Vì sao cổ phiếu thực phẩm hấp dẫn giới đầu tư?

MINH HÀO| 10/03/2016 02:31

Theo BMI, ngành công nghiệp thực phẩm chế biến sẵn sẽ tăng 24,2% về số lượng và 48,7% về doanh số bán hàng hằng năm.

Vì sao cổ phiếu thực phẩm hấp dẫn giới đầu tư?

Mới đây, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) đã chính thức lên sàn, nhưng trước đó, số lượng đăng ký mua từ nhà đầu tư (NĐT) đã vượt 5 - 6 lần số lượng cổ phần chào bán. Vì sao Vissan hấp dẫn các NĐT như thế?

Đọc E-paper

Trong phiên đấu giá lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM sáng ngày 7/3, Vissan đã bán thành công 11,328 triệu cổ phiếu (tương đương 14% vốn điều lệ Công ty).

Có 142 NĐT đăng ký đấu giá mua cổ phần với giá bình quân đạt 80.053đ/cổ phiếu, trong đó, giá thấp nhất là 67.000đ/CP, giá cao nhất lên đến 102.000đ/CP. Có 6 NĐT (5 NĐT cá nhân và một NĐT tổ chức nước ngoài) trúng đấu giá. Chốt phiên đấu giá, Vissan đã thu về hơn 906 tỷ đồng, gấp 4,7 lần mức giá khởi điểm.

Không chỉ được NĐT bên ngoài quan tâm, Vissan còn được ba NĐT là CJ, Anco và Proconco đăng ký mua trọn cổ phần dành cho NĐT chiến lược.

Chia sẻ tại lễ đấu giá, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho biết, cả ba NĐT này đăng ký mua hết 11,3 triệu CP dành cho NĐT chiến lược của Công ty. Do vậy, ngoài xét các tiêu chí ưu tiên, Vissan sẽ căn cứ vào giá mua của 3 đơn vị trên làm yếu tố quyết định cuối cùng.

"Chúng tôi không ngờ Công ty lại được các NĐT săn đón như vậy. Mức đăng ký mua gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu. Do vậy, ngày 24/3 tới đây chúng tôi sẽ đấu giá công khai CPcho NĐT chiến lược để chọn đơn vị phù hợp nhất. Đến 29/4, Công ty sẽ tổ chức đại hội cổ đông đầu tiên", ông Mười cho biết.

Theo phương án cổ phần hóa, Vissan có vốn điều lệ là 808,14 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước nắm giữ là 65%, NĐT chiến lược là 14% (tương đương 11,328 triệu CP), NĐT bên ngoài là 14% (11,328 triệu CP), cán bộ nhân viên và tổ chức công đoàn là 7% (tương đương 5,664 triệu CP).

Hiện Vissan là một trong những DN dẫn đầu ngành thực phẩm với hệ thống phân phối 130.000 điểm bán tại kênh truyền thống, hơn 1.000 điểm tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi và 60 cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Mỗi năm, Vissan cung cấp ra thị trường 30.000 tấn thực phẩm tươi sống (TPTS) và 20.000 tấn thực phẩm chế biến (TPCB). Doanh thu hằng năm của Công ty đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 150 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực TPTS, Vissan là một trong số các nhà cung cấp lớn nhất tại TP.HCM. Mỗi ngày, Vissan cung cấp 100 tấn thịt heo cho Thành phố thông qua các hệ thống siêu thị Satramart, Co.opmart, VinMart, Big C, Maximark..., chiếm khoảng 20% thị phần.

Trong lĩnh vực TPCB, hiện xúc xích Vissan chiếm 65% thị phần xúc xích tiệt trùng với 3 thương hiệu Vissan, ba bông mai và Dzui Dzui; lạp xưởng của Vissan chiếm đến 75% thị phần. Các sản phẩm đông lạnh như chả giò, sủi cảo, nem nướng, há cảo của Công ty cũng chiếm đến 40% thị phần trong cả nước.

Theo các chuyên gia chứng khoán, sản xuất và kinh doanh thực phẩm là lợi thế rất lớn của Vissan hiện nay. Bởi, ngành thực phẩm và đồ uống ở Việt Nam đang chi phối phần lớn chi tiêu của các hộ gia đình với tỷ lệ lên đến 44%, và dự báo sẽ tăng lên 48,4% vào năm 2019.

Còn theo dự báo của BMI, ngành công nghiệp TPCB sẵn sẽ tăng 24,2% về số lượng và 48,7% về doanh số bán hàng hằng năm. Nguyên nhân là do cuộc sống bận rộn cùng với lối sống hiện đại ở các thành phố lớn dẫn đến nhu cầu về các loại TPCB ngày càng gia tăng.

Ông Văn Đức Mười, cho biết, trong ba năm qua, TPTS chiếm khoảng 45 - 46% tổng doanh thu của Công ty; TPCB chiếm 43 - 45%, các nhóm hàng khác (nông sản, đường, sữa...) chiếm 9 - 12% doanh thu.

TPCB cũng chính là ngành hàng đóng góp trên 60% lợi nhuận gộp (trong đó, xúc xích tiệt trùng chiếm 50%) của Công ty trong ba năm qua. Trong năm 2016, Vissan đặt kế hoạch doanh thu tăng 5,8%, lên gần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận gộp khoảng 700 tỷ đồng.

Vào ngày 24/3 tới đây, trong phiên đấu giá cổ phần cho NĐT chiến lược, nếu JC trúng đấu giá sẽ là lợi thế cho Vissan trên đường chinh phục thị trường một số nước. Bởi, trong năm 2015, lãnh đạo Tập đoàn CJ Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được tham gia mua cổ phần của Vissan.

Lãnh đạo CJ cho biết, nếu trở thành cổ đông chiến lược sẽ giúp đưa thương hiệu Vissan không chỉ phát triển ở thị trường trong nước mà còn mở rộng ra thị trường các nước.

Các chuyên gia cho rằng, tại Việt Nam, CP ngành TPCB sẵn không nhiều trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với sức cầu hiện nay, trong thời gian tới sẽ có nhiều DN nữa lên sàn và CP ngành này sẽ tiếp tục "nóng".

>Cổ phiếu khoáng sản: Nhìn từ con số

>Doanh nghiệp lỗ lớn, giá cổ phiếu vẫn tăng “khủng”

> Vì sao cổ phiếu nông nghiệp kém hấp dẫn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao cổ phiếu thực phẩm hấp dẫn giới đầu tư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO