Kinh doanh

Làm thế nào để đưa nông sản, thực phẩm vào hệ thống phân phối quốc tế?

Hồng Nga 07/06/2024 17:57

Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng xuất khẩu nông sản, thực phẩm nhưng để đưa được vào các chuỗi phân phối lớn của thế giới thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Lợi thế FTA

Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản thực phẩm luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam với tốc độ phát triển bứt phá ngoạn mục kể cả trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường sụt giảm. Năm 2024, đà tăng trưởng được duy trì ổn định khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21,0% so với cùng kỳ năm 2023.

nong-san-2.jpg
Hàng thực phẩm được nhiều nhà mua hàng quốc tế quan tâm

Hiện Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ hai thế giới về cà phê, thứ nhất về hạt điều, hạt tiêu, và lớn thứ ba về gạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng, Việt Nam có khả năng cung ứng nguồn nông sản, thực phẩm lớn cho thị trường thế giới với lợi thế cạnh tranh từ 16 FTA ở các thị trường như EU, ASEAN…

“Các FTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan, đặc biệt đối với các sản phẩm chế biến. Các hiệp định thương mại tự do này cũng tạo cơ hội cho Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Thắng khẳng định.

Cùng nhận định này, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ thêm rằng: Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển sản xuất cả nông, lâm và thuỷ sản. Sản lượng nông sản, thực phẩm sản xuất hàng năm không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu như năm 1990, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Việt Nam chỉ khoảng 20 triệu USD, đến nay đã vượt mốc 53 tỷ USD/năm.

Riêng với thị trường châu Âu, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, mỗi năm EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản nhưng nông sản từ Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 4% trong số đó. Điều này cho thấy, dư địa để tăng thị phần cho nông sản Việt Nam tại đây rất lớn.

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước trong 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng trưởng dương như sang Hoa Kỳ (tăng 23,9%), Trung Quốc (tăng 8,6%), Nhật Bản (tăng 6,6%). Giá trị xuất khẩu các mặt hàng trong ngành nông nghiệp cũng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái như cà phê đạt 2,9 tỷ USD (tăng 44,1%), gạo đạt 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%), rau quả đạt 2,59 tỷ (tăng 28,1%), tôm đạt 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%)…

Vượt thách thức

Dù có nhiều lợi thế và tiềm năng, tuy nhiên, theo bà Thắng, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao.

nong-san.jpg
Nông sản Việt Nam đang được nhiều nhà mua hàng nước ngoài quan tâm tại triển lãm Viet Nam International Sourcing Expo 2024

Ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện đang đối diện với 3 thách thức lớn. Thứ nhất, tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao. Thứ hai, xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước từ các thị trường nhập khẩu khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với các vụ kiện thương mạị ngày càng nhiều. Thứ ba là thách thức đến từ tiêu chuẩn về phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảp vệ môi trường.

Các thách thức về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bởi các quốc gia đã điều chỉnh khung pháp lý của mình với hàng loạt các Luật, các quy định mới. Trong đó, EU là đi tiên phong trong vấn đề này với việc ban hành hàng loạt đạo luật thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD), nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.

Ông Trần Ngọc Quân khẳng định, EU là một thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng và cập nhật thường xuyên các quy định nhập khẩu. Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào EU, các DN Việt Nam phải thường xuyên cập nhật thông tin thị trường, gia tăng khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng bền vững.

“Việc quản lý chất lượng sản phẩm không chỉ nằm ở khâu sản xuất mà còn là vấn đề từ nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản… Muốn tránh các rủi ro về chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, các DN Việt Nam phải xây dựng được chuỗi cung ứng có liên kết, kiểm soát chặt chẽ”, Trần Ngọc Quân tư vấn.

Ngoài những lưu ý trên, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường và của các chuỗi phân phối ở nước ngoài, các nhà cung cấp nông sản Việt cần phải chuyển đổi xanh hóa, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, xem đây là xu hướng phát triển tất yếu và xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên toàn cầu.

Ngành chế biến lương thực, thực phẩm đặc biệt là nông sản và thực phẩm chế biến là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP.HCM, hàng năm đóng góp 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của Thành phố.

Những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất của ngành chế biến lương thực, thực phẩm của Thành phố đã có sự phục hồi khởi sắc và tăng trưởng trở lại. Kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản của 4 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mặt hàng gạo đạt gần 600 triệu USD, tăng 74,5%; cà phê đạt 377 triệu USD, tăng 94,3%; hạt tiêu 132 triệu USD, tăng 88%; thủy sản đạt 285,5 triệu USD, tăng 47,5%; rau quả đạt 384,4 triệu USD, tăng 56,3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm thế nào để đưa nông sản, thực phẩm vào hệ thống phân phối quốc tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO