Gói tài chính khí hậu này bước đầu sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Chương trình sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu tham vọng về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm phát thải khí nhà kính sớm hơn 5 năm và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.
Gói tài chính của Việt Nam sẽ là gói thứ ba trong một loạt thỏa thuận lớn nhằm giúp các quốc gia có thu nhập trung bình giảm phụ thuộc vào than, cũng như giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn. Thỏa thuận trị giá 8,5 tỷ USD của Nam Phi là thỏa thuận đầu tiên, được công bố tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm ngoái. Thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD của Indonesia được công bố tại cuộc họp nhóm G20 ở Bali tháng trước.
Than đá hiện chiếm khoảng một nửa nguồn cung năng lượng của Việt Nam, dù có điều kiện tự nhiên tuyệt vời để phát triển năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
Nội dung thỏa thuận quan hệ đối tác nói trên sẽ hỗ trợ Việt Nam hướng tới một số mục tiêu mới đầy tham vọng gồm hạ mốc đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến của Việt Nam vào năm 2035 xuống năm 2030; giảm tới 30% lượng phát thải hằng năm của ngành điện, từ 240 megaton xuống còn 170 megaton, và cũng đưa ngày đạt đỉnh phát thải về năm 2030; giới hạn công suất điện than tối đa của Việt Nam ở mức 30,2 gigawatt so với con số trong quy hoạch hiện tại là 37 gigawatt; đẩy nhanh việc áp dụng năng lượng tái tạo, đưa năng lượng tái tạo chiếm ít nhất 47% sản lượng điện vào năm 2030, tăng so với tỷ lệ sản xuất theo kế hoạch hiện tại là 36%. Việc thực hiện thành công các mục tiêu đầy tham vọng nói trên sẽ giúp giảm khoảng 500 megaton (0,5 tỷ tấn) khí thải vào năm 2035 của Việt Nam.
Nhân dịp này, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen và nhiều lãnh đạo thế giới khác đã gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng Phạm Minh Chính và Việt Nam.