Theo báo cáo của Colliers, trong 11 tháng năm 2022 Việt Nam đã thu hút hơn 25,1 tỷ USD vốn FDI. Vốn điều chỉnh tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế và môi trường đầu tư Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới room tín dụng thêm 1,5-2% hồi đầu tháng 12 đã giúp cải thiện tâm lý thị trường. Ngày càng nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… nhắm đến nhiều phân khúc bất động sản tại Việt Nam, từ khu công nghiệp, văn phòng, nhà ở, cho đến bán lẻ và khách sạn.
Dù tâm lý chung vẫn rất thận trọng, họ đang tận dụng giai đoạn thị trường giảm tốc để củng cố danh mục đầu tư. Với các chủ đầu tư trong nước, các hoạt động tái cấu trúc và M&A sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, chủ yếu nhằm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng ổn định hơn trong dài hạn.
Bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư an toàn tại thị trường Việt Nam, nên sau thời gian biến động, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, họ sẽ cẩn trọng và khắt khe hơn với các sản phẩm bất động sản trong thời gian tới. Các yếu tố về pháp lý, tính minh bạch và uy tín chủ đầu tư sẽ càng trở nên quan trọng khi nhà đầu tư lựa chọn và ra quyết định.
Báo cáo của Colliers cũng nhận định châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nhiều tín hiệu lạc quan nhất về tăng trưởng kinh tế. Các nhà đầu tư cũng tỏ ra lạc quan với thị trường trong năm 2023.
Theo Colliers, hơn một nửa số nhà đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (53%) kỳ vọng kết quả tích cực từ tăng trưởng kinh tế trong khu vực, so với 41% ở khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) và 38% ở châu Mỹ. Tương tự, 43% nhà đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương mong đợi tác động tích cực từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cao hơn khu vực EMEA (38%) và châu Mỹ (28%).