Tham luận tại diễn đàn "Phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam - Tư duy và hành động trong giai đoạn mới", ông Nguyễn Văn Vi - Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, hiện vẫn còn 62 dự án, thành phần dự án điện gió có tổng công suất lắp đặt 3.479MW đã hoàn thành, dù đã ký kết PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng do cơ chế giá FIT đã hết thời hạn áp dụng nên đến nay vẫn chưa có giá bán điện.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo hiện còn vướng mắc, thậm chí bất cập. Chẳng hạn, đối với các dự án điện sinh khối, điện đồng phát (từ bã mía) chỉ hoạt động theo thời vụ khoảng 4-5 tháng/năm, thời gian còn lại là ngừng hoạt động. Tuy nhiên, các dự án điện đồng phát (từ bã mía) vẫn có thể điều chỉnh kỹ thuật để hoạt động như các nhà máy điện sinh khối (sử dụng nguyên liệu sinh khối khác thay bã mía) để phát điện, nhưng nếu giá điện vẫn là giá áp dụng cho điện đồng phát từ bã mía, thì hoạt động điều chỉnh kỹ thuật không khả thi về mặt kinh tế do phải tăng thêm chi phí đầu vào mua nhiên liệu vận hành.
Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo hoạt động còn gặp khó khăn do thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ, chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải. Các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu lớn về vốn, rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, thời gian thu hồi vốn kéo dài, nên các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.
Ông Vi cho rằng, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách mới để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện gió, điện mặt trời đã đưa vận hành nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế về giá bán điện; cần sớm phê duyệt Quy hoạch điện 8 làm cơ sở triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo mới, thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng tái tạo.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, các quy hoạch có liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo chưa có, Quy hoạch điện 8 chưa được phê duyệt, ban hành, đã và đang khiến cho các nhà đầu tư rất lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách và kịp thời ban hành chính sách mới để thúc đẩy, đảm bảo cho việc phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả, theo đúng định hướng, mục tiêu đề ra.
Tại dự thảo Quy hoạch điện 8 (giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050), Bộ Công Thương đã đề xuất các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, trong đó có các chính sách đẩy mạnh phát triển điện gió, điện mặt trời với giá thành hợp lý, gắn với an toàn vận hành; ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo quy mô nhỏ, phát triển điện đồng phát, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác thải rắn, từ các phụ phẩm nông nghiệp... và các nguồn năng lượng thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, chủ yếu là Quy hoạch điện 8 chưa được ban hành, chưa có quy hoạch không gian biển (liên quan đến phát triển điện gió), cũng như một số quy định pháp lý khác liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo cần có sự đồng bộ. Để thúc đẩy hiệu quả hơn lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Hùng cho rằng cần đề xuất luật hóa phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo để tạo hành lang pháp lý vững chắc, thuận lợi, qua đó thu hút hiệu quả đầu tư của khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng tái tạo.