Góc chuyên gia

Cơ chế mua bán điện, nên chọn phương án không thông qua EVN

Lan Ngọc 11/08/2023 17:00

Bộ Công Thương mới đề xuất Chính phủ cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với đơn vị sử dụng điện lớn (DPPA), theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nên chọn phương án không thông qua EVN để tạo sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường mua bán điện, thúc đẩy hiện đại hóa hạ tầng điện, thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo.

* DPPA mới đây đã được Bộ Công Thương trình Chính phủ xem xét để ban hành, theo bà điều này có ý nghĩa thế nào đối với phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng và vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh?

- Mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, có những ưu điểm:

ba-nguyen-thi-viet-nga-pho-truong-doan-dbqh-tinh-hai-duong-1-1-.jpg
Bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn Đại biểu
Quốc hội tỉnh Hải Dương

Thứ nhất, sẽ “phá vỡ” thế độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc mua bán điện năng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường mua bán điện, người tiêu dùng điện sẽ được hưởng lợi từ việc lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình phù hợp nhất.

Thứ hai, việc xã hội hóa xây dựng hạ tầng điện dự thảo DPPA đề xuất tại phương án 1, đó là mua bán điện thông qua hệ thống đường dây truyền tải điện riêng giữa đơn vị phát điện tới đơn vị mua điện được đầu tư bởi doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, sẽ giúp giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần thúc đẩy hiện đại hóa hạ tầng điện.

Thứ ba, nếu thực hiện tốt DPPA sẽ là đòn bẩy để phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho quốc gia, mà còn góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, bởi hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam rất chú trọng và quan tâm tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Thực hiện tốt DPPA cũng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng kinh tế xanh, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26.

* Tại dự thảo DPPA, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn một trong hai phương án mua bán điện, theo bà thì đâu là ưu điểm và hạn chế của mỗi phương án, phương án nào được cho là phù hợp nên lựa chọn?

- Theo phương án 1 thì việc mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và đơn vị sử dụng điện lớn sẽ thông qua đường dây truyền tải điện riêng do tư nhân đầu tư, mà không thông qua EVN. Còn phương án 2, mua bán điện thông qua hệ thống lưới điện quốc gia, tức là vẫn phải thông qua EVN.

din-gio.jpg
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió

Đối với phương án 1, cả hai bên cung và cầu điện sẽ không bị giới hạn về các điều kiện như công suất, sản lượng điện, cấp điện áp đấu nối, mục đích sử dụng điện… Do đó, mọi thủ tục và các tính toán trong việc mua bán điện giữa đôi bên sẽ đơn giản hơn. Tuy nhiên, giá bán điện thì vẫn theo quy định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Đối với phương án 2, việc mua bán điện vẫn thông qua hệ thống điện lưới quốc gia, cho nên bên mua và bên bán điện sẽ không giao dịch trực tiếp mà vẫn phải thông quan EVN như hiện nay. Bên bán điện từ năng lượng tái tạo phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia với điều kiện yêu cầu về công suất từ 10MW trở lên, còn bên mua là các tổ chức, cá nhân mua điện phục vụ cho sản xuất phải từ cấp điện áp 22kV trở lên.

Tôi cho rằng, phương án thứ nhất ưu việt hơn khi người bán và người mua giao dịch được nhanh và không bị nhiều giới hạn. Tuy nhiên, việc đầu tư hạ tầng truyền tải điện theo đường dây truyền tải riêng là việc không hề đơn giản với tư nhân, vì cần nguồn vốn lớn và phải đảm bảo các yếu tố về an toàn có liên quan. Muốn thực hiện tốt phương án này, phải quản lý tốt việc đầu tư đường dây truyền tải điện riêng từ khâu quy hoạch, tránh phát triển tràn lan, đầu tư manh mún, giám sát chặt chẽ quá trình thi công, vận hành.

Phương án thứ hai vẫn là phương án hiện nay đang thực hiện, cho nên sẽ khó có thể giải quyết được các vướng mắc hiện tại về hạ tầng điện lưới quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp phát điện từ năng lượng tái tạo dù đã sẵn sàng phát điện mà không hòa lưới điện quốc gia được do đã căng tải, dẫn đến bên bán không bán được điện còn bên mua thì vẫn thiếu điện. Phương án 2 cũng chưa thể xã hội hóa được xây dựng hạ tầng điện, còn nhiều thủ tục ràng buộc khiến các dự án điện từ năng lượng tái tạo vẫn chưa phát huy được ưu thế, trong khi hiện nay chúng ta đang cần khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo.

* Theo bà, tại sao Bộ Công Thương lại đề xuất hai phương án, mà không phải là một, tính khả thi của phương án nên lựa chọn (phương án 1) thế nào?

- Tôi nhận thấy thái độ của Bộ Công Thương khi dự thảo đề xuất DPPA đưa ra hai phương án là vẫn “lưng chừng”, thiếu tính quyết đoán. Là cơ quan tham mưu trực tiếp cho Chính phủ về lĩnh vực này, Bộ Công Thương cần có những nghiên cứu, phân tích kỹ càng, thấu đáo để lựa chọn và chốt phương án nào tối ưu, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn để trình Chính phủ xem xét.

Nếu Chính phủ lựa chọn thông qua phương án 1, thì muốn có tính khả thi trong thực tiễn, phương án này cũng vẫn rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước khi triển khai vì quá trình xây dựng hạ tầng truyền tải điện do tư nhân tự đầu tư phải cần kinh phí lớn, cần có không gian, mặt bằng phù hợp để thi công (hệ thống cáp ngầm, cột điện, trạm biến áp, hệ thống dây điện…). Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì tư nhân sẽ rất khó xoay sở, phương án này cũng sẽ khó có tính khả thi trong thực tiễn.

* Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ chế mua bán điện, nên chọn phương án không thông qua EVN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO