Viết cho ngày nhà giáo

MARK JONES - LÊ TÂM dịch| 22/11/2013 09:39

Tôi cảm thấy rất may mắn khi làm giáo viên ở Việt Nam, nơi nghề nghiệp của mình thật sự được tôn trọng.

Viết cho ngày nhà giáo

Ở Việt Nam, vào ngày 20/11, học trò thường thể hiện lòng biết ơn với những thầy cô đã dạy dỗ mình. Điều này khiến tôi suy nghĩ về những khác biệt giữa học sinh Việt Nam và học sinh bên Anh. Trong một số lúc, tôi còn cảm thấy hình như học sinh Việt Nam kính trọng giáo viên hơn học sinh phương Tây.

Đọc E-paper

Bên Anh, giờ học thường bắt đầu lúc 8g30 và kết thúc lúc 3g30, tức là khoảng bảy tiếng một ngày. Đây là một khoảng thời gian đáng kể.

Thế nhưng, nhiều người lại có vẻ như không nhận ra rằng thời gian trẻ học ở trường nhiều hơn ở nhà. Vì vậy, họ cũng không đánh giá cao sự quan trọng của người thầy.

Ở Việt Nam, thời gian học ở trường lớp nhiều hơn ở Anh. Điều này đồng nghĩa với việc thầy cô càng có vai trò quan trọng hơn và mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh cũng khăng khít hơn.

Nhưng tôi nghĩ lý do sâu xa của sự khác nhau trong mối quan hệ thầy trò phương Đông và phương Tây nằm ở văn hóa.

Ở Việt Nam, học sinh rất kính trọng thầy cô. Thầy cô được xem như những nguồn kiến thức. Công việc của giáo viên là cung cấp kiến thức và dạy dỗ học sinh nên người. Nghề giáo là một nghề cao quý và được trọng vọng trong xã hội.

Học sinh ở đây luôn lắng nghe thầy cô chứ không trêu chọc, thách thức thầy cô mình. Với các em, kiến thức mà thầy cô trao cho là chìa khóa đến với thành công trong tương lai.

Ở Anh, quan niệm về nghề giáo lại có chút khác biệt. Người ta thường hay đùa rằng: “Nếu bạn không thể làm được một việc nào đó thì hãy đi dạy”. Ví dụ, nếu bạn thất bại trong việc trở thành nhà hóa học, bạn sẽ thành giáo viên dạy môn khoa học.

Rõ ràng nếu đây là thái độ đối với các nhà sư phạm thì học sinh khó mà dành sự kính trọng cho giáo viên như ở Việt Nam.

Có nhiều học sinh ở Anh thích thách đố giáo viên và cư xử không phải lối trong lớp học. Ở phương Tây hay phương Đông, giáo dục vẫn là nền tảng của thành công. Nhưng ở phương Đông, đạo đức dạy người ta biết kính trọng các thế hệ đi trước và những người đã dạy dỗ mình.

Trong khi đó, ở phương Tây, người ta lại dạy thế hệ trẻ phải biết đặt câu hỏi và có tư duy phê bình với mọi vấn đề. Chính vì thế, học sinh bên Anh rất thích đặt ra các câu hỏi cho giáo viên. Có em hỏi vì muốn tìm hiểu đến nơi đến chốn, nhưng cũng có em hỏi chỉ vì thích trêu chọc và thách thức giáo viên.

Kinh nghiêm mà tôi có được từ việc đi dạy ở Việt Nam là học sinh lắng nghe giáo viên chăm chú hơn, ít có tiếng huýt sáo sau lưng thầy cô, không nói năng thô lỗ với thầy cô và thật sự biết ơn những gì thầy cô dạy.

Học sinh ở đây tin rằng mình thật may mắn khi được thầy cô truyền thụ kiến thức, còn học sinh bên Anh lại cho rằng được giáo dục là quyền của các em. Kết quả là nhiều học sinh ở Anh không hề cảm thấy biết ơn những nỗ lực của thầy cô mà chỉ cho rằng thầy cô “đang làm phận sự của mình”.

Học sinh ở Việt Nam lễ phép với thầy cô hơn cũng có thể vì giáo viên ở Việt Nam nghiêm khắc hơn. Một vài học sinh của tôi cho biết có những giáo viên đánh học sinh. Tôi không rõ luật ở đây có cho phép thế không, nhưng nếu bạn làm như thế ở Anh, bạn có thể bị ngồi tù đến 40 năm.

Dù sao, tôi vẫn nghĩ nước Anh nên có ngày nhà giáo như Việt Nam. Học sinh nên thể hiện lòng biết ơn với những người đã dạy dỗ mình. Điều này khiến cho người làm nghề giáo cảm thấy công việc của họ có ý nghĩa, và đó sẽ là động lực khiến họ chuẩn bị bài giảng tốt hơn, lên lớp hăng say và sáng tạo hơn.

Đồng thời, họ cũng cảm thấy hài lòng hơn với công việc mình đang làm. Tôi cảm thấy rất may mắn khi làm giáo viên ở Việt Nam, nơi nghề nghiệp của mình thật sự được tôn trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Viết cho ngày nhà giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO