Doanh nghiệp ngành gỗ nỗ lực nắm bắt cơ hội từ CPTPP

XUÂN THU| 26/06/2018 03:32

Dù Hiệp định CPTPP chưa chính thức có hiệu lực nhưng đến thời điểm hiện nay, đơn đặt hàng đối với ngành gỗ đến từ các nước trong khối CPTPP như Canada, Nhật Bản, New Zealand, Úc, Peru… đã tăng lên rất mạnh.

Doanh nghiệp ngành gỗ nỗ lực nắm bắt cơ hội từ CPTPP

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), vừa qua, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đã ký hợp đồng giá trị khoảng 200 - 300 triệu USD xuất khẩu sang Canada cho năm 2019 (trong các năm trước, con số này chưa đến 100 triệu USD/năm). Ông Nguyễn Tôn Quyền cũng cho biết mới đây đã có 4 - 5 doanh nghiệp Nhật Bản bàn với Vifores sẽ tăng giá trị nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam lên 1,3 lần vào năm 2019. Đứng trước cơ hội từ CPTPP, các doanh nghiệp gỗ đang vận động phía Nhà nước sát cánh, đẩy mạnh hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp.

Link bài viết

Đại diện Vifores chia sẻ rằng, trước đây doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thực hiện những FTA phạm vi hẹp. Hiệp định CPTPP có phạm vi rộng hơn với rất nhiều điểm mới. Bởi vậy, ngoài hiểu được những nội dung cơ bản của Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp còn phải tìm hiểu cả những chính sách thương mại quốc tế đang thay đổi từng ngày từng giờ. Hiện nay, trình độ ngoại ngữ đang là một rào cản đối ngành gỗ mà văn bản Hiệp định CPTPP đều sử dụng tiếng Anh. Vifores cho rằng cơ quan quản lý nhà nước nên đồng hành với doanh nghiệp bằng cách nhanh chóng biên tập những tài liệu CPTPP ra tiếng Việt ngắn gọn, dưới dạng hỏi đáp cho dễ hiểu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể của pháp luật Việt Nam về thực thi Hiệp định CPTPP.

Trên thực tế, trong vòng một năm qua đã có ít nhất 4 đoàn doanh nghiệp ngành gỗ đi nước ngoài tìm hiểu về thị trường 10 nước trong CPTPP, đặc biệt là các doanh nghiệp đến các nước ở khu vực Nam Mỹ như Chile, Peru… để khảo sát. Tuy nhiên, ông Huỳnh Quang Thanh – Chủ tịch Hội chế biến gỗ Bình Dương cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ thêm doanh nghiệp gỗ ở khâu tiếp thị. Với nền tảng và bề dày hoạt động thua kém các doanh nghiệp ở những nước cùng khu vực, việc tiếp thị của doanh nghiệp Việt còn khá thụ động.

Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Giám đốc Công ty Woodsland cho biết ngành gỗ Việt Nam hầu như chưa có hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm để biết trước các thị trường cần sản phẩm gì. Tại các hội chợ triển lãm quốc tế, khi một doanh nghiệp Trung Quốc hoặc Đài Loan được khách hàng hỏi thăm về một sản phẩm nào đó, doanh nghiệp sẽ phân tích ngay lập tức ý kiến của khách hàng và gửi đến khách hàng mọi thông tin chi tiết, gợi ý phát triển thêm về sản phẩm đó. Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam thì cần khách hàng phải đặt câu hỏi thật rõ ràng, kèm theo bản vẽ và các yêu cầu cụ thể. Điều này rõ ràng làm mất nhiều khách hàng tiềm năng.

Ngoài vấn đề ngoại ngữ, kỹ năng tiếp thị, thách thức đáng kể nữa đối với doanh nghiệp trong nước là đầu tư công nghệ và đào tạo công nhân lành nghề. Để đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, giấy tờ khi bán trực tiếp sản phẩm cho người tiêu dùng nước ngoài, các doanh nghiệp ngành gỗ buộc phải thay đổi công nghệ cũng như thay đổi cả người vận hành công nghệ. Ví dụ, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành gỗ phải sử dụng robot phân loại gỗ tự động. Điều này cần thêm máy móc và cả người hướng dẫn để có thể vận hành máy móc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp ngành gỗ nỗ lực nắm bắt cơ hội từ CPTPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO