Cơ hội đàm phán ngày một mong manh
Trả lời báo giới tại một cuộc họp ở Moskva hôm 21/12/2022, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói việc phương Tây chuyển giao vũ khí mới cho Kiev chỉ "khiến xung đột trầm trọng hơn".
"Việc cung cấp vũ khí vẫn tiếp tục với chủng loại ngày một tăng. Những điều này không tốt cho Ukraine và chỉ khiến cuộc xung đột trở nên trầm trọng hơn", ông Peskov nói.
Ngoài ra, phát ngôn viên Điện Kremlin không cho rằng lập trường của Ukraine về tiến trình đàm phán với Nga sẽ thay đổi sau chuyến đi của ông Zelensky, và phía Nga cũng không kỳ vọng về "điều tích cực" từ sự kiện này.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov |
Theo Reuters, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, ông Zelensky sẽ gặp Tổng thống Joe Biden, phát biểu tại Quốc hội và gặp quan chức cấp cao Mỹ. Trong cuộc gặp này, ông Biden có thể sẽ thông báo về gói hỗ trợ vũ khí mới trị giá gần 2 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có tên lửa Patriot.
"Tôi đang trên đường tới Mỹ để tăng cường khả năng kháng cự và phòng thủ của Ukraine. Cụ thể, tôi và Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận về hợp tác giữa Ukraine và Mỹ", ông Zelensky viết trên Twitter ngày 21/12.
Khi được hỏi về phản ứng của Nga trước sự kiện Tổng thống Ukraine đến Washington, ông Peskov nhấn mạnh, chuyến thăm của ông Zelensky không thể hiện thiện chí trong xây dựng đàm phán hòa bình của Ukraine và đây không phải dấu hiệu "tích cực" để giải quyết xung đột.
Vòng đàm phán cuối cùng giữa Nga - Ukraine diễn ra vào cuối tháng 3/2022, song được bắt đầu với "màn chào đón lạnh lùng" và kết thúc không đạt tiến triển nào đáng kể.
Những điều kiện không thể chấp nhận từ cả hai
Đầu tháng 12 qua, Tổng thống Vladimir Putin đã có tuyên bố hiếm hoi về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng với Ukraine. Cụ thể, lãnh đạo Nga nói có thể phải đạt thỏa thuận với Ukraine để chấm dứt chiến tranh và thừa nhận có các vấn đề phát sinh trong việc huy động binh lính tham gia chiến đấu.
Dù vậy, cả Nga lẫn Ukraine đều đang đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận được với nhau, khiến cơ hội đàm phàn ngày một mong manh.
Về phía Nga, sau khi ông Biden tuyên bố sẵn sàng trao đổi với ông Putin về thỏa thuận hòa bình ở Ukraine hồi đầu tháng 12, Moskva cho biết quan điểm Nga phải rời Ukraine để bắt đầu đàm phán là không thể chấp nhận. Dù khẳng định Moskva vẫn nghiêng về giải pháp ngoại giao để đạt các mục tiêu, Điện Kremlin nói việc Mỹ "vẫn không công nhận các vùng lãnh thổ mới sáp nhập là một phần của Nga sẽ khiến việc tìm điểm chung cho các cuộc trao đổi trở nên phức tạp hơn".
Binh lính Ukraine khai hỏa pháo 2S7 Pion ở Donetsk ngày 5/12. Ảnh: AP. |
Trên thực tế, ông Peskov ngày 13/12 đã bác đề xuất hòa bình của Tổng thống Ukraine liên quan đến việc rút quân Nga, nói rằng Kiev cần chấp nhận "thực tế" với lãnh thổ mới. Theo ông Peskov, "thực tế" ở đây chỉ ra các chủ thể mới đã xuất hiện ở Nga, tức việc Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky từng cho biết Moskva hoàn toàn hoan nghênh cơ hội giải quyết chiến sự một cách hòa bình trên bàn đàm phán, song vẫn buộc phải tiếp tục hoạt động quân sự đặc biệt.
"Chúng tôi muốn các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt này đạt được thông qua các biện pháp hòa bình và điều đó là có thể. Nhưng tất nhiên, điều đó chỉ có thể thực hiện khi giải quyết gốc rễ của vấn đề. Với Ukraine là không gây bất cứ nguy hiểm nào trong tương lai cho Nga.
Còn giờ, những gì chúng tôi thấy hoàn toàn ngược lại. Ukraine hoàn toàn đi sai hướng. Nên, tôi e rằng điều duy nhất mà chúng tôi phải làm là tiếp tục chiến dịch quân sự. Chúng tôi không chỉ chiến đấu với Ukraine mà còn đối phó với vũ khí của NATO", ông Polyansky giải thích.
Cả Nga lẫn Ukraine đều đang đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận được với nhau, khiến cơ hội đàm phàn ngày một mong manh. |
Ngược lại, phía Ukraine khẳng định sẵn sàng đối thoại nhưng "chỉ khi một tổng thống khác lên nắm quyền". Tháng 11 qua, Trưởng đoàn đàm phán của Ukraine David Arakhamia tuyên bố các cuộc đàm phán có thể bắt đầu lại vào "nửa cuối năm 2023".
"Vào thời điểm các cuộc bầu cử diễn ra ở cả Nga và Mỹ, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra đâu đó trong nửa cuối năm sau", ông Arakhamia ám chỉ.
Bên cạnh đó, một trong các điều kiện được ông Zelensky đưa ra để ngồi xuống bàn đàm phán là quân đội Nga rút quân về biên giới năm 1991 - điều đã ngay lập tức bị Nga nói là không rõ ràng và bác bỏ.
Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Ukraine, nhà lập pháp Nga Sergei Tsekov nói: "Tôi muốn nhắc ông Zelensky rằng Liên Xô vẫn tồn tại năm 1991. Ý của Tổng thống Ukraine là rút Lực lượng Vũ trang Nga về biên giới Liên Xô? Tuy nhiên, chắc chắn ông ấy đề cập đến biên giới của Ukraine độc lập. Việc phân định biên giới giữa Liên bang Nga và Ukraine đã diễn ra trong nhiều năm và nếu chúng ta nói về Eo biển Kerch, nó sẽ không bao giờ kết thúc".
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Ukraine cũng nhắc tới việc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của nước này, đề cập tới việc Nga trả lại Crimea cho Kiev. Khi đó, ông Zelensky tuyên bố Ukraine không có ý định ký thỏa thuận Minsk mới vì cho rằng Nga sẽ "vi phạm thỏa thuận ngay sau khi ký kết".
Từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cuối tháng 2/2022, Moskva và Kiev đã thực hiện 5 vòng đàm phán nhưng không đạt kết quả cụ thể nào. Rốt cục, các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc vào tháng 5. |