Vị thế

Tương lai của quản trị

Dương Thùy 16/02/2024 18:00

“Quản trị bằng văn hóa là tương lai của quản trị, và văn hóa không chỉ là công cụ mà còn là mục đích của quản trị, đặc biệt là trong một thế giới đầy biến động và trong một thời đại mà con người ngày càng trở nên độc lập và tự do hơn”. Đây là một trong những góc nhìn sâu sắc của TS. Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo dục IRED.

Văn hóa doanh nghiệp vừa là “chân thắng” vừa là “chân ga”

Là người có hơn hai thập kỷ miệt mài gắn bó với sự học của doanh giới và đã đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp đi qua những thăng trầm của nền kinh thương Việt Nam, TS. Giản Tư Trung chia sẻ, ông đã có sự quan tâm đặc biệt đối với chủ đề “Văn hóa Doanh nghiệp” từ khá sớm, đặc biệt là trong bối cảnh khi đất nước trải qua sự chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình kinh tế bao cấp với cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường theo quy luật cung cầu. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng kể từ khi Luật Doanh nghiệp mới được ban hành vào năm 1999.

Khi quan sát các doanh nghiệp xuất hiện trong giai đoạn này, ông nhận thấy sự khát khao làm giàu chính đáng và mãnh liệt của nhiều doanh nhân. Theo thời gian, bối cảnh mới ngày càng nhiều biến động và môi trường kinh doanh ngày càng nhiều phức tạp, đòi hỏi nhiều tư duy kinh doanh mới và đột phá. Khi ngày càng đào sâu vào con đường xây dựng một tổ chức độc đáo, lớn mạnh và bền vững thì câu chuyện về kiến tạo và tái tạo văn hóa ngày càng được chú trọng.

hinh-ra-mat-sach-qtbvh1.jpg

Bởi văn hóa hay văn hóa doanh nghiệp bao hàm cả những tư duy và phương pháp để phát triển các chiến lược kinh doanh đột phá. Điều này giúp không chỉ tăng cường thu nhập nhanh chóng, mà còn làm cho thu nhập trở nên ổn định và bền vững hơn. Đồng thời, tạo ra những lợi ích cá nhân và mang lại giá trị lớn cho người khác và cả cộng đồng. Có thể nói, văn hóa cũng chính là chìa khóa cho một câu hỏi kinh điển và trần tục của kinh doanh, đó là “Làm sao để kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn và bền hơn?”.

Đặc biệt, ngay trong những lúc biến động, khủng hoảng, chính là lúc cần văn hóa doanh nghiệp nhất. Bởi lẽ, văn hóa vừa là “chân ga” giúp doanh nghiệp chinh phục bao “đèo cao”, vừa là “chân thắng” ngăn chúng ta rơi xuống “vực sâu”. Đó là nội lực giúp doanh nghiệp vượt qua mọi khốn khó, là doanh khí và sức bật giúp doanh nghiệp hiện thực hóa được tầm nhìn và khát vọng của mình.

Có thể nói, “Khi tất cả các yếu tố đều mất đi thì thứ còn lại là văn hóa”. Dù không hiện diện trực tiếp như các tài sản cố định, thương hiệu, hệ thống phân phối… nhưng văn hóa có vai trò rất đặc biệt: vừa là chân ga, vừa là chân phanh trên đường đua trường tồn.

FranklinCovey, tổ chức hàng đầu thế giới về phát triển lãnh đạo và chuyển đổi văn hóa cho các doanh nghiệp trong Top 500 Fortune, cũng nói rằng: “Nếu chiến lược được ví như hạt thì văn hóa sẽ được xem là đất. Nếu “đất” không tốt thì dù có cố gắng cách mấy, “hạt” cũng không thể nảy mầm và lớn mạnh được”.

Quản trị bằng văn hóa là tương lai của quản trị

TS. Giản Tư Trung chia sẻ, qua góc nhìn của quản trị kinh doanh hiện đại, nếu nhà lãnh đạo quản lý doanh nghiệp bằng quyền lực và mệnh lệnh, thì đó gọi là “cai trị.” Ngược lại, nếu sử dụng quy chế và văn hóa, thì được gọi là “quản trị.” Các biện pháp cai trị, dù là bằng mệnh lệnh, quy định hay kiểm tra, kiểm soát, thậm chí làm sức ép và đe dọa, đều chỉ có giá trị ngắn hạn, tạo ra một lớp “thần dân” chỉ biết làm việc theo mệnh lệnh, bằng cả mặt và lòng.

5654654.jpg

Ngược lại, nếu biết sử dụng “quy chế” và “văn hóa,” nhà lãnh đạo có thể biến “đám đông” thành “đội ngũ,” biến “nhân viên của công ty” thành “người của công ty”. Khi đó, văn hóa trở thành chất keo gắn kết mọi người với nhau để thấu hiểu, chia sẻ hoài bão, sứ mệnh và giá trị của công ty, từ đó, chung sức, chung lòng chiến đấu cho sự phát triển và tồn tại của công ty.

Điều này đặc biệt đúng trong thời đại hiện nay, khi các thế hệ lao động trẻ (Gen Y, Gen Z...), trở nên tự do hơn, thì doanh nghiệp cần biết “quản trị” thay vì “cai trị.” TS. Giản Tư Trung tin rằng, bên cạnh các phương cách quản trị truyền thống như Quản trị bằng Luật lệ (Management by Policies) hay Quản trị bằng Mục tiêu (Management by Objectives) thì Quản trị bằng Văn hóa (Management by Culture) hay quản trị bằng tự trị chính là tương lai của quản trị.

TS. Giản Tư Trung khẳng định, trong nhiều trường hợp, việc kiến tạo một nền văn hóa “tốt” có thể khó khăn, nhưng chắc chắn là ta có thể kiến tạo một nền văn hóa “tốt hơn” nếu ta đủ quyết tâm. Quản trị bằng văn hóa là phương cách quản trị vừa nhân văn vừa hiệu quả cho mọi cá nhân, đội ngũ, không chỉ dành cho doanh nghiệp mà có thể áp dụng cho mọi loại hình tổ chức.

Có rất nhiều doanh nghiệp đã xây và muốn xây văn hóa doanh nghiệp, nhưng rất ít doanh nghiệp thành công. Lý do gốc rễ là doanh nghiệp chưa hiểu thực sự thế nào là văn hóa, vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với thành bại của doanh nghiệp, cách xây dựng và kiến tạo văn hóa doanh nghiệp cũng như triết lý quản trị bằng văn hóa…”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tương lai của quản trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO