Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, ngành game Việt Nam phát triển khá tốt trong gần 20 năm qua, minh chứng qua các con số: 50% tựa game mobile được chơi nhiều nhất có nguồn gốc từ Việt Nam; 5/10 game studio hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương và Úc là của Việt Nam; 1/25 game tải trên các kho ứng dụng là của Việt Nam…
Ước tính, Việt Nam hiện có 28,4 triệu người chơi và doanh thu các game sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu lên đến hàng trăm triệu USD/năm. Về doanh thu, ngành game tại Việt Nam thu được số tiền rất lớn, nhưng hằng năm cũng thất thu thuế lên đến hàng trăm triệu USD.
Doanh thu game của Việt Nam năm 2018 đạt 365 triệu USD, năm 2021 đạt 665 triệu USD và dự báo năm 2022 đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, số tiền đóng thuế cho Nhà nước chỉ chiếm 50%, còn lại là các cá nhân, tổ chức đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu ở Singapore… Nghịch lý này rất cần được các cơ quan có liên quan nghiên cứu, giải quyết dứt điểm sớm để không tiếp tục thất thoát thuế.
Hiện có nhiều công ty khởi nghiệp do người Việt Nam sáng lập, kinh doanh tại thị trường Việt Nam nhưng lập tại công ty ở Singapore, dẫn đến truy thu thuế khó khăn. Năm 2022, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được số vốn khoảng 416 triệu USD, nhưng chỉ khoảng 20% trong số đó có trụ sở ở Việt Nam, 80% còn lại ở Singapore, như vậy khi các công ty này được mua lại hay sáp nhập, Việt Nam sẽ không được hưởng lãi vốn và các khoản thuế thu về.
Báo cáo của Newzoo cho thấy, ngành công nghiệp game toàn cầu đạt doanh thu 197 tỷ USD trong năm 2022, tăng 2,1% so với 2021. Cùng với đó là sự phát triển không ngừng của các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Còn theo một nghiên cứu khác, thị trường eSports (thể thao điện tử) Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm là 28% trong vòng 5 năm tới, trở thành thị trường eSports có mức tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á… Chính vì vậy, việc mở rộng thị trường ngành game Việt Nam là điều tha thiết với nhiều doanh nghiệp game trong nước.
Để phát triển ngành game, trong năm 2023, đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất nhiều chính sách liên quan đến ngành game, như thay đổi chính sách làm game; giảm thuế - phí với các doanh nghiệp liên quan đến game; giảm thủ tục hành chính trong các thủ tục cấp phép; giới hạn game nước ngoài và thí điểm chính sách quản lý với các loại hình game trên công nghệ blockchain… Để mở rộng thị trường game Việt Nam, việc phát huy vai trò liên minh game trong nước hết sức quan trọng, qua đó tạo sức mạnh cho ngành game của nước nhà; đấu tranh ngăn ngừa các game không phép… là cách góp phần để ngành game Việt vươn tầm thế giới.