượng Hải và vùng lân cận.

Để làm được điều này, TP.HCM cần đặc biệt lưu tâm đến hai việc quan trọng:

Thứ nhất, cần tăng hiệu quả kết nối trực tiếp giữa khu trung tâm mới bờ Đông với khu trung tâm hiện hữu bờ Tây sông Sài Gòn. Trong khi Thượng Hải có 5 tunnel ngầm kết nối trực tiếp bờ Tây với Phố Đông, thì TP.HCM có thể bổ sung thêm tuyến Metro ngầm số 2 kết nối Bến Thành với khu Trung tâm Kinh tế tài chính Thủ Thiêm, hoặc tuyến đường xe điện ngầm kết nối nhà ga Metro UBND TP.HCM và Phố đi bộ Nguyễn Huệ với Thủ Thiêm. Ngoài ra, cầu Thủ Thiêm 3 có thể xem xét thay thế bằng đường ngầm dưới sông, kết hợp với việc chỉnh trang lại khu đô thị đảo quận 4, để đảm bảo cho đoạn sông khu trung tâm được thông thoáng, phù hợp hơn cho việc tổ chức các hoạt động sầm uất trên sông ở khu vực trung tâm.

Xa hơn, bản quy hoạch khu trung tâm hiện hữu 930ha của bờ Tây, sẽ được xem xét đồng thời trong tương quan hợp nhất với bản quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khi bước vào giai đoạn điều chỉnh quy hoạch sắp tới, để tăng tính hiệu quả kinh tế xã hội đô thị của khu trung tâm hai bên bờ sông trong tương quan chiến lược chung hỗ trợ bổ sung cho nhau, bờ Tây ưu tiên cho chính sách bảo tồn kết hợp chỉnh trang cho khu trung tâm lịch sử, và bờ Đông ưu tiên cho việc phát triển đô thị mới với hạ tầng hiện đại.

Không gian ngầm chính trong tương lai của thành phố sẽ bao gồm không gian ngầm dưới tam giác Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Hàm Nghi của khu trung tâm hiện hữu bờ tây nối kết vào không gian ngầm Khu Trung tâm Kinh tế tài chính Thủ Thiêm. Hệ thống không gian ngầm này kết nối nhà ga Metro ngầm với tầng hầm của các cụm công trình cao tầng chính, và với các khu dịch vụ thương mại ngầm, bãi xe và hạ tầng kỹ thuật ngầm, không những giúp cho việc đi bộ trong khu trung tâm được tiện lợi và an toàn hơn, mà còn mở ra cơ hội phát triển quỹ đất không gian ngầm góp phần tăng thu ngân sách cho Thành phố.

Thứ hai, kiến tạo nên một môi trường sống và làm việc phù hợp để giúp thu hút các “đại bàng”, các tập đoàn kinh tế tài chính lớn trong nước và nước ngoài đến đây xây dựng trụ sở. Hoạt động kinh tế tài chính ở đây sẽ giúp nâng cao vị thế của TP.HCM như là một đô thị toàn cầu, vì không chỉ tập trung cung cấp nguồn vốn đầu tư và phát triển phục vụ cho các dự án và hoạt động kinh tế xã hội của TP.HCM, mà còn mở rộng cho vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, và cho các vùng đô thị khác trong và nước ngoài.

Thử thách trước mắt là rất lớn, cần có sự đổi mới tư duy bảo tồn, chỉnh trang, và phát triển, kết hợp với việc vận động cơ chế đặc thù cho thành phố, và việc thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa trong nước và nước ngoài. Nhưng ba khu vực trên đây, trong số nhiều cơ hội mới đang được mở ra cho các doanh nghiệp trẻ, sẽ là những nhân tố quan trọng trong thời gian tới, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển thành phố ngày càng giàu mạnh hơn, phát triển bền vững hơn, người dân ngày càng an cư lạc nghiệp tốt hơn, giúp cho siêu đô thị TP.HCM tương lai phát huy vai trò hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tàu kinh tế cả nước.

(*) TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn là thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn phản biện Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Thành viên Hội đồng Thẩm định Quy hoạch Vùng và là thành viên Hội đồng Thẩm định Quy hoạch của một số tỉnh thành khác, trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội mới năm Rồng cho Thành phố tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO