Thực phẩm Canada ồ ạt vào Việt Nam
Chính phủ Canada mới đây công bố chiến dịch thúc đẩy thực phẩm trên nền tảng số đưa thực phẩm Canada đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam. Ông Jeffrey Lang - đại diện của Chính phủ Canada khẳng định: “Việt Nam luôn là một trong những thị trường quan trọng nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Canada. Thông qua chiến dịch, Canada củng cố hình ảnh thương hiệu quốc gia với người tiêu dùng Việt với tư cách là một nhà cung cấp thực phẩm chất lượng cao, đạt những tiêu chuẩn khắt khe nhất trên thế giới và đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp”.
Trước đó, trong tháng 2/2023, phái đoàn Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn của tỉnh Ontario (Canada) bao gồm 10 doanh nghiệp và hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp thực phẩm của tỉnh bang Ontario (gồm ngành thịt heo, thịt bò, nhân sâm, đậu nành và hạt ngũ cốc) đã đến làm việc tại TP.HCM. Những doanh nghiệp này đến Việt Nam tìm hiểu, tạo thị trường mới cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủy hải sản.
Theo Tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM Behzad Babakhani, các doanh nghiệp Canada xem thị trường thực phẩm Việt Nam như “mỏ vàng” và là một trong những thị trường quan trọng nhất trong chiến lược đa dạng hóa xuất khẩu của Canada với nông sản, thủy sản là một thành phần quan trọng trong thương mại song phương. Năm 2021, xuất khẩu nông sản, thủy sản của Canada sang Việt Nam đã đạt hơn 370 triệu CAD (đô la Canada). Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này của Canada vào Việt Nam đạt gần 416 triệu CAD, tăng 34% so với năm 2021.
Cả hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ưu đãi về thuế quan đã giúp cho nông sản thực phẩm chất lượng cao của Canada với mức giá phù hợp hơn có cơ hội thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Thực tế, các mặt hàng nông sản và thực phẩm xuất khẩu hàng đầu của Canada sang Việt Nam trong những năm trở lại đây khá đa dạng với các loại ngũ cốc, hạt có dầu, hải sản, thịt bò, thịt heo, trái cây cũng như các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến.
Riêng với mảng thịt động vật, Việt Nam là một trong hai thị trường nhập khẩu thịt bò Canada lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Từ khi thực thi CPTPP, có những thời điểm thịt bò Canada nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam với giá trị tăng đến 400%. Loại thịt nhập này được bày bán khắp các kệ hàng siêu thị với giá ngang hàng thịt bò nội địa. Riêng trong năm 2022, giá trị xuất khẩu sản phẩm thịt bò từ Canada vào Việt Nam tăng trưởng 55%.
Thực phẩm Canada tại một chương trình quảng bá mới đây |
Áp lực trên sân nhà
Các doanh nghiệp thủy hải sản Việt Nam hết sức khó khăn. Theo ông Nguyễn Huy - chuyên gia đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn phát triển bền vững Công ty Intertek Việt Nam, ngành thủy sản bị tác động cực kỳ nặng. Mới đây có doanh nghiệp liên lạc xin lỗi dừng đăng ký đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn bền vững do từ Tết đến giờ không có đơn hàng nào, phải dừng sản xuất.
Và trong khi doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam không có đơn hàng xuất khẩu, hàng chất đầy kho đến nổi không thể sản xuất tiếp, nhiều doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản thì hàng thủy hải sản các nước ồ ạt vào Việt Nam. Chẳng hạn với Canada, lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định CPTPP giúp 94% các sản phẩm nông nghiệp từ Canada xuất khẩu sang Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế 0%. Nhờ vậy, hàng hóa Canada có giá ngày càng cạnh tranh hơn ở thị trường Việt Nam.
Tổng lãnh sự Canada tại Việt Nam Behzad Babakhani cho rằng, Việt Nam là thị trường rất hứa hẹn đối với Canada. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Canada sang Việt Nam đã gia tăng đáng kể, với tốc độ tăng trưởng gần 1/3 trong năm vừa qua. Các loại thịt (bò, heo) cũng như hải sản và cá của Canada đang tiêu thụ rất tốt tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng lên đến 100%.
“Hơn thế, chúng tôi nhìn thấy được tiềm năng tăng trưởng lớn, thậm chí có thể tăng gấp đôi xuất khẩu sang Việt Nam lên 200 triệu CAD một năm. Nông sản như trái cây và hạt cũng đang gia tăng đáng kể, với doanh số tiêu thụ gấp đôi trong năm vừa qua. Các sản phẩm của Canada đang được tiêu thụ rất tốt trên toàn bộ thị trường”, ông Behzad Babakhani nói.
Sở dĩ ông Behzad Babakhani tin như vậy vì hiện nay chính phủ Canada rất nỗ lực hiện đại hóa hình ảnh và tìm kiếm cơ hội mới cho các sản phẩm của họ thông qua việc số hóa trên toàn cầu. Tại Việt Nam, chính phủ Canada và Shopee đang thực hiện nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn vào các dịp đặc biệt để quảng bá về thực phẩm của đất nước “lá phong đỏ”. Người dùng Việt Nam dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm Canada ở bất cứ đâu và còn được hưởng nhiều ưu đãi từ các nhà phân phối thực phẩm chính thức của Canada tại Việt Nam.
Không dừng lại ở hoạt động này, ông Jeffrey Lang cho biết chính phủ Canada sẽ ra mắt thêm nhiều chiến dịch truyền thông về thực phẩm Canada thông qua sự cộng tác của những người có ảnh hưởng và đầu bếp nổi bật trong lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam. Canada cũng ra mắt website với nhiều thông tin về sản phẩm nông nghiệp Canada.
Nhưng ngành nông sản, thực phẩm Việt Nam không chỉ bị áp lực cạnh tranh bởi hàng từ Canada mà còn từ nhiều nước phát triển khác trên thế giới. Bởi theo Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 680.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,49 tỷ USD, tuy giảm 6,1% về lượng nhưng tăng 7,3% về trị giá so với năm 2021. Và dù nguồn cung trong nước dồi dào nhưng Việt Nam chỉ xuất khẩu được sản phẩm thịt với kim ngạch khoảng 84,6 triệu USD. Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu ngành thịt trên 1,35 tỷ USD.
Bằng nhiều chương trình quảng bá, thực phẩm Canada đang đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam |
Ngoài ngành thịt, Việt Nam nhập số lượng lớn nguyên liệu nông sản phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi, phân bón, thực phẩm. Năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu 27 chủng loại nguyên liệu nông sản để chế biến thức ăn chăn nuôi với số lượng gần 10 triệu tấn, trị giá 5,4 tỷ USD (tăng 8% so với năm 2021).
Việt Nam là đối tác thương mại số một của Canada trong khối ASEAN kể từ năm 2015 và Canada nằm trong số 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo Lãnh sự quán Canada tại TP.HCM, thương mại hai chiều của Việt Nam và Việt Nam đã đạt kỷ lục mới (12,9 tỷ CAD, theo số liệu đến cuối tháng 11/2022), tăng hơn 35% so với cùng kỳ. Ngành công nghiệp thực phẩm là ngành sản xuất lớn thứ hai tại Canada và là ngành công nghiệp sản xuất lớn nhất ở hầu hết các tỉnh. |