8 tỷ người đem lại những gì?
Theo Liên Hiệp Quốc, tuổi thọ trung bình của con người là 72,8 tuổi vào năm 2019, tăng gần 9 năm so với số liệu từ năm 1990. Tới năm 2050, tổ chức này kỳ vọng con số trên sẽ đạt mức 77,2 tuổi.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc - ông Antonio Guterres khẳng định, điều này là minh chứng cho thành công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, là những đột phá về khoa học, công nghệ, y học, dinh dưỡng, giúp tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ bầu và trẻ sơ sinh.
8 tỷ người đặt ra những thách thức gì?
Song song với nhiều thuận lợi là không ít thách thức mà 8 tỷ người sẽ đối mặt. Lượng người khổng lồ trên Trái Đất sẽ tác động mạnh mẽ tới an ninh thế giới, những vấn đề về kinh tế, cung cấp lương thực, áp lực lên môi trường cũng như nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên. Đây đều là những vấn đề đã, đang xảy ra và nó sẽ đặc biệt nghiêm trọng khi quy mô dân số không ngừng tăng.
Các chuyên gia cảnh báo dân số tăng nhanh kết hợp với biến đổi khí hậu cũng dẫn tới tình trạng di cư trên diện rộng và thêm nhiều loại hình xung đột trong những thập niên tới. Đó là chưa nói tới lượng chất thải do con người tạo ra. Với mỗi quốc gia nói riêng, sự kiện này sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống cơ sở hạ tầng và hệ thống phúc lợi xã hội, làm tăng bất bình đẳng xã hội cũng như mức độ phân hóa giàu - nghèo. Các ngành như quân đội, y tế, giáo dục... cũng sẽ ít nhiều chịu tác động tiêu cực.
Việt Nam ở đâu trong sự kiện này?
Theo thống kê, Việt Nam đang sở hữu dân số đông thứ 15 trên toàn thế giới và được dự đoán sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2023. Thực tế, con số này đã tăng hơn 10 triệu người chỉ sau 10 năm. Là một quốc gia đông dân, Việt Nam đồng thời là nước có mật độ dân số cao trên thế giới. Qua nhiều năm, có thể thấy chúng ta đang làm khá tốt trong việc bảo đảm chất lượng cuộc sống trong bối cảnh dân số không ngừng gia tăng.
Tuy nhiên, đất nước ta vẫn đang đối mặt với sự mất cân bằng giới tính do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn chi phối mạnh mẽ nhận thức của nhiều gia đình. Những ảnh hưởng về chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu, cùng mật độ dân số tăng nhanh cũng tác động tiêu cực đến điều kiện sống ở Việt Nam.
Nếu không có những biện pháp can thiệp hiệu quả, Việt Nam có khả năng thừa tới 4 triệu nam giới vào năm 2050. Chúng ta sẽ rơi vào tình trạng giống với Hàn Quốc hay Trung Quốc hiện nay, khi mà nam giới không tìm được bạn đời khi tới tuổi kết hôn, dẫn tới nhiều hệ quả xấu cho xã hội.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Thống kê cho thấy hồi năm 2019, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi chiếm 11,9% tổng dân số, con số này sẽ tăng lên 25% vào năm 2050. Việt Nam sẽ nhanh chóng bước vào thời kỳ dân số già. Sự thay đổi này đến từ tỷ lệ tử vong giảm mạnh, kết hợp với tăng tuổi thọ và giảm tỷ lệ sinh.
Bên cạnh đó, chúng ta đang bỏ lỡ lợi thế của "thời kỳ dân số vàng", khi mà số người trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) nhiều gấp đôi so với nhóm phụ thuộc (dưới 15 và trên 64 tuổi). Mặc dù nhiều chính sách đã được thực hiện, song số lượng và chất lượng lao động đã qua đào tạo ở nước ta vẫn còn hạn chế, chủ yếu vẫn chỉ là nguồn nhân công giá rẻ.
"Thời kỳ dân số vàng" được dự kiến sẽ kéo dài từ năm 2007-2038, chúng ta vẫn còn đủ thời gian để tận dụng lợi thế này. Nếu có những điều chỉnh kịp thời và hợp lý, Việt Nam sẽ trở thành quốc phát triển toàn diện trong tương lai không xa.