Chuyên gia dự đoán chứng khoán Nhật còn tăng cao hơn nữa
Một số chuyên gia mới đây cho biết, thị trường chứng khoán Nhật vẫn chưa đạt đỉnh, sẽ còn lên cao hơn trong thời gian tới.
Bà Yue Bamba, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại BlackRock Nhật Bản cho biết: “Các yếu tố đang thúc đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản có tính chất cơ bản và lâu dài, chẳng hạn như cải cách quản trị doanh nghiệp, và sự chuyển đổi dần từ giảm phát sang lạm phát.”
Từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ số chứng khoán Nikkei đã tăng 19,8%, vượt xa kỳ vọng của những nhà đầu tư khó tính. Chỉ số trung bình chuẩn hôm 4/3 đã vượt mốc 40.000 điểm lần đầu tiên, nhờ sự nhiệt tình của nhà đầu tư dành cho cổ phiếu các công ty bán dẫn. Đây là con số cao nhất từ năm 1989.
Chỉ số Nikkei đóng cửa ở mức 40.090,78 điểm vào ngày 5/3, giảm nhẹ 6,85 điểm hay 0,02%, và là ngày giảm thứ hai liên tiếp. Chỉ số Nikkei trung bình giảm 0,05% trong hai ngày qua, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm 1,28% trong ngày 4 và 5/3, chứng tỏ khả năng phục hồi của chứng khoán Nhật Bản vẫn khá chắc chắn.
Các chiến lược gia của “Bank of America Securities” như ông Masashi Akutsu, tháng 1/2024 dự đoán chỉ số Nikkei vào cuối năm có thể tăng lên 41.000 điểm. Họ lưu ý trong một báo cáo rằng, chỉ số sửa đổi ước tính thu nhập đã được cải thiện trong quý 3 và quý 4/2023, cho thấy nhiều công ty có khả năng sẽ kê khai thu nhập tăng thêm.
Báo cáo có đoạn: “Sự cải thiện trong chỉ số sửa đổi, có thể được thúc đẩy bởi sự tăng tiền lương thực tế đối với các lĩnh vực liên quan đến nhu cầu trong nước, và bởi sự phục hồi sản xuất đối với các lĩnh vực liên quan đến nhu cầu ở nước ngoài.”
Ông Ryota Sakagami, nhà phân tích chiến lược tại Citigroup nói rằng, ước tính chỉ số Nikkei có thể tăng lên 45.000 điểm và chỉ số chứng khoán Tokyo tăng lên 3.100 điểm, nhờ điều kiện thị trường thuận lợi như khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên lãi suất và duy trì chính sách tiền tệ lỏng.
Ông Hideyuki Ishiguro, chiến lược gia cấp cao tại Nomura Asset Management cho biết, chỉ số Nikkei có thể đạt 47.000 điểm do nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ ít hơn 80 tỷ USD so với thời kỳ đỉnh cao của Abenomics năm 2015.
Thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào chứng khoán Nhật Bản, nhờ cải cách quản trị doanh nghiệp, đồng yên yếu và chương trình đầu tư hoãn thuế dành cho các nhà đầu tư bán lẻ.
Theo dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, các nhà đầu tư quốc tế đã bán ròng 78,7 tỷ yên cổ phiếu Nhật Bản từ ngày 19/2 đến ngày 22/2, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, họ đã mua ròng 2,7 nghìn tỷ yên.
Theo báo cáo chiến lược của hãng Morgan Stanley, nhà đầu tư quốc tế dự kiến sẽ giảm tốc độ mua cổ phiếu Nhật Bản trong tháng 3 này.
Báo cáo xem xét thói quen của nhiều nhà đầu tư trong thập kỷ qua, lưu ý rằng ngoại trừ hai năm, họ đều dành tháng 3 để bán ròng khoảng 1 nghìn tỷ yên cổ phiếu, trước khi mua lại vào tháng 4.
Đề cập đến quan điểm cho rằng, chứng khoán Nhật Bản đã trở nên quá đắt, ông Ishiguro từ Nomura Asset Management nói thêm: “Giá cổ phiếu là thước đo đầu tư của lợi nhuận. Tỷ lệ giá trên thu nhập của chỉ số trung bình chứng khoán Nikkei, là 16 lần, giảm từ mức 60 lần trong thời kỳ bong bóng cuối những năm 1980. Chứng khoán Nhật Bản đang giao dịch ở mức chiết khấu 23% so với chứng khoán Mỹ. Không có gì quá nóng cả.”
Trong khi các nhà phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán Nhật Bản nói chung không quá nóng, họ vẫn có sự chia rẽ về việc, liệu lĩnh vực công nghệ có như vậy không.
Ông Aninda Mitra, chuyên gia chiến lược đầu tư tại BNY Mellon Investment Management nói: “Dường như có hiệu ứng, từ một số tên tuổi liên quan đến công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực bán dẫn.”
Các nhà phân tích cho biết, rủi ro đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản là từ bên ngoài.
Bà Hiromi Ishihara, người đứng đầu bộ phận đầu tư cổ phiếu tại Amundi Japan cho biết, mặc dù đây không phải là một kịch bản khó xảy ra, nhưng đồng yên tăng giá mạnh sẽ là rủi ro đối với chứng khoán Nhật Bản, vì đợt phục hồi năm nay được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Bà nói thêm rằng, kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, và việc Mỹ cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự kiến vào tháng 6, sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Nhật Bản. Tuy nhiên, việc hồi sinh của cổ phiếu Nhật Bản chỉ mới bắt đầu, vì vậy mặc dù vượt qua mức 40.000 điểm là cột mốc quan trọng, nhưng nó chỉ là phần đầu của chuyến hành trình dài.